Vượt qua khó khăn, dồn sức đưa Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đã đi qua nửa chặng đường thực hiện mục tiêu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025. Những kết quả đạt được trong khó khăn là kết tinh của tinh thần trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Đó là động lực để tỉnh tiếp tục phát huy nội lực, bứt phá trên chặng đường còn lại.

177/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu để xây dựng thành công tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch, các bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025; tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành liên quan để tạo ra những bước đi cụ thể, sát thực và hiệu quả.

Vượt qua khó khăn, dồn sức đưa Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh nông thôn mới

Tiêu chí quy hoạch đã “chạm” chuẩn NTM cấp tỉnh.

Nhớ lại những ngày khó khăn của giai đoạn đầu thực hiện mục tiêu lớn, toàn tỉnh phải đối mặt với loại dịch bệnh chưa từng có: COVID-19, khiến mọi hoạt động đời sống xã hội, kinh tế đều “đóng băng”; khó khăn vì thiếu nguồn lực; năng lực chỉ đạo tại một số địa phương không đồng đều; các bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí yêu cầu cao hơn giai đoạn trước...

Thế nhưng, đó cũng là quãng thời gian được chứng kiến sự quyết tâm, nỗ lực từ mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân Hà Tĩnh. Hàng loạt cách làm hay, sáng tạo được vận dụng như: “Lấy thôn làm điểm” để hình thành nên những khu dân cư NTM kiểu mẫu thông minh; các cuộc phát động 90 ngày, 100 ngày xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu từ cơ sở liên tục được phát động để rồi người dân không tiếc “tấc đất, tấc vàng” hiến tặng cho Nhà nước để mở rộng đường giao thông; tham gia lao động để chỉnh trang cảnh quan, trồng cây xanh... Tinh thần xây dựng NTM càng đi vào chiều sâu, trở thành ý thức và động lực của mỗi người dân, mỗi cụm dân cư.

Vượt qua khó khăn, dồn sức đưa Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh nông thôn mới

Tiêu chí an ninh trật tự xã hội đã cơ bản đạt chuẩn.

Tỉnh cũng triển khai nhiều hệ thống chính sách lớn về nông nghiệp và nông thôn mới (Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 51-NQ/HĐND quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 - 2025...). Những chính sách “kích cầu” thực sự tạo nên động lực lớn, chuyển nền sản xuất theo hướng ngày càng hiện đại, ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi số và bền vững hơn. Khắp các địa phương của Hà Tĩnh, tinh thần xây dựng NTM không có điểm kết thúc đã trở thành ý chí và quyết tâm cho mục tiêu lớn.

Vượt qua khó khăn, dồn sức đưa Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh nông thôn mới

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tổng diện tích thực hiện cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, cho thuê quyền sử dụng đất toàn tỉnh đã đạt khoảng 8.550 ha.

Đến nay, toàn tỉnh có 177/181 xã đạt chuẩn NTM (đạt 98%); 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm tỷ lệ 27,6%); 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 3,87% so với yêu cầu chỉ tiêu ít nhất là 10%); 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 69,23%).

Từ năm 2021 đến nay, Hà Tĩnh đã phát triển và công nhận thêm 95 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, lũy kế đến nay có 249/300 sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn OCOP (đạt 83%); trong đó có 14 sản phẩm OCOP 4 sao (đạt 5,6%). Dự kiến đến năm 2025, có 300 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 60 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 15 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao... Thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm (năm 2022).

Văn hóa, giáo dục và y tế có nhiều kết quả nổi bật. Đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 26/38 trường THPT đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 68,42%. Hà Tĩnh xếp thứ 9 toàn quốc về kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tiêu chí y tế đạt khoảng 80% so với yêu cầu.

Vượt qua khó khăn, dồn sức đưa Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh nông thôn mới

Giáo dục và đào tạo của Hà Tĩnh trở thành điểm sáng trong cả nước.

Ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh chia sẻ, qua đánh giá của các sở, ngành theo 10 tiêu chí và 42 chỉ tiêu tỉnh đạt chuẩn NTM, đến nay, Hà Tĩnh có 2 tiêu chí cơ bản đạt (quy hoạch và an ninh trật tự xã hội); 3 tiêu chí có khả năng hoàn thành (dịch vụ hành chính công; giáo dục và y tế; chỉ đạo, điều phối thực hiện chương trình xây dựng NTM). Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 8/11/2022.

Vượt qua khó khăn, dồn sức đưa Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh nông thôn mới

Nhân dân Hà Tĩnh dồn sức người, sức của để xây dựng NTM.

Về thực hiện an ninh trật tự xã hội, toàn tỉnh đã tổ chức 815 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho Nhân dân về các quy định về bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn nông thôn... Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Lực lượng công an các cấp đã làm tốt công tác dự báo tình hình; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Xây dựng mới, duy trì, nhân rộng 50 loại mô hình tổ chức quần chúng tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở, tiêu biểu như: Mô hình “Camera an ninh”, “Khu dân cư bình yên, chung sức xây dựng NTM”, “Khu dân cư an toàn về phòng cháy và chữa cháy”, “Tổ liên gia tự quản về an ninh, trật tự”, “Tổ công nhân vì môi trường xanh - Tự quản về an ninh, trật tự”...

Còn đó những khó khăn

Hơn 2 năm thực hiện Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đồng bộ, tạo đà cho nhiều bước tiến mới. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn phải đối mặt, nhất là về nguồn lực; phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt; các xã, huyện sau khi được công nhận đạt chuẩn có biểu hiện chùng xuống, nhất là những xã, huyện chưa phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Cùng đó, tiến độ triển khai thực hiện một số chỉ tiêu về huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; một số nội dung tiêu chí tỉnh NTM còn chậm, khối lượng thực hiện để đạt chuẩn còn nhiều, yêu cầu kinh phí lớn.

Đáng nói, có 5 tiêu chí cấp tỉnh được đánh giá khó có khả năng hoàn thành nếu không có sự nỗ lực phấn đấu và nguồn lực hỗ trợ. Trong đó, những nội dung cần nguồn lực lớn như giao thông đến nay vẫn chưa được xem xét bố trí nguồn lực thực hiện; nhiều công trình thủy lợi hư hỏng chưa có nguồn đầu tư; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung mới đạt 21,7% (theo tiêu chí phải đạt tối thiểu 55%, trong đó từ công trình cấp nước tập trung tối thiểu 50%), việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy và mạng lưới đường ống các công trình cấp nước tập trung đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn; chưa có kinh phí để nâng cấp Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh, Trung tâm Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh; các chương trình/dự án trọng điểm thiếu sự tập trung triển khai thực hiện; nguồn vốn khó khăn; sự tham gia, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương còn hạn chế…

Vượt qua khó khăn, dồn sức đưa Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh nông thôn mới

Nhiều tuyến giao thông, thủy lợi ở Hà Tĩnh đã hư hỏng nhưng chưa có nguồn lực thực hiện.

Qua rà soát, tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện đề án là 47.779 tỷ đồng, tuy nhiên, việc huy động, bố trí cân đối các nguồn lực gặp nhiều khó khăn do Trung ương không phân bổ theo đề xuất, trong khi ngân sách tỉnh khó khăn nên bố trí còn hạn chế.

Đồng thời, việc khâu nối, đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng, thực hiện các chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và ưu tiên trong việc bố trí, lồng ghép các dự án đầu tư thuộc ngành để thực hiện đề án tiến độ còn chậm và gặp nhiều khó khăn...

Quyết tâm cao trên chặng đường còn lại

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, hội nghị đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án tỉnh NTM diễn ra hôm nay (5/4) là sự kiện quan trọng để Hà Tĩnh nhìn nhận lại kết quả, chỉ rõ những khó khăn và vạch lộ trình sắp tới. Tại hội nghị, các địa phương, sở, ngành sẽ cùng Ban chỉ đạo NTM tỉnh thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, bàn các kế sách tháo gỡ khó khăn và giải pháp thực hiện để hoàn thành xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Vượt qua khó khăn, dồn sức đưa Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh phấn đấu về đích tỉnh đạt chuẩn NTM đúng hạn định.

Ông Nguyễn Văn Việt cũng cho hay, tại hội nghị giữa kỳ này, ngoài đánh giá lại kết quả và bàn giải pháp cho chiến lược sắp tới thì đây chính là dịp để toàn tỉnh “xốc” lại động lực, thể hiện sự quyết tâm cao cho chặng nước rút. Trong đó, năm 2023, tỉnh tập trung chỉ đạo, rà soát, nâng cấp tất cả các thôn, xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm bảo đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025; tập trung quyết liệt chỉ đạo 4 xã còn lại đạt chuẩn NTM; huyện Lộc Hà, Kỳ Anh đạt chuẩn huyện NTM, thị xã Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; quan tâm cao xây dựng huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo kế hoạch.

Song song với nhiệm vụ thực hiện đề án, Hà Tĩnh cũng tập trung triển khai, thực hiện Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2024.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.