Video: Mô hình trồng ổi Đài Loan của gia đình chị Tống Thị Nhung.
Gia đình chị Tống Thị Nhung (SN 1978, thôn Kim Bằng, xã Sơn Bằng, Hương Sơn) là hộ đầu tiên trồng giống ổi Đài Loan thương phẩm trên vùng đất Hương Sơn.
Năm 2019, trong một lần tình cờ xem ti vi về ổi giống Đài Loan với đặc tính dễ trồng, quả ngon... chị Nhung đã quyết định phá bỏ vườn rau màu cho thu nhập thấp để trồng loại cây này.
“Sau khi cải tạo lại khu vườn với diện tích 2.500 m2, tôi liên hệ nhờ người quen mua 170 cây ổi giống Đài Loan ở chợ Cái Mơn, tỉnh Bến Tre về trồng. Do chưa am hiểu quy trình kỹ thuật nên khi mới trồng, tôi phải gọi điện nhờ người có chuyên môn tư vấn” – chị Nhung cho hay.
Nhờ chăm sóc tốt theo quy trình hướng dẫn nên vườn ổi của chị Nhung phát triển tốt. Chỉ sau 6 tháng trồng, vườn ổi đã bắt đầu ra hoa và đậu quả. Những quả ổi lớn dần, trong vòng 2 tháng đã cho thu hoạch.
Theo chị Nhung, giống ổi này rất dễ trồng, chỉ cần bón phân chuồng mỗi năm vài lần. Khi quả ổi to bằng ngón chân cái sẽ tiến hành bọc lưới để chống côn trùng xâm nhập.
Vườn ổi của gia định chị hiện nay đã có 350 gốc cho thu hoạch quanh năm với sản lượng trung bình từ 5-7 tấn quả/năm. Với giá bán 17.000 đồng/kg vào chính vụ, 20.000 đồng/kg vào trái vụ, tính ra, mỗi năm, chị Nhung thu bình quân 120 triệu đồng từ vườn ổi.
"Cây ổi Đài Loan khá phù hợp với khí hậu thời tiết và thổ nhưỡng của vùng đất Sơn Bằng, sai quả, giòn, ngọt. Hiện nay, nhiều thương lái ở ngoài tỉnh đã liên hệ đặt hàng. Đặc biệt, thời điểm này là trái vụ ổi, khách đặt nhiều nhưng không đủ cung cấp” – chị Nhung bày tỏ.
Không chỉ thu nhập từ ổi trái mà chị Nhung cũng đã ươm được giống cây ổi bán cho người dân.
Sau gần 3 năm trồng ổi, chị Tống Thị Nhung nhận thấy giống ổi Đài Loan thật sự phù hợp với vùng đất Hương Sơn và có nhiều dư địa phát triển. Hiện nay, chị mong muốn được xã, thôn quan tâm bố trí cho thuê đất để mở rộng diện tích trồng ổi, nâng cao thu nhập.
Mô hình trồng ổi hữu cơ giống Đài Loan của chị Tống Thị Nhung là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây được xem là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là đầu ra đang rất thuận lợi. Hiện nay, xã đang khuyến khích người dân nghiên cứu nhân rộng mô hình để phát triển, nâng cao thu nhập.