Đôi bờ thương nhớ!

(Baohatinh.vn) - Trong ký ức tuổi thơ của tôi, con sông trước làng như một dải tơ lụa kéo dài tít tắp về phía chân trời. Cứ mỗi độ chiều tà, con sông trở nên đượm buồn, u tịch.

Đôi bờ thương nhớ!

Ảnh internet

Làng tôi nằm vắt trên bãi đất gồ lên, bao quanh làng là con sông chảy dài vô tận. Tuổi thơ của tôi và bọn trẻ trong làng đều gắn chặt nơi con sông đó. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, con sông trước làng như một dải tơ lụa kéo dài tít tắp về phía chân trời. Cứ mỗi độ chiều tà, con sông trở nên đượm buồn, u tịch.

Nhà tôi ở gần con sông, chỉ cách mấy bậc đê. Tổ ấm đó chỉ có mẹ và tôi. Mẹ tôi, người phụ nữ đã ngoài bảy mươi, thời gian đã lấy đi của mẹ nhiều thứ và chiến tranh đã cướp đi những người thân yêu của mẹ, trong đó có cha tôi. Có lẽ vì thế mà trên gương mặt mẹ luôn gợi lên nỗi buồn đến nao lòng, dù mẹ đẹp nhưng nét đẹp chẳng che lấp được nỗi buồn trong lòng. Với tôi, mẹ chẳng khác gì con sông phía trước làng, đẹp nhưng man mác buồn, cái buồn đến tận tâm can người đối diện.

Tôi biết nỗi buồn của mẹ bắt nguồn từ ngày cha nhập ngũ. Tôi chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy gương mặt cha, ký ức của cha trong tôi là những mảnh ghép qua lời kể của mẹ và những người thân trong nhà.

Mẹ kể, hôm cha nhập ngũ là một ngày trời đã sang thu, con sông trước nhà vốn dĩ bình yên thì hôm ấy lại quằn quại trở mình ồn ã. Cha và mẹ chia tay nhau ở đó, cha theo binh đoàn lên đò. Những con đò đầy đưa cha và những người đồng đội xa khuất dần. Cha đã từng hứa với mẹ khi tôi chào đời, cha nhất định sẽ trở về đoàn tụ với gia đình.

Đôi bờ thương nhớ!

Ảnh internet

Lời hứa của cha, niềm tin của mẹ đã đưa mẹ con tôi vượt qua tất cả những gian khó của cuộc đời. Những lúc nhớ cha, tôi thường thấy mẹ lặng lẽ ra đứng bờ sông như thủ thỉ, như cầu mong cha sớm quay trở về.

Tôi nhớ năm tôi lên bốn tuổi, đúng vào buổi sáng trời thu, mẹ tôi đã nghe tiếng gọi từ xa của bác trưởng thôn:

- Chị Lan ơi! chị Lan.

- Chị Lan đâu rồi! - Tiếng gọi dồn dập.

Mẹ tôi bước vội ra sân, nhìn nét mặt bác trưởng thôn, mẹ lờ mờ nhận ra điều gì đó chẳng lành. Bác trưởng thôn đưa đôi mắt nhìn tôi rồi thoảng qua nhìn mẹ, bác nói:

- Chị Lan này, xã mời chị sáng nay ra xã có việc cần gặp.

Mẹ gặng hỏi: - Chuyện gì vậy bác?

Trước sự gặng hỏi của mẹ, bác trưởng thôn đành nói thật: - Chị này, ở xã báo về. Anh Hùng chồng chị đã qua đời ở mặt trận Bình Trị Thiên. Người ta đã gửi giấy báo tử về cho xã rồi đấy.

Lúc ấy, tôi chẳng hiểu giấy báo tử là gì cả, chỉ biết sau cuộc trò chuyện đó, mẹ tôi trở nên trầm hẳn, mẹ không khóc mà chỉ lặng lẽ ra bờ sông. Mẹ đứng đấy hàng tiếng đồng hồ, đôi mắt mẹ nhìn xa xăm sang bờ kia của con sông. Cũng từ đấy, tôi chẳng bao giờ nhìn thấy nụ cười của mẹ nữa.

Ngày tháng trôi đi, thứ mẹ tôi nhận được từ cha chỉ là tờ giấy báo tử được xác nhận bởi đơn vị, còn hài cốt của cha thì đến nay, mẹ và tôi đã đi tìm nhưng chưa thấy.

Mẹ bảo: “Chỉ mong rằng, ở đâu đó trong các phần mộ của những liệt sĩ chưa có tên có cha con ở đó. Hoặc điều kỳ diệu hơn là cha vẫn còn trên cuộc đời này”.

Đôi bờ thương nhớ!

Ảnh internet

Bây giờ tôi đã trưởng thành, có cuộc sống đủ đầy. Nhiều lần về thăm quê, tôi mong được đón mẹ lên thành phố, nhưng lúc nào mẹ cũng từ chối. Mẹ bảo: “Sẽ đợi bên kia dòng sông, biết đâu cha con sẽ quay về”.

Ngần ấy năm con sông vẫn vậy. Sự kiên định và lòng chung thủy của mẹ cũng thế. Mẹ vẫn giữ thói quen ra bờ sông lặng lẽ nhìn chuyến đò qua. Đôi bờ sông bên bồi, bên lở như sự thương nhớ của mẹ gửi đến cha. Tôi chỉ mong một ngày nào đó, phần mộ của cha sẽ sớm tìm thấy để dòng sông bớt u buồn, lòng mẹ cũng vơi đi sự nhớ mong.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast