Sức mua chậm, nhung hươu Hương Sơn rớt giá

(Baohatinh.vn) - Sau tết Nguyên đán là thời điểm nhung hươu vào mùa thu hoạch. Khác với sự háo hức thường lệ, năm nay người nuôi hươu ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) khá lo lắng khi sức mua giảm khiến nhung rớt giá.

Sức mua chậm, nhung hươu Hương Sơn rớt giá

Giá nhung hươu Hương Sơn hiện nay dao động ở mức 9-10 triệu đồng/kg.

Thời điểm này năm ngoái, giá nhung hươu dao động ở mức 11-12 triệu đồng/kg, có thời điểm giá lên tới 13 triệu đồng/kg. Thế nhưng, năm nay, đặc biệt là sau tết Nguyên đán, giá nhung hươu chỉ còn khoảng 9-10 triệu đồng/kg. Thậm chí, đối với những cặp nhung hươu mẫu mã không đẹp, người nuôi đã chủ động giảm còn 8-8,5 triệu đồng/kg nhưng vẫn khó bán.

Theo tìm hiểu, nhung hươu Hương Sơn chủ yếu được tiêu thụ theo 3 kênh: người dân tự đi mua, tiểu thương thu mua theo đơn đặt hàng và các cơ sở chế biến các sản phẩm từ nhung. Năm nay, lượng khách mua trực tiếp và gián tiếp đều giảm. Bên cạnh đó, các chế phẩm từ nhung hươu cũng ế ẩm nên các cơ sở sản xuất thu mua cầm chừng. Sức mua giảm, lo ngại không bán được nên người nuôi hươu cũng chủ động hạ giá.

Sức mua chậm, nhung hươu Hương Sơn rớt giá

Giá nhung hươu giảm khiến anh Thịnh “kém vui” hơn so với các mùa “hái” lộc trước.

Anh Hồ Huy Thịnh (thôn Phượng Hoàng, xã Sơn Hàm) chia sẻ: "Năm nay, gia đình tôi có 4 con hươu cho nhung. Nhờ chăm sóc chu đáo nên chất lượng nhung tốt, mẫu mã đẹp, mỗi cặp nặng từ 0,8-1,2kg. Vất vả chăm sóc hươu suốt một năm trời chỉ mong ra tết sẽ được “hái” lộc với giá cao nhưng năm nay, giá nhung giảm nên tôi rất buồn. Mong những ngày tới, thị trường nhung hươu sẽ sôi động trở lại".

Sức mua chậm, nhung hươu Hương Sơn rớt giá

Năm nay, gia đình ông Nguyễn Xuân Lý (thôn 9, xã Sơn Hồng) có 20 con hươu đực cho nhung.

Trước tình hình thị trường hiện tại, ông Nguyễn Xuân Lý (thôn 9, xã Sơn Hồng) hết sức lo lắng khi năm nay ông có 20 con hươu đực cho nhung. Đến nay, gia đình đã xuất bán được 10 cặp, 10 cặp nữa cũng đã đến thời điểm phải thu hoạch.

Ông Lý chia sẻ: “Năm nay nhung hươu được mùa, trọng lượng dao động từ 0,8-1kg/cặp, có con hươu còn cho cặp nhung nặng 1,3kg. Tuy vậy, vì thị trường nhung hươu khá trầm lắng, gia đình lo thời gian tới khó bán hơn, nhung sẽ quá lứa nên đành cắt bán trước. Còn 10 cặp nhung cũng sắp tới thời điểm cắt lộc, mong rằng, giá nhung sẽ dần tăng trở lại để chúng tôi có mùa lộc nhung phấn khởi hơn”.

Là một người chuyên thu mua nhung hươu, chị Lê Thị Huyền Trang (thôn Đại Vường, xã Sơn Phú) cho biết: “Các năm trước, lượng khách hàng trong và ngoài tỉnh liên hệ để đặt mua nhung rất đông, nhưng năm nay, thị trường khá trầm lắng nên tôi cũng thu mua cầm chừng. Hiện nay, tôi tiến hành cấp đông và khi có khách hàng hỏi mới đem ra bán. Bên cạnh đó, để bán được nhung và thu hút khách hàng mới, tôi thường xuyên livestream, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Hy vọng rằng, thời gian tới, giá nhung hươu sẽ dần tăng lên, thị trường sớm sôi động trở lại”.

Sức mua chậm, nhung hươu Hương Sơn rớt giá

Chị Trang hy vọng thị trường nhung hươu sẽ sớm sôi động trở lại.

Toàn huyện Hương Sơn hiện có đàn hươu hơn 44.500 con, trong đó, trên 25.000 con đã cho lộc nhung. Đến thời điểm này, lượng tiêu thụ mới chỉ đạt khoảng 50%. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Quang Hòa cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung hơn trong việc vận động người dân, các thương lái tăng cường quảng bá qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để đặc sản nhung hươu Hương Sơn tiếp cận nhiều hơn với khách hàng. Hy vọng, nhung hươu sẽ sớm tăng giá trở lại, giúp người nuôi hươu yên tâm gắn bó với nghề”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Khi cây lúa lên xanh

Khi cây lúa lên xanh

Dù phải đối mặt với áp lực thời vụ lớn và ảnh hưởng của mưa lũ bất thường, cây lúa vẫn bén rễ, vươn lên mạnh mẽ từ sự bền bỉ và tình yêu với đồng ruộng của người nông dân Hà Tĩnh.
Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Tận dụng tiềm năng ao hồ, mặt nước dồi dào, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích, đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh, đa dạng hoá đối tượng nuôi.
Người dân Hà Tĩnh nuôi tằm trong phòng điều hòa

Người dân Hà Tĩnh nuôi tằm trong phòng điều hòa

Để tằm sinh trưởng, phát triển đạt hiệu quả tốt nhất, một số hộ dân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn lắp điều hòa trong phòng nhằm duy trì nền nhiệt. Các mô hình mang lại hiệu quả, cho thu nhập khá.
Trồng rừng bản địa, lợi ích lâu dài từ đất rừng Hà Tĩnh

Trồng rừng bản địa, lợi ích lâu dài từ đất rừng Hà Tĩnh

Không chỉ là "lá phổi xanh", rừng bản địa Hà Tĩnh còn là nơi gìn giữ đa dạng sinh học, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn và góp phần tạo sinh kế cho người dân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm diện tích rừng tự nhiên, trồng rừng bản địa được xem là giải pháp bền vững, hướng tới những lợi ích lâu dài.