Trăng muộn

(Baohatinh.vn) - Vừa về đến nhà, ông Trọng đã hốt hoảng bởi tiếng kêu thất thanh của thằng con trai. Ông dựng xe ở sân, lao vội vào trong thì thấy thằng Thịnh đang nằm sõng soài trên nền nhà, mắt nó trợn ngược, miệng mếu máo kêu đau.

Trăng muộn

Pha một ấm chè mạn, ông ngồi thu lu với cái điếu cày bên hiên nhà... Ảnh minh họa: internet

Ông Trọng vội vàng đỡ con lên giường, thật may nó chỉ bị bầm tím đôi chỗ, chườm đá vài hôm sẽ khỏi. Thằng Thịnh nằm trên giường rên ư ử một lúc rồi ngủ thiếp đi. Nén tiếng thở dài vào thật sâu trong lòng, ông Trọng buồn bã nhặt vỏ bánh kẹo, vỏ lon bia ngổn ngang trên nền nhà. Giá như không có vụ tai nạn năm ấy thì thằng Thịnh đã không ra nông nỗi này.

Pha một ấm chè mạn, ông ngồi thu lu với cái điếu cày bên hiên nhà. Tiếng rít thuốc lúc lúc lại vang lên, khói thuốc chìm dần vào trong ánh trăng bàng bạc. Đêm nay, không gian thật tĩnh lặng, hàng xóm đã tắt đèn đi ngủ, có vẻ như họ ngủ sớm hơn mọi ngày, chắc do đi giúp việc đám cỗ về nên mệt. Trong nhà ánh điện vàng vọt, điện cuối nguồn nên ánh sáng yếu ớt. Làn gió nhẹ phả vào mũi mang theo bao hương vị của cuộc sống, thoang thoảng hương hoa bưởi, nồng nặc mùi vôi vữa, khét lẹt mùi mồ hôi. Ông Trọng chép miệng, nước chè hôm nay sao đắng chát.

Ở cái tuổi xế chiều, lẽ ra người ta được vui vẻ, quây quần bên con cháu. Vậy mà… Tự dưng cái suy nghĩ đó làm cổ họng ông như mắc nghẹn, vị cay đắng xộc lên mũi khó chịu hơn cả vị của mù tạt. Khóc, ông đã từng nghĩ, giá mình có thể khóc lu loa như mấy mụ đàn bà thì đã nhẹ lòng biết mấy. Cuộc sống hình như không cho ông được khóc, đàn ông ai lại khóc, xấu hổ lắm. Dù có thế nào cũng phải nuốt cay đắng, nén nước mắt vào trong mà sống. Nhưng phải làm gì để hết cô đơn thì ông chịu. Đôi lúc ngỡ rằng làm vài chén rượu, rồi chìm trong men say thì sẽ hết cô đơn, nhưng không hiểu sao lúc ấy lại càng thấy cô đơn.

Bỗng dưng lại ngửi thấy mùi hoa bưởi, kể cũng lạ thật. Thường ngày ông Trọng tự nhận mình mắc bệnh nghề nghiệp. Nghề thợ xây, đào giếng thuê đã theo ông ngót mấy chục năm. Dù thân hình không cao nhưng ông rất khỏe khoắn. Màu da nhuốm nắng nâu ánh lên như được quét một lớp sơn bóng. Bờ vai cơ bắp cuồn cuộn. Ông vẫn thường trêu đám thanh niên trong xóm: “Chúng mày việc gì phải tốn tiền đi tập gym, cứ đi theo bác thời gian là có 6 múi hết”. Nói vậy cho vui chứ cái nghề thợ xây, nắng cháy lưng, quần áo lúc nào cũng bụi bặm, lem luốc. Đôi bàn tay quen làm nặng, tiếp xúc nhiều với xi vữa, chai sạn, khô cứng như lớp bì bò. Đêm về, mùi nồng ẩm của xi vữa như thấm sâu vào da thịt, thêm cả mùi rượu nữa.

Trăng muộn

Lâu lắm rồi ông mới thấy lòng mình hân hoan đến thế. Trăng càng về khuya càng sáng... Ảnh minh họa: internet

Trăng càng về khuya càng sáng, trời càng về khuya lại càng cao. Ông Trọng nhớ đến ánh mắt của cô Lam cũng dịu dàng như vậy. Chỉ khi gặp cô Lam, ông mới thấy lòng mình có những rung động kỳ lạ đến thế. Một ánh mắt xoa dịu bao tổn thương. Một cái nhìn thôi khiến ông có ý định thay đổi thực tại. Tự dưng ông cũng khao khát yêu thương và muốn được yêu thương.

