Phóng viên Báo Hà Tĩnh làm việc với bà Nguyễn Thị Phương (giữa) và bà Bùi Thị Nghiêm (phải) về các vấn đề mà các hộ còn băn khoăn, thắc mắc trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo ở xã Hương Quang...
Bà Phương phản ánh: "Vừa rồi, tôi đã được xã phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo trên địa bàn từ 2015-2018. Gia đình tôi là hộ cận nghèo năm 2015 nên có cán bộ xã đến tận nhà hỏi xem lấy phân bón hay bê nái và tôi đã chọn phân bón để phục vụ sản xuất (vì nhà đã có bò nuôi). Qua trao đổi với các vị cán bộ xã được biết, nếu đăng ký bê nái thì sẽ đưa vào danh sách để xét và không được nhận phân bón. Thế nhưng khi thực hiện thì có những hộ vừa được phân bón vừa được bê, trong khi gia đình tôi chỉ được 1 tạ phân bón..."
Khi về địa phương làm việc, chúng tôi còn được tiếp nhận thêm một số phản ánh có nội dung tương tự của người dân trên địa bàn. Qua các ý kiến này cho thấy, ngoài việc không đồng tình với cách giải thích của một số cán bộ xã rằng đây là nguồn hỗ trợ của năm 2018 thì họ đều bức xúc vì đã không được đối xử công bằng. Ngoài ra, còn có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc vì sao khi thông báo thì hộ nghèo được hỗ trợ 5 tạ phân bón, hộ cận nghèo 3,5 tạ và hộ thoát nghèo 2,5 tạ; nhưng khi thực hiện thì ít hơn, thậm chí nhiều hộ chỉ nhận được 1 tạ. Vậy, số còn lại ở đâu? vì sao lại như thế?
Một số hộ dân ở xã Hương Quang thắc mắc, kiến nghị đòi quyền lợi khi cho rằng chính quyền xã thực hiện không công bằng chính sách hỗ trợ bê giống, phân bón...
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Quang cho biết: “Năm 2018, các hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo ở xã Hương Quang được hỗ trợ phân bón (trị giá 170 triệu đồng) theo Chương trình 135 của Chính phủ. Trước đây, nguồn này chỉ dành cho hộ nghèo và cận nghèo, nhưng đến năm 2017 thì Bộ NN&PTNT có thông tư cho mở rộng thêm đối tượng đã thoát nghèo. Do đó, vừa rồi chúng tôi đã thực hiện hỗ trợ thêm 78 hộ đã thoát nghèo từ năm 2015-2017. Với giá trị hỗ trợ này thì các hộ nghèo được 350 kg, cận nghèo được 225 kg và thoát nghèo 100 kg. Đối chiếu các quy định hiện hành thì mức này là đúng, không phải như các hộ phản ánh”.
Liên quan đến hỗ trợ bê, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tuy có chung mục tiêu và đối tượng hỗ trợ nhưng đây là chương trình do nhà tài trợ Vincom thực hiện, về cơ bản không ràng buộc với hỗ trợ sinh kế của Chương trình 135. Trước khi thực hiện, các phòng, ngành cấp huyện đã thẩm định số tiền 158 triệu đồng được hỗ trợ sẽ mua được 13 con bê cái.
Việc hưởng lợi được thực hiện theo hình thức bốc thăm, 13 hộ trúng thăm đợt 1 thì được nuôi trước; các hộ đợt 2 thì được nhận khi những con bê của những hộ nhận đợt 1 đẻ lứa đầu tiên. Các hộ được hưởng lợi tự thống nhất với nhau các vấn đề có liên quan và tự đi mua bê giống, xã chỉ giao giao tiền mặt...
Về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Trường Thọ cho biết thêm: “Chúng tôi đã thực hiện cẩn thận, soát xét rất kỹ và cuối cùng còn 28 hộ đủ điều kiện nuôi (thuộc diện được hưởng, có chuồng trại, đất trồng cỏ, có lao động). Chúng tôi đã tiến hành tổ chức bốc thăm để loại bớt 2 hộ (do chỉ được 13 con bê) và chọn thứ tự được hưởng đợt 1 hay đợt 2. Việc gia đình bà Nguyễn Thị Phương không được hưởng là do bà không đăng ký ban đầu. Ngoài ra, một số hộ khác như ông Bùi Văn Lâm (thôn Tùng Quang), bà Bùi Thị Nghiêm (thôn Kim Quang)... có đăng ký nhưng không được hỗ trợ bê là do họ không có chuồng trại, chưa đủ điều kiện nuôi”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, chính quyền xã Hương Quang không sai khi thực hiện các chính sách giảm nghèo. Tuy nhiên, việc để xẩy ra những ý kiến trái chiều là vì người dân chưa được tuyên truyền đầy đủ về nguồn gốc và phương thức của các chính sách hỗ trợ. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tổ chức tuyên truyền, giải thích cho người dân, nhất là các hộ có liên quan một cách thấu đáo, tránh để phát sinh mâu thuẫn phức tạp...