Máy bay cất cánh và hạ cánh là 2 thời điểm đặc biệt nhạy cảm với không chỉ trẻ nhỏ mà cả phụ huynh khi việc thay đổi độ cao khiến các bé khóc không ngừng, gây ảnh hưởng đến những người xunh quanh và làm bố mẹ vô cùng bối rối. Lúc này, việc cha mẹ cố gắng xử lý nhưng sai cách thậm chí còn khiến sức khoẻ của bé bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân
PGS.TS.BS Võ Thanh Quang (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết: “Thời điểm máy bay cất và hạ cánh là lúc áp suất bên ngoài môi trường bị thay đổi đột ngột với tốc độ nhanh, lúc này áp suất trong tai giữa của các cháu cũng phải thay đổi kịp với môi trường, nếu không sẽ tạo ra cảm giác đau”.
Thông thường, tai giữa giống như một chiếc trống được bịt kín với 2 bên màng trống là màng nhĩ, nếu áp suất bên ngoài thay đổi mà bên trong trống không đổi, sự chênh lệch này sẽ nén một lực nhất định lên màng trống và gây đau khiến trẻ khóc.
Trẻ khóc trên máy bay là hiện tượng tự nhiên khi áp suất bên ngoài và trong tai giữa có sự chênh lệch. Ảnh: Today Show |
“Từ mũi lên tai giữa còn có thêm một chiếc vòi thông. Vai trò của chiếc vòi này chính là giúp áp suất bên trong tai giữa thay đổi theo áp suất bên ngoài. Tuy nhiên, việc thay đổi này bao giờ cũng bị chậm hơn so với môi trường, nhất là khi máy bay cất và hạ cánh với tốc độ nhanh, liên tục. Điều này sẽ làm chiếc vòi bị tắc nghẽn và gây ảnh hưởng tới màng nhĩ”, bác sĩ Quang giải thích.
Vì vậy, việc các bé khóc khi lên máy bay là hiện tượng rất tự nhiên và không gây ảnh hưởng quá lớn tới sức khoẻ của trẻ. Bé sẽ hết đau ngay khi máy bay ổn định độ cao và áp suất trong tai giữa được thích nghi. Tuy nhiên, việc các bé khóc quá lâu sẽ gây ảnh hưởng tới người xung quanh và khiến bố mẹ gặp những rắc rối không mong muốn.
Mẹo khắc phục đơn giản
PGS Quang gợi ý: “Về mặt nguyên tắc, máy bay cất cánh là thời điểm áp suất môi trường giảm, ta sẽ muốn áp suất trong tai cũng giảm và ngược lại, may báy hạ cách, áp suất trong môi trường tăng nhanh, ta buộc phải làm áp suất trong tai cũng được tăng lên”.
Bởi vậy, mọi chuyện sẽ rất đơn giản với người lớn khi chúng ta chỉ cần bịt mũi, thổi một hơi để áp suất tăng lên khi hạ cách và bịt mũi, nuốt một vài lần để không khí trong tai theo ra ngoài, áp suất được cân bằng khi cất cánh.
Tuy nhiên, chúng ta rất khó để bảo trẻ làm vậy. Bởi vậy, tùy độ tuổi mà phụ huynh nên sử dụng những cách khác nhau để mô phỏng lại các hành động tương tự.
Bác sĩ này gợi ý: "Với cháu bé còn cần cha mẹ bế ẵm, khi các cháu khóc, cha mẹ có thể bế cháu để đầu cao lên, dùng tay bịt nhẹ mũi bé trong khoảng 1-2 giây rồi lại nhả ra để bé khóc, sau đó tiếp tục lặp lại. Mỗi lần như vậy, áp suất trong tai sẽ được thay đổi theo môi trường và làm bé đỡ đau.
Với các cháu lớn hơn, phụ huynh có thể kết hợp với việc trêu đùa các bé bằng cách bảo các bé bịt mũi, ngậm miệng lại rồi giả làm con vịt, kêu cạp cạp. Mỗi lần kêu, không khí sẽ được thoát ra một chút.
Còn đối với các cháu từ 3-5 tuổi, cha mẹ có thể cho con nhai kẹo cao su, dặn các bé bịt mũi lại rồi khi nhai kẹo, khoang miệng tiết nước bọt thì dặn bé nuốt nước bọt. Mỗi lần nuốt cũng làm không khí trong tai thay đổi".
Bên cạnh đó, các phụ huynh cần đặc biệt chú ý để tránh các sai lầm dễ mắc phải, có thể vô tình làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con nhỏ.
Cho trẻ uống sữa là một trong những sai lầm phổ biến gây nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ. Ảnh: SCMP |
Cụ thể, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo: “Tuyệt đối không được dỗ trẻ nín bằng cách cho bé bú bình sữa, bình nước hay bất cứ loại đồ ăn nào. Việc làm này sẽ rất dễ khiến trẻ nhỏ bị sặc, ảnh hưởng đến việc hô hấp của trẻ”.
Ngoài ra, bác sĩ Quang cũng lưu ý: “Khi bế các cháu nhỏ, cha mẹ cần bế để đầu cháu cao lên, không ôm bé ngửa sẽ làm nước bọt dễ chảy vào tai vô cùng nguy hiểm”.
Dù sử dụng bất cứ cách nào, các bác sĩ cũng khuyên phụ huynh nên tìm hiểu và đọc hướng dẫn thật kỹ trước khi làm để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.