“Mẹ ơi, mẹ ơi!”. Tiếng rú lên trong cơn mê của thằng con làm ông Trọng giật mình. Đến khổ, ông ứa nước mắt vì thương con dù mê hay tỉnh nó vẫn nhớ mẹ nó. Có lẽ điều đó tốt cho nó, dù sao thì tình mẫu tử cũng thiêng liêng. Nó nhớ mẹ như thế chứng tỏ trong lòng nó mẹ nó vẫn thật đẹp, ít ra như thế nó vẫn còn hạnh phúc. Càng nghĩ ông càng thấy đau lòng vì đã không cho con một gia đình trọn vẹn. Người đàn bà chua ngoa, người mà cho đến tận bây giờ ông vẫn ghét cay, ghét đắng đã có quãng thời gian ông gọi là vợ. Hai con người quá lứa lỡ thì lấy nhau do mai mối. Người ta bảo nồi nào úp vung nấy quả không sai chút nào. Người đàn ông nghèo khó, khắc khổ lấy một người đàn bà thô kệch, chua ngoa. Ông tốt bụng nhưng cục tính, thị xấc xược lại điêu toa. Từ khi thằng Thịnh còn nhỏ, số lần nó chứng kiến bố mẹ đánh chửi nhau nhiều như cơm bữa. Thằng Thịnh cũng vì thế mà càng lớn càng ngỗ ngược.

Sau cú tát đau điếng, mụ vợ khóc lu loa rồi bỏ đi. Cứ ngỡ mụ chỉ đi vài hôm rồi lại về. Ai ngờ, lần đó mụ bỏ đi thật. Đã thế sự việc vỡ lở, mụ còn nợ tiền của anh em trong xóm. Toàn những người già nua, tằn tiện tích cóp chút tiền dưỡng già, ấy vậy mà, nghe mụ khóc lóc kể lể sinh lòng thương hại cho mượn hết. Người ta giận cá chém thớt, trách tới, trách lui ông không dạy được vợ. Còn ông cay đắng nhận ra, có lẽ mụ đã chuẩn bị trước cho chuyến đi này rồi, số tiền dành dụm của ông mụ cũng mang đi hết.

Thằng Thịnh khi ấy đang độ tuổi nổi loạn, biết mẹ bỏ nhà đi cùng chuyện lừa gạt tiền bạc, bề ngoài nó tỏ vẻ tỉnh bơ nhưng trong lòng đau đớn lắm. Ông Trọng khi ấy cũng bận bịu và chán nản nên uống rượu nhiều hơn, bao nhiêu nóng giận ông trút hết lên thằng con. Thằng bé cứ thế lớn lên trong cục cằn và thiếu thốn, đôi mắt nó lừ đừ, buồn bã. Học xong lớp 9, nó bỏ học lên Hà Nội làm thuê. Một ngày mùa đông lạnh giá, người ta gọi về cho ông Trọng với vẻ hốt hoảng: “Xuống thành phố ngay, nghe nói thằng Thịnh không ổn, nó uống rượu đâm vào cột mốc, nguy kịch lắm”.

Ông Trọng bàng hoàng, toàn thân ông run lên, quả tim như không đủ sức để đập nữa. Ông loạng choạng bước những bước vô định. “Thịnh ơi, đừng bỏ bố!” - ông gào lên bất lực. Thịnh bị gãy xương chân và tổn thương não bộ. Hiện tại đã qua được cơn nguy kịch. Tai ông Trọng như ù đi sau khi nghe kết luận của bác sĩ, không sao đâu, chỉ cần con còn sống là được rồi, ông tự trấn an.

Sau tai nạn, thằng Thịnh ngờ nghệch như một đứa trẻ. Nó thường nói cười một mình, không nhớ một ai, ngoại trừ ông Trọng. Thường ngày nó đòi ăn quà như trẻ con, không chiều là nó khóc giãy lên. Những lúc như thế ông lại ôm con vào lòng vỗ về, chiều chuộng nó. Nhiều năm trôi qua, mẹ thằng Thịnh trở về. Mụ ôm con rồi nức nở, nói rằng hãy tha thứ cho mụ, chẳng biết thằng Thịnh có hiểu không, chỉ thấy nó ngồi lặng im như trời trồng rồi nước ứa ra từ khóe mắt của nó. Mụ đề nghị ông ký giúp mụ vào tờ đơn xin ly hôn, rằng mụ đã tìm được nơi chốn mới, ở đó người ta trân trọng mụ và mụ thấy hạnh phúc. Ông ký ngay không một phút do dự, với ông mụ đã không còn tồn tại nữa rồi. Chỉ cách mụ đối xử với thằng Thịnh làm ông thấy khinh bỉ. Mụ nói lời cảm ơn, cầu xin ông hãy giữ lại ít tiền để chăm sóc cho con trai tốt hơn.

Mới đó đã bao năm trôi qua, giờ thằng Thịnh đã 30 tuổi. Căn nhà vốn thiếu vắng bàn tay phụ nữ nên càng thêm trống trải, tiêu điều. Ông Trọng cười nhạt, mình đã tự tay xây bao căn nhà, ấy vậy mà ngôi nhà của chính mình lại chả khác gì căn nhà tạm. Mưa là dột ướt hết, từng mảng vôi vữa rơi rụng, bong tróc, nền nhà lỗ chỗ như tổ ong, vườn tược cỏ cũng chen nhau. Những lúc mệt mỏi, ông thèm khát có một gia đình bình thường như bao người, trở về nhà có người chờ cơm. Vườn rau lúc nào cũng một màu xanh mướt. Nghĩ bụng: đúng là đã thiếu thì thiếu đủ thứ, thèm khát cả những điều mà người ta đều cho là rất bình thường. Thôi, với bản thân mình đó là thứ xa xỉ, nghĩ làm gì nhiều cho khổ cái đầu.

Trăng muộn

Ai nhìn cũng nhận ra, rõ ràng là họ đang phải lòng nhau... Ảnh minh họa: internet

Vậy mà cái buổi sáng ấy, một buổi sáng mùa thu tuyệt đẹp. Đám thợ bắt đầu nhận công trình tu bổ lại mái và sân chùa. Ông Trọng thoăn thoắt leo lên đảo lại mái ngói. Giữa chốn cửa Phật thanh tịnh, tiếng cười đùa của đám thợ cũng phần nào được tiết chế. Có một người phụ nữ trung niên mặc áo lam, khuôn mặt hiền hậu, lúc thì quét lá, thỉnh thoảng lại tranh thủ xếp đặt mọi thứ một cách gọn gàng. Giờ nghỉ, cô pha trà mời mọi người. Có bác thợ xây vui tính đùa: “Cô em tên gì mà pha trà ngon quá?”. Người phụ nữ chưa kịp đáp lại thì bà thím bên cạnh đã cười và nói to: “Dạ em đây tên Lam, rất chăm làm và hiền lắm bác ơi!”. “Gớm, chồng cô quả là người có phước lắm đấy nhá!”. “Ấy chết, vậy mà chưa có người nào có cái phước đó đâu bác ạ”. Cô Lam buồn bã đáp lại.

Người ta cứ thắc mắc tại sao người như cô Lam mà lại ế đến chừng này nhỉ. Thì ra, ngày xưa cô cũng yêu sâu đậm một người, thế nhưng, đám cưới chuẩn bị diễn ra thì người đó bị cảm rồi mất. Ai cũng bảo tại cô cao số nên mới vậy. Từ đó, cô từ bỏ ý định lấy chồng, vì sợ rằng mình sẽ mang bất hạnh cho họ và gia đình. Ông Trọng biết chuyện, lòng không khỏi xót xa. Sao người ta lại tin vào những điều có vẻ phi thực tế thế chứ. Người như cô Lam đáng lẽ ra phải được hạnh phúc. Nhân tiện, chuyện “em” chưa có chồng và “anh” hiện tại cũng đang độc thân, mọi người ra sức gán ghép ông và cô Lam. Ông Trọng như mở cờ trong bụng, nhưng chợt nhớ ra hoàn cảnh éo le của mình mà khuôn mặt ông tỏ ra lạnh lùng không mấy bận tâm.

- Anh Trọng này, anh kể cho em nghe về anh được không?

- Tôi á, tôi thì có gì để mà kể. Ông Trọng cười khẩy.

