Chị Nguyễn Thị Xoan (SN 1978, thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ) là một trong những người tiên phong trong việc nuôi nai (người dân địa phương thường gọi là nây) ở huyện Hương Sơn. “Năm 2014, nhờ người quen ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) giới thiệu, tôi mua 4 con nai về nuôi. So với hươu thì nai có trọng lượng lớn gấp 2-3 lần. Bởi vậy, thức ăn dành cho nai cũng nhiều gấp 1,5 lần so với nuôi hươu. Cao điểm tôi nuôi 10 con nhưng giờ chỉ còn lại 3 con” - chị Xoan chia sẻ.
Sau hơn 10 năm đưa nai về nuôi, đến nay, trong chuồng của ông Phan Văn Luận (SN 1959, thôn Yên Sơn, xã Sơn Trung) có 15 con nai và 5 con hươu. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng từ việc bán nhung nai, nhưng hươu và con giống của cả 2 loại.
Theo ông Luận, xét về hiệu quả kinh tế, nuôi nai cũng không kém nuôi hươu. 1 con nai nếu chăm sóc tốt, mỗi năm sẽ cho thu nhập không dưới 10 triệu đồng.
Theo những người dân nuôi nai có kinh nghiệm thì cơ bản đặc tính của 2 loài này khá giống nhau, quá trình nuôi cũng tương tự nhau. Nguồn thu nhập của 2 loài vật là nhung, mỗi năm đều cắt “lộc” 1 lần.
Tuy nhiên, quá trình thu hoạch nhung hươu thường diễn ra từ đầu năm, trong khi cắt nhung nai thường vào dịp tháng 7, 8 hằng năm. Hiện trên thị trường, nhung nai có giá dao động từ 5,5 – 6,5 triệu đồng/kg, trong khi nhung hươu khoảng 9 - 10 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, trọng lượng mỗi cặp sừng nai lại cao gấp đôi so với hươu. Thông thường, 1 cặp nhung hươu dao động từ 0,7 - 1,2 kg nhưng 1 cặp nhung nai lại có trọng lượng từ 1,5 - 2,5 kg.
Doanh nghiệp Tư nhân nhung hươu Thuận Hà (xã Sơn Giang) là một trong những cơ sở chăn nuôi, thu mua chế biến nhung hươu khá lớn trên địa bàn. Khi đề cập đến việc thu mua nhung nai, bà Chu Thị Hồng Hà - chủ doanh nghiệp cho biết, đơn vị chủ yếu mua và chế biến các sản phẩm từ nhung hươu chứ ít khi mua nhung nai vì chất lượng không bằng nhung hươu. Trên địa bàn huyện cũng có người thu mua nhung nai nhưng khá ít.
Mỗi năm, hươu cái và nai cái đều sinh được 1 con. Nhưng thời gian mang thai của hươu là 7 tháng 20 ngày, còn nai là 9 tháng 20 ngày. Tuổi thọ của nai kéo dài đến 30 năm, còn tuổi thọ của hươu chỉ tối đa 16 - 18 năm.
Thức ăn cũng giống hươu nhưng nai là loại tạp ăn hơn. Rơm khô, vỏ ngô, vỏ chuối cũng có thể làm thức ăn cho nai. Mặc dù nhung nai có giá trị thấp hơn so với nhung hươu nhưng trọng lượng nhung từ nai lại cao hơn 2-3 lần so với hươu. Nghề nuôi nai cũng mang nhiều lợi thế nhưng sau hơn 10 năm du nhập, đến nay, số lượng người nuôi nai ở Hương Sơn còn khá hạn chế.
So với hơn 45.000 con hươu thì số lượng nai ở huyện Hương Sơn khá khiêm tốn. Toàn huyện hiện chỉ có 103 con. Trong đó, ở xã Sơn Trung có 77 con, Sơn Lễ 22 con, Sơn Tiến 2 con, Sơn Lâm 2 con. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trung - Nguyễn Văn Vượng, ngoài ưu điểm không kén thức ăn lại ít khi bị nhiễm bệnh, nhất là những bệnh do thời tiết thay đổi, thu nhập cũng chẳng kém nuôi hươu, nhưng do thói quen nuôi hươu đã “ăn sâu bám rễ” hàng trăm năm nay nên các địa phương không mặn mà với nuôi nai.
Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Tình - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho hay, với những địa phương khác như huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), huyện Trảng Bom (Đồng Nai), nai được xem là một trong những con vật chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao nên rất được ưa chuộng. Bên cạnh nuôi hươu theo thói quen truyền thống thì lý do người dân Hương Sơn thiếu mặn mà nuôi nai lấy nhung là do nhung nai khó tiêu thụ hơn so với nhung hươu.
Nhung hươu có chứa hơn 25 loại acid amin và khoáng chất tự nhiên cần thiết cho cơ thể như: canxi, sắt, kẽm, magie… các vitamin có ích: A, B1, B6, C, D… chất keo, chất colagen, keratin…
Nhung nai cũng có những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể nhưng hàm lượng thì không bằng nhung hươu. Tuy nhiên, nhung nai vẫn có những tác dụng như: giúp hạ huyết áp, tăng cường lưu thông máu, tim co bóp mạnh hơn và nhịp tim chậm lại. Qua đó phòng trị bệnh nhịp tim không đều, giúp trái tim khỏe mạnh, huyết áp ổn định.
Ngoài ra, nhung nai còn cung cấp các vitamin và khoáng chất tốt cho hệ xương khớp...