“Vitamin” cho nền kinh tế Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - 2023 là năm bộn bề của cộng đồng doanh nghiệp, HTX và người dân Hà Tĩnh khi cùng lúc đối mặt nhiều thách thức do tác động của suy thoái kinh tế. Trước bối cảnh ấy, ngành ngân hàng đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ để vừa đảm bảo an toàn tín dụng vừa vực dậy nền kinh tế.

Doanh nghiệp khó, có ngân hàng

Sau đại dịch COVID-19, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN), HTX Hà Tĩnh chưa khôi phục hoàn toàn thì phải đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu, những sức ép từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cùng lúc, DN phải chịu nhiều áp lực như: chi phí sản xuất “leo thang” trong khi thị trường dần bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm...

Để chống chọi với “cơn bão” này, không ít DN, HTX phải giảm quy mô hoạt động, cắt giảm lao động, ứng phó linh hoạt để không bị “đứt gãy” chuỗi cung ứng sản xuất. Trong bối cảnh đó, hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng rất khó khăn, đặt ra việc giải quyết “bài toán” làm sao để ngành ngân hàng vừa đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả lại vừa đồng hành hỗ trợ khách hàng vượt khó.

“Vitamin” cho nền kinh tế Hà Tĩnh

Nhân viên Vietcombank Hà Tĩnh hướng dẫn khách hàng thủ tục vay vốn.

Với chính sách điều hành tiền tệ chủ động, linh hoạt, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần phát đi thông báo giảm lãi suất điều hành để gỡ khó cho nền kinh tế. Nắm bắt thực tiễn với tinh thần cởi mở, sẻ chia cùng DN, Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh đã chủ động hỗ trợ nguồn lực, tiếp thêm sức mạnh để khách hàng vượt khó.

Ông Dương Quốc Khánh - Trưởng phòng Khách hàng DN của Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh thông tin: “Đơn vị đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, giảm lãi suất cho vay ở mức thấp và ổn định trên thị trường (lãi suất hiện chỉ từ 4,5%/năm). Bên cạnh ưu đãi lãi suất cho vay mới, Vietcombank đã nhiều lần giảm lãi suất cho cả các khoản vay cũ, góp phần giảm chi phí tài chính cho DN. Ngoài ra, ngân hàng luôn chú trọng đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao hiệu quả thẩm định nhằm tăng cường cho vay các khách hàng có phương án khả thi nhưng tỷ lệ tài sản bảo đảm thấp. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 15.133 tỷ đồng, trong đó dư nợ DN đạt 9.336 tỷ đồng với hơn 600 DN đang thụ hưởng. Điều đáng nói, Vietcombank đã cung ứng vốn, phục vụ các công trình trọng điểm của quốc gia trên địa bàn và của tỉnh đang đầu tư”.

Ông Bùi Đình Ước - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Là DN xây lắp công trình giao thông, chúng tôi đã được các tổ chức tín dụng tiếp vốn quy mô lớn để triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng trong bối cảnh phải chịu không ít tác động do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Nhờ vậy, tình hình hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực với doanh thu năm 2023 đạt trên 500 tỷ đồng”.

“Vitamin” cho nền kinh tế Hà Tĩnh

Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (Cẩm Xuyên) được các ngân hàng cho vay vốn triển khai các dự án trọng điểm tại nhiều tỉnh, thành.

Trên chặng đường hoạt động, các tổ chức tín dụng luôn hướng nguồn vốn vào SXKD, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm của tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh tín dụng vào phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân, tiếp sức để tỉnh nhà thực hiện mục tiêu sớm đạt tỉnh NTM. Theo đó, dư nợ nông nghiệp - nông thôn đạt trên 41.402 tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng dư nợ toàn địa bàn. Đặc biệt, góp phần quan trọng để hình thành các mô hình kinh tế hàng hóa tiềm năng, các trang trại quy mô lớn cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Nhiều DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty TNHH KC Hà Tĩnh (Thạch Hà), Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh), HTX Nga Hải (Nghi Xuân), HTX Nông nghiệp Gia Phúc (Can Lộc)... tiếp tục được “bơm vốn” để từng bước hiện thực hóa mục tiêu sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ khách hàng

Năm 2023, khi sức hấp thụ vốn của DN, người dân bị chững lại, ngành ngân hàng đã phát đi nhiều “tín hiệu” để gỡ khó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai loạt chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay với mục tiêu cốt lõi là đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế, vực dậy hoạt động SXKD. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng ưu đãi lâm sản - thủy sản quy mô 15.000 tỷ đồng, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN...

“Vitamin” cho nền kinh tế Hà Tĩnh

Năm 2023, các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Chị Trần Thị Thủy (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: Gia đình đầu tư mua máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp dịch vụ cày thuê và được Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho vay 260 triệu đồng thuộc gói bù lãi suất 2%/năm. Thời điểm khó khăn được ngân hàng hỗ trợ, chúng tôi cũng yên tâm hơn.

Ngoài chính sách của Trung ương, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh truyền thông, tạo điều kiện để khách hàng được hưởng cơ chế hỗ trợ lãi suất của tỉnh như: cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ chế xây dựng NTM, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020; Quyết định số 868/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định hướng dẫn trình tự, hồ sơ thủ tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn cơ chế xây dựng NTM và Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2022-2025.

Ông Nguyễn Xuân Tâm - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chi nhánh đã đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách tín dụng để khách hàng nắm bắt và tiếp cận, đặc biệt là các gói hỗ trợ lãi suất, ưu đãi lãi suất. Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức hội các cấp như nông dân, phụ nữ... để đẩy mạnh cho vay. Ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn và các lĩnh vực tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và các chương trình ưu đãi lãi suất khác của Agribank. Tính đến 31/12/2023, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 13.549 tỷ đồng, tăng 1.404 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trên 11,6%”.

“Vitamin” cho nền kinh tế Hà Tĩnh

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh.

Theo ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, năm 2023, hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản ổn định và có bước tăng trưởng. Các tổ chức tín dụng đã bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, ngành và hội sở chính; tập trung mọi nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án có hiệu quả, các chương trình phục hồi kinh tế nhằm góp phần phát triển KT-XH địa phương. Trong năm 2023, hàng loạt chính sách ưu đãi được ngành ngân hàng đưa ra thể hiện mục tiêu đồng hành, gỡ khó cho nền kinh tế, từng bước tạo động lực để cộng đồng DN, HTX và người dân phục hồi, phát triển SXKD.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025