Thế nhưng, trong cái gọi là “có gì” đó, mọi tâm sự chất chứa trong lòng bấy lâu nay như con nước vỡ bờ, ông Trọng kể hết cho cô Lam nghe. Nghe xong cô Lam thở dài và nói: Đúng là mỗi người một số phận anh nhỉ? Cô Lam khen ông Trọng làm việc chăm chỉ, cẩn thận, cô ngỏ ý xin số điện thoại để tiện liên lạc vì mái nhà của cô cũng đang cần lợp lại.

Kể từ đó người ta thấy ông Trọng vui vẻ hơn, ông còn dành thời gian mua vật liệu về tự tay sửa chữa lại căn nhà. Cô Lam cũng thế, khuôn mặt cô bớt đi vẻ u sầu, lo âu, cô hay hát hơn. Ai nhìn cũng nhận ra, rõ ràng là họ đang phải lòng nhau, ấy vậy mà “tình trong như đã mặt ngoài còn e”.

Hội làng, người ta thấy ông Trọng mặc áo vét, mang giày si đi hội, suốt ngày hội người ta chỉ thấy ông sán lại chỗ cô Lam ngồi giúp việc ghi chép cho làng. Người ta cười tủm tỉm bảo nhau, âu thì cũng là cái số rồi, đến được với nhau thì cũng tốt cho cả hai. Rồi hai người cũng tính đến chuyện về ở cùng. Thế nhưng, chẳng có việc gì là đơn giản. Việc gì cũng sẽ có chuyện này chuyện nọ, có người mừng thì cũng có người lo.

- Anh ơi, mẹ em và người thân của em không muốn em đến với anh đâu, mọi người lo… cô Lam gọi điện cho ông Trọng giọng ngập ngừng.

- Ừ. Tôi hiểu, tình cảm tôi dành cho Lam là chân thành. Lam cứ nghĩ cho kỹ đi. Tôi tôn trọng quyết định của Lam.

Thật lòng ông Trọng rất sợ cô Lam sẽ bỏ mình. Nhưng tĩnh tâm suy nghĩ ông thấy với hoàn cảnh của mình, sợ rằng người ta không hạnh phúc. Thôi thì điều duy nhất ông có thể làm là tôn trọng quyết định của cô Lam.

Chiều muộn, cô Lam hẹn gặp ông Trọng ở bờ sông. Trực giác mách bảo có điều gì đó không ổn. Nhưng sự từng trải khiến ông dặn lòng như một mệnh lệnh: “Dù có chuyện gì xảy ra thì cũng phải thật bình tĩnh”.

- Anh Trọng này. Em suy nghĩ kỹ rồi, có lẽ em nên thay đổi môi trường sống anh ạ. Hơn 50 năm em sống ở làng mình, cuộc sống vẫn vậy. Lần này em định đi xa hơn một chút, em sẽ vào Nam sống với đứa cháu ruột, làm thuê, làm mướn cùng nó. Thời gian qua, việc gặp gỡ anh đã mang đến trong em bao cảm xúc. Nhưng mà, xin lỗi anh… Giọng cô Lam nghẹn ngào, như thể cô đang kìm nén để nước mắt khỏi rơi.

- Không sao. Tôi hiểu mà. Lam hãy cứ làm những điều mà Lam muốn, không phải áy náy gì khi nghĩ về tôi đâu.

Sau ngày hôm ấy, ông Trọng như người mất hồn, nụ cười và ánh mắt của cô Lam cứ chờn vờn trong tâm trí ông. Ngay cả lúc này đây, nhìn ánh trăng kia ông cũng nhớ đến khuôn mặt dịu dàng của cô. Ngày mai Lam đi rồi, có nên gọi cho cô ấy không? Phải gọi và chúc cho người ta lên đường thượng lộ bình an chứ. Ông cầm điện thoại lên. Nhưng chưa kịp bấm nút gọi thì chuông báo cuộc gọi đến reo vang, là cô Lam. Chắc cô ấy muốn gọi để nói lời từ biệt đây mà, ông tự nhủ.

- Anh Trọng à. Anh vẫn thức chứ?

- Ừ. Đêm nay tôi chẳng thể ngủ được.

- Em cũng thế. Em quyết định rồi anh ạ. Em không đi miền Nam nữa. Em muốn một lần được làm theo trái tim mình. Dù sướng hay khổ em vẫn muốn được cùng anh đi hết quãng đời còn lại.

Ông Trọng mỉm cười trong hạnh phúc. Lâu lắm rồi ông mới thấy lòng mình hân hoan đến thế. Trăng càng về khuya càng sáng.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast