Tố Hữu và những vần thơ về Cách mạng tháng Mười Nga

(Baohatinh.vn) - Nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 9/12/2002), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, là người có tình cảm sâu sắc với đất nước Liên Xô.

Tố Hữu và những vần thơ về Cách mạng tháng Mười Nga

Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Internet

Liên Xô là quê hương của V.I.Lênin, của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Liên Xô là cứu tinh cho nhân loại khi đã kết liễu chủ nghĩa phát xít, kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945). Đất nước này còn là thành trì hòa bình của thế giới, là ngọn cờ cổ vũ cho phong trào công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Bởi vậy, những vần thơ về Liên Xô của nhà thơ Tố Hữu luôn có một tình cảm yêu mến đặc biệt.

Viết về Cách mạng tháng Mười, nhà thơ Tố Hữu dành những lời ngợi ca thật đẹp:

Cách mạng tháng Mười

Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó

Với Lê-nin, làm lại loài người

Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi

Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực

(Với Lê-nin, 1958)

Ta sống lại, làm người, được sống

Ta đứng lên vĩnh viễn là người

Trái đất bỗng giật mình chuyển động

Từ hôm nay, Cách mạng tháng Mười

(Bay cao, 1959)

Trời sắp rạng đông

Lê-nin bước đi, sôi nổi, giữa rừng thông

Cỏ đồng ngập lối

Mà như cùng muôn triệu công nông

Xông vào Cung điện Mùa Đông

(Lều cỏ Lê-nin, 1970)

Tố Hữu và những vần thơ về Cách mạng tháng Mười Nga

Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. I. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết toàn Nga ngày 7-11-1917 tại điện Smolnya, ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông. Ảnh Internet

Nhà thơ Tố Hữu còn cảm nhận Lê-nin sống mãi trong sự nghiệp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới:

Tôi đã đi

Giữa mùa hè chín mẩy

Xi-bê-ri hay Tbi-li-xi

Đâu đâu tôi cũng thấy Lê-nin

Mỗi công trường xưởng máy

Lê-nin, ấy là lò thép chảy

Thành những óc tim, lửa cháy bừng bừng

Trên thảo nguyên, đồng nội, núi rừng

Lê-nin, ấy là nguồn điện lực

Với Xô viết, làm thiên đường sáng rực!

Khắp những nẻo đường náo nức tôi đi

Hiển hiện Lê-nin phơi phới diệu kỳ

(Với Lê-nin, 1958)

Viết về những ngày cuộc chiến chống lại phe phát xít của Liên Xô, nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi:

Diệu kỳ thay! Hai trăm ngày Xta-lin-grát

Nở muôn năm một thế giới hồng

Pháo đài đây, ngôi nhà Pav-lốp

Năm mươi tám ngày bão sắt, chẳng rung

Anh lính trẻ vào Bá-linh cùng tướng quân Chu-cốp

Chẳng biết đâu mình cũng anh hùng!

(Xta-lin-grát, một ngày xuân, 1970)

Liên Xô lâm vào khủng hoảng, những kẻ phản bội quay lưng, đòi phá bỏ tượng đài, hạ bệ lãnh tụ nhưng nhà thơ Tố Hữu vẫn kiên định tư tưởng của mình. Đúng vào dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Chân lý vẫn xanh tươi”. Bài thơ có đoạn:

Ôi! Nỗi đau này là nỗi đau chung

Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát?

Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát

Và cả bay quân cướp nước, giết người

Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi

Cách mạng tháng Mười vẫn mở đường đi tới.

(Chân lý vẫn xanh tươi, 7/11/1991)

Đúng như nhận định của nhà thơ Tố Hữu: “Chân lý vẫn xanh tươi”. Trong bài phát biểu vào ngày 30/12/1999 với tiêu đề: “Nước Nga buổi giao thời thiên niên kỷ”, Vladimir Putin khi đó là Thủ tướng Liên bang Nga đã đánh giá rằng: “Trong thế kỷ sắp trôi qua này, nước Nga đã có 3/4 thời gian sống với những mục tiêu và lý tưởng cộng sản. Nếu có ai đó phủ nhận thành quả của chủ nghĩa cộng sản thì quả là sai lầm nghiêm trọng... Nếu chúng ta không nhận thức chính xác về vị trí của người dân và xã hội thì chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt, lúc này sai lầm sẽ càng trầm trọng hơn”.

Ngày 31/12/1999, Boris Yeltsin, nhân vật “nã đạn vào quá khứ” khi cấm Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động và là nhân vật chính khiến Liên Xô tan rã tuyên bố từ chức, quyền Tổng thống thuộc về Thủ tướng Putin. Từ đó đến nay, vị cựu trung tá Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) thời Liên Xô liên tiếp được nhân dân Nga tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Liên bang Nga (1999-2000, 2008-2012), Tổng thống Liên bang Nga (2000-2004, 2004-2008, 2012-2018, 2018-2024).

Tố Hữu và những vần thơ về Cách mạng tháng Mười Nga

Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint-Peterburg chúc mừng thành công của cuộc Cáchmạng ngày 7-11-1917. Ảnh Internet

Ông Putin từng bày tỏ: “Tôi rất thích và cho đến nay vẫn thích tư tưởng cộng sản, tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đó là những lý tưởng tốt đẹp”. Bởi vậy, tháng 7/2001, trong buổi họp báo tại Mátxcơva, các nhà báo của tờ “Đoàn Thanh niên Cộng sản” (Komsomol) và báo “Chân lý” đã đề cập tới vấn đề đổ vỡ của Nhà nước Liên Xô. Có nhà báo đã hỏi: “Ngài đánh giá thế nào về sự đổ vỡ của Liên Xô?”, thì ông Putin khẳng định: “Ai không tiếc cho sự đổ vỡ của Liên Xô, người đó không có lương tâm”.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Nga tháng 2/2013, ông Putin đã gửi thư chúc mừng. Trong thư, ông bày tỏ niềm tin tưởng rằng, Đảng Cộng sản Liên bang Nga sẽ ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Không dừng lại ở đó, ông Putin còn ra sắc lệnh lấy ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917) làm ngày Đoàn kết dân tộc hằng năm. Ngày 2/3/2018, tại Kaliningrad, khi được hỏi - nếu có cơ hội, ông muốn thay đổi điều gì trong lịch sử Nga - thì ông Putin trả lời sẽ tìm cách ngăn Liên Xô tan rã.

Tố Hữu và những vần thơ về Cách mạng tháng Mười Nga

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast