Vì sao cuộc đua ‘hút“tiền gửi tiết kiệm tiếp tục ‘dậy sóng”?

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất huy động được cho rằng phù hợp với xu hướng toàn cầu, bởi hiện tại, theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, có đến 75 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất.

Vì sao cuộc đua ‘hút“ tiền gửi tiết kiệm tiếp tục ‘dậy sóng”?

Một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đầu tháng Tám, một loạt ngân hàng thương mại áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới được điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Các chuyên gia cho rằng, điều này là do nhu cầu vốn tăng cao, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 9,35% trong 6 tháng đầu năm, trong khi đó lượng tiền gửi trong nửa đầu năm chỉ tăng hơn 4%.

Lãi suất tiền gửi đồng loạt tăng

Techcombank vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn với mức tăng khá cao. Cụ thể, kỳ hạn từ 7-11 tháng, ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất từ 4%/năm lên mức cao nhất 5,55% năm (tùy độ tuổi, số tiền gửi); khách gửi kỳ hạn từ 13-23 tháng lãi suất tăng lên 5,95%/năm thay vì mức 4,7%/năm ở biểu lãi suất trước.

Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Techcombank là 6,4%/năm thay vì mức 5,4%/năm của biểu lãi suất trước. Như vậy, lãi suất huy động tăng thêm cao nhất tại ngân hàng này khoảng 1,2 điểm %. Đây là lần đầu tiên Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất trong khoảng 5 tháng qua.

Tương tự, VPBank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất mới từ đầu tháng, với mức tăng ở các kỳ hạn. Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại quầy, khoảng tiền dưới 300 triệu đồng lãi suất là 5,2%/năm, tăng 0,4 điểm % so với trước đó; lãi suất gửi kỳ hạn 12 tháng cũng tăng thêm 0,1%-0,2 điểm % tùy khoản tiền gửi, lên mức cao nhất là 6,5%/năm.

Hiện lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy của VPBank cao nhất là 6,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng tùy khoản tiền gửi. Khách hàng gửi online, lãi suất cao nhất lên tới 7%/năm khi khách gửi từ 50 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 36 tháng.

MB cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn với mức điều chỉnh tăng từ 0,18%- 0,43%; trong đó kỳ hạn 6 tháng điều chỉnh tăng tới 0,43%, qua đó đưa lãi suất tăng lên 4,87%/năm.

Tuy nhiên đó vẫn chưa phải mức tăng cao nhất. Ngân hàng Kiên Long còn tăng đến 0,6%/năm cho tiền gửi 1 tháng tại quầy, đưa lãi suất kỳ hạn này lên mức trần 4%/năm. Tại các kỳ hạn khác, ngân hàng này cũng điều chỉnh tăng từ 0,3%-0,6%/năm với khách hàng cá nhân và từ 0,3%-0,8%/năm với khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, các mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại KienlongBank là 7,2%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 7,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Các ngân hàng khác như ABBank, ACB, Sacombank... cũng đã có thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất với mức tăng 0,5% ở một số kỳ hạn.

Một “ông lớn” ngân hàng cũng nhập cuộc làn sóng tăng lãi suất huy động gần đây là Vietcombank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12-60 tháng lên mức 5,4%/năm, tăng thêm 0,1 điểm % so với trước đó. Đây là lần điều chỉnh lãi suất huy động đầu tiên của Vietcombank suốt thời gian qua.

Như vậy, đến thời điểm này, trong các ngân hàng thương mại nhà nước đã có Vietcombank, BIDV và Agribank tăng nhẹ lãi suất đầu vào, riêng VietinBank vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất huy động. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại 4 ngân hàng này vẫn là 5,6%/năm cho các kỳ hạn gửi dài.

Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7% bao gồm: SCB (7,6%), Kienlongbank (7,3%); Techcombank (7,1%). Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi này khách hàng phải gửi kỳ hạn từ 13 tháng, với khoản tiền từ vài chục tỷ đồng trở lên.

Đặc biệt biểu lãi suất huy động của ABBank xuất hiện mức lãi suất lên tới 8,8% kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5% so với đầu tháng Bẩy - đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.

Nguyên nhân dẫn đến tăng lãi suất?

Các chuyên gia phân tích việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng một phần là để hút nguồn tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao cho phục hồi kinh tế. Tính đến hết tháng Sáu, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 9,35%, trong khi đó lượng tiền gửi trong nửa đầu năm chỉ tăng hơn 4%.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết: “Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh khi số lượng thành lập doanh nghiệp mới cũng như số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đưa ra kế hoạch mở rộng sản xuất, mở rộng nhà máy cũng như tăng chuỗi bán lẻ hàng hóa.”

Trong khi đó, tại báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đã phân tích trong nửa đầu năm, lãi suất huy động của các ngân hàng có xu hướng tăng với mức 0,5%-1 điểm % chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6-12 tháng. Nguyên nhân là do thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng không còn dồi dào như năm 2021, nhu cầu tín dụng tăng cao, khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021… đã kéo theo nhu cầu vốn tăng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng lãi suất huy động được cho rằng phù hợp với xu hướng toàn cầu, bởi hiện tại, theo Quỹ tiền tệ Quốc tế có đến 75 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất để ứng phó với gia tăng lạm phát.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 0,5% để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm nay. Con số trên được đưa ra trên giả định các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh cho vay vào dịp cuối năm.

Tương tự, chuyên gia Công ty chứng khoán SSI nhận định, một số ngân hàng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2022.

Vì vậy, theo chuyên gia SSI, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1%-1,5%. Lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới sẽ cao hơn 1%-2% so với năm 2021. Trong khi đó, thông thường phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn cũ điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động.

Trong năm 2023, SSI dự báo diễn biến của lãi suất có thể sẽ có sự khác biệt giữa nửa đầu năm và nửa cuối năm. Nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ vẫn chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023, với CPI theo ước tính là 5,2%. Sau đó, lãi suất huy động có thể sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023, khi áp lực lạm phát giảm dần (CPI theo ước tính là 3,4% trong nửa cuối năm 2023). Trong cả năm, lãi suất huy động dự kiến sẽ tăng khoảng 70-80 điểm cơ bản và tiệm cận mức trước COVID-19 tại một số ngân hàng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, chính sách áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo Thông tư 04/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ tháng 8 cũng được xem là “cú hích” giúp người gửi tiền có thêm phần lợi./.

Theo Thúy Hà (Vietnam+)

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025