Xây dựng nền giáo dục hiện đại, phát triển toàn diện con người Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao, tạo ra bước phát triển khá toàn diện.

Xây dựng nền giáo dục hiện đại, phát triển toàn diện con người Việt Nam

Các đồng chí chủ trì điểm cầu Trung ương. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại.

Sáng 14/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và đại diện các sở, ngành, địa phương.

Xây dựng nền giáo dục hiện đại, phát triển toàn diện con người Việt Nam

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển rộng khắp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) được duy trì vững chắc, chất lượng ngày càng nâng cao; kết quả giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông được nâng lên; quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực; hình thức, nội dung giáo dục thường xuyên ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Xây dựng nền giáo dục hiện đại, phát triển toàn diện con người Việt Nam

Đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.

Hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện theo hướng mở; xây dựng được khung trình độ quốc gia cơ bản phù hợp với khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực của nước ta.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có nhiều tiến bộ. Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có kết quả thi Olympic quốc tế cao nhất; số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tăng mạnh. Một số cơ sở giáo dục đại học và lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo được xếp hạng trong các bảng xếp hạng uy tín của khu vực và thế giới.

Công tác quản lý giáo dục và quản trị trường học có chuyển biến tích cực. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, trình độ ngày càng được nâng cao, bất hợp lý về số lượng, cơ cấu từng bước được khắc phục, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quản lý và dạy học; cơ sở vật chất trường học được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo mới.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chủ trương, chính sách GD&ĐT được quan tâm đúng mức; quan điểm chỉ đạo được thống nhất và xuyên suốt, giáo dục và đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp; tỉ lệ phòng học kiên cố đạt trên 85,0%; hệ thống phòng học bộ môn, phòng chức năng khá đồng bộ. Tính đến thời điểm tháng 1/2023, toàn tỉnh gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia.Hà Tĩnh là đơn vị sớm đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp: Năm 2013, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; năm 2015, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đến nay, Hà Tĩnh đảm bảo các điều kiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn đáp ứng yêu cầu, khẳng định vị thế, là đơn vị đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế,...

Từ năm 2013 đến nay, Hà Tĩnh đã có 6 huy chương quốc tế, trong đó có: 2 HCV môn Toán học, 2 HCV môn Hóa học, 1 HCB môn Tin học, 1 HCĐ môn Toán...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, chia sẻ bài học kinh nghiệm, chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.

Xây dựng nền giáo dục hiện đại, phát triển toàn diện con người Việt Nam

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kết luận hội nghị. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Nghị quyết 29. Qua tổng kết, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng phân tích những khó khăn, thách thức trong thời kỳ mới - những vấn đề Nghị quyết 29 khi ra đời chưa đề cập hết. Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đề xuất với Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó tập trung các vấn đề về nhận thức, thể chế và nguồn lực; đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Ngành GD&ĐT cũng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc phát triển giáo dục và đào tạo; ưu tiên đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước của các cấp Trung ương và địa phương cho giáo dục.

Kiến nghị Bộ Chính trị đồng ý chủ trương có Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ ngành GD&ĐT thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giáo dục và đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Cân nhắc tính đặc thù trong tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục, đảm bảo nguyên tắc “Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" một cách hợp lý.

Thời gian tới, ngành GD&ĐT xác định mục tiêu xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.