Ông Võ Ràn chuẩn bị các giống rau để chuẩn bị gieo trồng tại nhà màng của gia đình.
Ghé thăm nhà ông Ràn tại thôn Tây Hương (xã Tùng Lộc, Can Lộc), chúng tôi được ông vui vẻ chào đón, dẫn đi tham quan diện tích nhà màng trồng hoa, rau, củ, quả rộng gần 1.200 m2. Khi được hỏi về quá trình lập nghiệp, ông Ràn trầm tư chia sẻ về hành trình tha hương trước đây.
Sau khi xuất ngũ, năm 1993 ông Ràn về quê làm công việc tự do rồi bén duyên với bà Nguyễn Thị Lài (SN 1976). Năm 1994, hai người nên duyên vợ chồng, cùng nhau xây dựng kinh tế. Từ khi lập gia đình, ông chú tâm làm ăn, cùng vợ buôn bán rau quả tại chợ địa phương. Tổ ấm nhỏ của ông bà dần có thêm các thành viên mới là 2 cô con gái xinh xắn. Cuộc sống gia đình đông thành viên, kinh tế bấp bênh khiến ông Ràn phải tha hương, tìm công việc mới.
Năm 2002, ông Ràn vào Đắk Lắk trồng cây cà phê. Thời điểm này, công việc chăm sóc, hái cà phê thuê mang lại cho ông nguồn thu nhập ổn định, hàng tháng gửi tiền về nhà để nuôi con cái ăn học. Ở quê, bà Lài cũng chịu khó buôn bán, kinh tế gia đình từ đó dần ổn định hơn.
Sau hơn 15 năm gắn bó với mảnh đất cà phê, ông quyết tâm “rẽ hướng” để tự mình làm chủ. Đầu năm 2017, ông rời Đắk Lắk vào Bà Rịa - Vũng Tàu để kinh doanh. Hằng ngày, ông dậy từ sớm đến các chợ đầu mối tại huyện Tân Thành thu mua rau, củ, quả rồi về nhập sỉ, bán lẻ kiếm lời. Sau 3 năm kiên trì với công việc, ông Ràn đã có nhà cửa, cơ sở kinh doanh mặt hàng nông sản tại đây.
Sau khi xây dựng được cơ ngơi ổn định, đầu năm 2020, ông Ràn quyết định đón cả gia đình vào Nam sinh sống. Tuy nhiên, cô con gái thứ hai (SN 1997) của ông lại quyết tâm gắn bó với quê hương. Cùng những kiến thức được học từ Trường Đại học Nông lâm Huế, cô lên ý tưởng và thuyết phục bố về quê xây dựng nhà màng để trồng hoa cúc trên mảnh đất của gia đình.
“Trước sự kiên định của con gái, tôi dần bị thuyết phục. Cuối năm 2020, tôi quyết định bỏ lại toàn bộ cơ đồ đã gây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu về quê để “khởi nghiệp”, làm lại từ đầu” - ông Võ Ràn nhớ lại.
Hành trình làm nông nghiệp của ông Ràn tại quê hương những ngày đầu gặp không ít khó khăn. Đất của gia đình tuy rộng nhưng đều là hồ nước, hai vợ chồng phải chi hơn 400 triệu đồng để đổ đất, sỏi lấp hồ, xây dựng nhà màng trên diện tích 250 m2. Để tiết kiệm chi phí, trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà màng, toàn bộ thành viên gia đình ông Ràn đều tham gia góp sức.
Do chưa quen chăm sóc, thiếu quy trình, những luống hoa cúc trồng thử nghiệm đầu tiên của gia đình ông Ràn xuất hiện bọ trĩ phá hại. Khi thấy cây hoa cúc bị vàng lá, màu nhạt, xuất hiện các đốm vàng, trắng, ông Ràn phải cho thu hoạch sớm, bán rẻ cho các chợ đầu mối địa phương để gỡ vốn.
Nhà màng được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt tự động giúp giảm bớt công chăm sóc.
“Những ngày đầu mới triển khai, nhiều lúc tôi cảm thấy chán nản khi hiệu quả thu lại không cao, công sức bỏ ra nhiều hơn so với công việc buôn bán trước đây. Nhiều lúc cả hai vợ chồng cũng suy nghĩ trở lại cuộc sống kinh doanh xa nhà nhưng để gia đình sum vầy, chúng tôi lại tự động viên nhau cùng cố gắng” - ông Ràn cho biết.
Sau quá trình đúc rút kinh nghiệm, lứa hoa cúc tiếp theo cho gia đình ông nguồn thu khá ổn định. Thấy có hy vọng phát triển, liên tiếp 2 năm 2021 và 2022, ông Ràn đầu tư tổng cộng 500 triệu đồng để mở rộng tích nhà màng lên 450 m2 và xây dựng thêm nhà màng thứ hai rộng gần 700 m2.
Vườn hoa cúc của gia đình ông Ràn vào mùa thu hoạch trước tết Nguyên đán. (Ảnh: NVCC)
Ông Ràn chia sẻ, mỗi năm gia đình chỉ trồng một vụ hoa cúc lưới và chia diện tích nhà màng làm 3 phần để phục vụ thị trường theo từng thời điểm khác nhau. Ở phần thứ nhất, gia đình trồng 1 vạn cây từ ngày 10/9 âm lịch để phục vụ rằm tháng Chạp. Phần thứ hai trồng khoảng 2 vạn cây từ 27/9 âm lịch để phục vụ tết Nguyên đán. Phần thứ ba trồng khoảng 1 vạn cây từ 10/10 âm lịch để phục vụ rằm tháng Giêng. Ngoài ra, ông còn trồng thêm các loại hoa ngắn ngày từ 28/10 âm lịch để phục vụ tết Nguyên đán.
Trung bình mỗi vụ hoa cúc lưới kéo dài từ 93-100 ngày tùy theo người trồng điều chỉnh. Nhờ cách phân bổ khoa học, chọn thời gian gieo giống hợp lý, vườn hoa luôn thu hoạch đúng vụ, chỉ mất vỏn vẹn 2 ngày để thương lái vào thu mua hết cả vườn. Với giá nhập sỉ giao động từ 3-5 nghìn đồng/cây, năm 2022, gia đình ông đã thu về gần 200 triệu đồng từ trồng hoa sau khi trừ đi các chi phí.
Nhờ xen canh tốt, mỗi năm, gia đình ông Ràn, bà Lài “bỏ túi” thêm gần 20 triệu đồng nhờ trồng rau, củ.
Với sự miệt mài lao động, quyết “không cho đất nghỉ”, sau mỗi vụ hoa ông Ràn lại trồng thêm bí, bầu, dưa leo và các loại rau ngắn ngày như cải búp, cải ngồng để gia đình sử dụng và bán lẻ. Việc trồng liên tục cũng nhằm tăng độ tơi xốp, tránh đất bị bạc màu. Nhờ xen canh tốt, mỗi năm, gia đình ông Ràn “bỏ túi” gần 20 triệu đồng từ các loại rau, củ trồng thêm.
Khi được hỏi về suy nghĩ từ bỏ công việc ổn định tại Bà Rịa - Vũng Tàu để về quê “khởi nghiệp”, ông Ràn bộc bạch: “Đây như một ngã rẽ trong cuộc đời bởi việc về quê lập nghiệp được xem như làm lại từ đầu. Tuy nhiên, để gia đình có những khoảnh khắc được sum vầy, tôi chấp nhận đánh đổi. Công việc làm vườn cũng rất thú vị, giúp chúng tôi có thêm niềm vui từ công việc. Hiện hai cô con gái lớn đã lấy chồng, cậu con trai út (SN 2005) ở cùng bố mẹ, nhờ nguồn kinh tế từ vườn mà 3 thành viên gia đình tôi có cuộc sống ổn định”.
Thời gian này, ông Ràn đang gieo giống dưa lê siêu ngọt tại nhà màng thứ hai. Đây là giống dưa ngắn ngày, ít sâu bệnh và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nếu dưa lê cho năng suất tốt trong đợt trồng này, gia đình sẽ mở rộng diện tích sang nhà màng thứ nhất để xen thêm hai vụ dưa lê sau khi thu hoạch hoa cúc lưới nhằm tăng thu nhập.
“Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Võ Ràn là một trong những điển hình. Địa phương rất quan tâm, thường xuyên động viên và hỗ trợ. Ngoài ra, nhà màng cũng là nguồn cung rau, củ, quả sạch, giúp bà con trong vùng yên tâm về chất lượng sản phẩm và sử dụng” - ông Nguyễn Chỉ Tùng, Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho hay.