Vén màn bi kịch cuối đời của Van Gogh

Theo kết quả mới đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học Groningen (Hà Lan), kể từ khi tự... cắt tai, danh họa Hà Lan Van Gogh đã trải qua những cơn mê sảng do đột ngột ngừng uống rượu trong thời gian nằm viện điều trị.

Để điều tra các rối loạn tâm thần có thể xảy ra của Van Gogh, các chuyên gia đã phỏng vấn các nhà sử học nghệ thuật quen thuộc, đồng thời tham khảo 902 bức thư của ông, trong đó có 820 bức thư danh họa gửi em trai Theo. Ngoài ra, hồ sơ y tế của các bác sĩ đã điều trị cho ông cũng được nghiên cứu

Những hành vi điên rồ

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Groningen (Hà Lan), hành động tự hại bản thân kỳ lạ của Van Gogh đánh dấu sự khởi đầu của tình trạng sa sút tinh thần, kéo theo cơn mê sảng ảo giác mà họa sĩ phải chịu đựng do cai rượu khi đưa vào bệnh viện.

Cần nhắc lại, năm 1888, Van Gogh chuyển đến Arles ở miền Nam nước Pháp. Cuối năm đó, ông mời họa sĩ thiên tài đồng thời là bạn thân - Paul Gauguin - đến ở và cùng sáng tác. Nhưng giữa 2 người luôn xảy ra những cuộc cãi vã do tính cách đều nóng nảy.

Chân dung tự họa của Van Gogh sau khi cắt tai

Gauguin từng viết rằng ông không thể sống chung với Van Gogh “bởi tính khí không hợp nhau. Cả tôi và anh ấy đều cần sự yên tĩnh cho công việc của mình”. Chính vì lẽ đó mà vào ngày 22/12, Gaugin đột ngột ra đi trong đêm sau một trận cãi vã nảy lửa khiến Van Gogh vô cùng tức giận.

Tối hôm sau Van Gogh cắt tai trái của mình và đưa phần tai bị cắt cho một người phụ nữ trong nhà chứa ở Arles. Hai ngày sau, cảnh sát phát hiện nghệ sĩ bị mất máu tại nhà riêng và đưa ông đưa đến bệnh viện. Van Gogh sau này viết rằng ở trong bệnh viện ông đã trải qua “cảm giác không thể chịu đựng được. Tôi thấy mình đi trên nhiều vùng biển. Tôi thậm chí còn mơ thấy con tàu ma huyền thoại của Hà Lan”.

Van Gogh nằm một tuần trước khi xuất viện. Nhưng chỉ một tháng sau, danh họa trở lại bệnh viện với các triệu chứng tương tự: Gặp ảo giác và chứng hay quên.

Van Gogh rời bệnh viện sau 10 ngày sau đó nhưng khi ông trở lại xưởng vẽ của mình cư dân địa phương có những lời phàn nàn rằng ông đụng chạm vào phụ nữ một cách không phù hợp và đưa ra những bình luận tục tĩu.

Bức chân dung tự họa Self-Portrait with Grey Felt Hat (Chân dung tự họa với mũ phớt xám) được danh họa Vincent Van Gogh vẽ vào mùa Đông năm 1887–1888

Tình trạng này khiến Van Gogh phải nhập viện không tự nguyện lần thứ 3 và dẫn đến “những cơn lo lắng khủng khiếp đôi khi không có nguyên nhân rõ ràng”.

Vào tháng 3/1889 Van Gogh đã có thể trở về nhà. Nhưng sau đó ông đã đồng ý với bác sĩ của mình đến nhà thương điên ở Saint-Rémy để tiếp tục điều trị.

Danh họa ở đây trong 1 năm, trong thời gian đó ông đã trải qua 4 lần “khủng hoảng tinh thần” theo tư liệu từ các bác sĩ tâm thần. Họa sĩ có những hành vi bất thường của mình, điển hình là việc ông lấy sơn vẽ tranh để ăn (một số người tin rằng đó là nỗ lực tự đầu độc của ông).

Vào tháng 5/1890, Van Gogh từ bỏ điều trị tại nhà thương điên và chuyển về phía Bắc đến Auverssur-Oise, vùng nông thôn ở ngoại ô Paris, nơi chấm dứt cuộc đời 2 tháng sau đó.

Tự hủy hoại vì rượu

Van Gogh nghiện rượu trong phần lớn cuộc đời mình. Ở Arles, ông đã cố gắng giảm uống rượu nhưng phần lớn không thành công. Ngoài bia và rượu, ông còn uống rượu absinthe mà ngày đó có nồng độ cồn 50% - 70%.

Bức tranh tĩnh vật Still Life with Absinthe, một sự tôn vinh cho loại rượu mạnh mà Van Gogh yêu thích

Uống rượu nhiều nhưng Van Gogh lại không ăn đầy đủ. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng suy dinh dưỡng cùng với việc uống rượu nhiều có thể là nguyên nhân gây ra suy giảm thần kinh nghiêm trọng.

“Việc dừng đột ngột sau một thời gian uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến hiện tượng cai rượu mê sảng. Vì vậy, có khả năng là cơn rối loạn tâm thần ngắn đầu tiên ở Arles vào những ngày sau vụ cắt tai đến từ điều này. Chỉ khi ở Saint-Rémy, Van Gogh mới không gặp vấn đề từ việc cai rượu nữa” - một kết quả nghiên cứu cho biết.

Một bức thư Van Gogh viết cho em trai Theo, trong đó nói về cách ông sử dụng màu

Các nhà nghiên cứu còn tin rằng Van Gogh mắc chứng rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách từ khi còn nhỏ. Trong nghiên cứu được công bố hôm 9/11 trên tạp chí quốc tế về rối loạn lưỡng cực, các nhà nghiên cứu nói rằng khả năng mắc chứng “thần kinh khu trú” (là các dấu hiệu về nhận thức và hành vi gây ra bởi những tổn thương khu trú tại một vùng của hệ thần kinh trung ương), có thể dẫn đến các biểu hiện khác nhau của lo lắng, hoang tưởng và ảo giác của ông. Nguyên nhân của điều này có thể là do tổn thương não liên quan đến việc lạm dụng rượu, suy dinh dưỡng, ngủ kém và kiệt quệ về tinh thần.

Tuy nhiên, do các biện pháp kiểm tra như kỹ thuật hình ảnh và kiểm tra điện não đồ không có sẵn vào thời điểm đó nên các chuyên gia cho rằng rất khó để nói chắc chắn liệu ông có bị bệnh động kinh hay không dù chính bác sĩ của danh họa đã đưa ra chẩn đoán này. Ngoài ra, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Van Gogh bị tâm thần phân liệt, như một số người đã phỏng đoán.

Nhìn chung, đây không phải là những giả thuyết quá khó hiểu, khi các nhà nghiên cứu nhìn vào đời sống tình cảm căng thẳng của họa sĩ, hành vi tự hủy hoại bản thân của ông, cũng như các mối quan hệ đầy căng thẳng với cha và em trai, cùng những người khác.

Dù sao, với tất cả những điều đó, Van Gogh đã không thể hồi phục và cuối cùng đã tự sát vào ngày 29/7/1890 ở tuổi 37, sau khi tự bắn vào ngực mình bằng một khẩu súng lục ổ quay. Trong cuộc đời ngắn ngủi và đầy bi kịch của mình, Van Gogh đã vẽ khoảng 900 bức tranh.

Theo Việt Lâm/TT&VH

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói