Nôn nao tiếng hè

(Baohatinh.vn) - Cái nắng oi nồng của những ngày cao điểm mùa hè Hà Tĩnh khiến tôi hết ngả lưng xuống giường lại ngồi dậy. Giấc ngủ chập chờn dắt nỗi nhớ về theo.

Nôn nao tiếng hè

Tháng 6, miền Trung nắng như đổ lửa

Nắng như đổ lửa, từ sáng sớm, mẹ đã giục chị em tôi dậy quét tước, ăn sáng bằng cháo đỗ hoặc khoai lạc luộc rồi mẹ tất tả đi chợ với gánh hàng xén quảy hai đầu.

Ở nhà, chị em tôi phân công nhau, người tưới cây, hái rau tập tàng làm món canh trưa giải nhiệt, người nấu cơm để đưa cho mẹ, người chăm sóc bà nội. Mọi việc phải xong trước khi bóng nắng mái hiên nhà đổ xuống sát thềm, đó là lúc gần 11h.

Không có đồng hồ, chị em tôi đo thời gian bằng bóng nắng và tiếng chuông đồng hồ quả lắc nhà bên vọng sang cứ 30 phút một. Tuy đất không rộng nhưng mảnh vườn và cái ao nhỏ cũng đủ cho chúng tôi trồng các loại rau dền, mồng tơi, vạt muống, dọc mùng và mấy thứ rau thơm.

Nôn nao tiếng hè

Mùa nào thức ấy, bữa cơm do chúng tôi soạn sửa đều đượm vị quê.

Mùa nào thức ấy, mùa nắng thì phải chăm ăn canh tập tàng, rau muống luộc, canh khế hoặc mùng chua, canh bí cho mát. Rau sống thì có quả dưa non bằm nhỏ trộn rau thơm chấm với ruốc bể, hoặc rau muống chẻ trộn với hoa chuối, chấm nước mắm. Mẹ dặn thế. Bữa nào được mùa tôm cá thì sang hơn, có các loại đầu cá nấu dưa chua, tôm biển bóc vỏ, giã nhỏ nấu canh, hoặc canh hàu, hến…

Sau giấc ngủ trưa, cốc nước chanh pha đường là thức uống sang chảnh (mà chúng tôi mấy khi ngủ trưa, toàn trốn mẹ đi chơi dưới các lùm cây). Sau này đến thời kỳ có “kem mậu dịch”, khỏi phải nói là sung sướng đến mức nào! Kể chi trời nắng, phân nhau đi bộ cả vài ki-lô-mét ra cửa hàng giải khát, chen nhau qua khe cửa hẹp để mua được mấy cái kem sữa, gói cẩn thận vào giấy báo kẻo chảy nước, đi như chạy về nhà dưới cái nắng trưa oi ả để kịp chia nhau thưởng thức vị mát lạnh của que kem. Cảm giác sung sướng lưu lại mãi đến tận bây giờ!

Nôn nao tiếng hè

Que kém mát lạnh trong ký ức tuổi thơ... Ảnh: internet

Những ngày nắng cao điểm, mẹ không ở lại chợ mà về buổi trưa. Trong chiếc giỏ mẹ mang bên mình thể nào cũng có những chùm quả cho mấy cô con gái ưa quà: chùm nhãn lồng, chùm dâu da hoặc quả dưa bở, dưa gang. Những quả dưa chín nứt ra, tỏa mùi thơm, trộn với đường ăn ngọt ngon và thấm mát đến ruột gan. Đó là món quà từ bàn tay lao động của người nông dân, cũng như hạt gạo, hạt cơm là hạt ngọc trời, ăn không được phung phí, không được để rơi vãi. Thế là có tội với họ! Mẹ dặn thế.

Chúng tôi vui sướng với thức quà và bữa cơm canh mát ngọt dưới mái tranh nghèo. Dẫu không quạt điện, máy điều hòa, cũng vẫn những trưa nắng nồng nhờ vào bóng râm cây cối và nền nhà bằng đất mát rượi, chờ cơn gió nồm nam buổi chiều, vậy mà chúng tôi cứ tự nhiên hòa cùng trời đất mùa hạ, lớn lên, đi xa và trưởng thành.

Mùa hè này, chạy xe qua con đường quen thuộc, nơi những buổi trưa tôi thường đi bộ băng qua công viên Lý Tự Trọng để đưa cơm cho mẹ, lòng dâng lên nỗi thương nhớ vô bờ. Cả đời gồng gánh chợ búa trên vai, mẹ tôi đã ngồi không biết bao góc chợ, rồi đình chợ nóng như nung. Bao nhiêu giọt mồ hôi của mẹ đã đổ xuống con đường này, góc chợ này. Giọt mồ hôi tần tảo. Giọt mồ hôi chắt chiu.

Nôn nao tiếng hè

Mẹ đã chịu đựng biết bao mùa nắng nóng để cho chúng tôi những bữa cơm canh mùa hè, những thức quà ngon ngọt, những buổi trưa yên bình dưới mái tranh nghèo. Ảnh: internet

Đường xưa đã thành phố phường sầm uất, công viên cũ đã tân trang hiện đại, nhưng tôi vẫn như thấy bóng mẹ thấp thoáng với đôi gánh hàng nhịp nhàng trên vai, bước chân thoăn thoắt, nụ cười rạng rỡ vì sau một ngày mưu sinh có được những đồng tiền cơm áo cho đàn con, cho mẹ già.

Hình như mẹ đang về cùng mùa hè nắng gió, nón trắng, áo cánh quần lụa, quạt nan phe phẩy, cái làn đựng mấy chùm quả. Chúng tôi đã xa mẹ một năm tròn, cả một trời mùa hạ thương nhớ không nguôi...

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast