Nhà báo Võ Xuân Báu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Tĩnh: Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.
Qua 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động và “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, bước đầu đã tạo được chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, phóng viên.
Hội Nhà báo Hà Tĩnh đã chủ trì tổ chức ký kết giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” với Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh và Tạp chí Hồng Lĩnh. Quá trình triển khai, mỗi đơn vị đều có cách làm phù hợp để xây dựng các chuẩn mực ứng xử văn hóa, môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện, gần gũi trên tinh thần thượng tôn pháp luật và đề cao, tôn vinh, coi trọng đạo đức nghề nghiệp.
Các cơ quan báo chí đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động có trình độ, năng lực, kỷ cương, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm cao với nghề nghiệp, xã hội và luôn thực hiện tốt nghĩa vụ công dân của người làm báo. Từ đó, tạo bầu không khí cởi mở, hứng khởi, tự tin, đoàn kết để xây dựng các cơ quan báo chí văn hóa, công sở văn minh. Phong trào này đã góp phần giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần kịp thời khắc phục như: chưa xác định rõ tầm quan trọng của yếu tố văn hóa đối với người làm báo; bộ tiêu chí văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam chưa được đưa vào sinh hoạt định kỳ, chưa bổ sung vào tiêu chí thi đua hằng năm của các đơn vị. Việc biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện phong trào chưa kịp thời...
Nhằm tiếp tục đưa phong trào thi đua này đi vào chiều sâu, hiệu quả, Hội Nhà báo Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế của từng tiêu chí; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát nội dung, hướng dẫn, động viên hội viên tích cực hưởng ứng phong trào; đánh giá khách quan kết quả thực hiện của từng đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong quá trình hưởng ứng...
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Trưởng phòng Xuất bản Báo Hà Tĩnh: Thông tin thiếu chính xác, thiếu nhân văn sẽ dễ đánh mất bạn đọc.
Sự bùng nổ của internet, mạng xã hội, công nghệ AI đã tạo nên nhiều thay đổi lớn trong đời sống chính trị, KT-XH. Không nằm ngoài dòng chảy đó, chúng tôi đã tận dụng tối đa các tiện ích từ nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin, đồng thời cũng xem đó là cầu nối trong thu thập tin tức hằng ngày nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của mình. Ở Báo Hà Tĩnh, cán bộ, phóng viên được quán triệt và đều có chung nhận thức sâu sắc rằng, muốn làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội thì điều đầu tiên là phải đảm bảo nguồn thông tin luôn trung thực và chính xác.
Trước những vấn đề, hiện tượng mới, “nóng”, chưa rõ bản chất, các bộ phận chuyên môn trong tòa soạn không nóng vội trong việc “chạy theo” mạng xã hội mà sẽ bình tĩnh sàng lọc, phân tích, sau đó yêu cầu phóng viên trực tiếp kiểm chứng để xác tín nguồn tin. Bởi, nếu thông tin thiếu chính xác, tòa soạn sẽ nhanh chóng đánh mất niềm tin mà rất khó để có thể lấy lại từ bạn đọc. Và, thông tin báo chí ngày nay cũng không còn đơn thuần mang tính thông báo như trước mà phải là những thông điệp có giá trị ẩn chứa đằng sau - đó chính là thông tin giải pháp, nghĩa là nó phải xác định được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, có những câu trả lời cho vấn đề đó và đề xuất các giải pháp xử lý một cách khả dĩ nhất. Tòa soạn chúng tôi đang đi theo hướng này, đơn giản vì đó là cái mà công chúng đang cần nhất.
Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng minh bạch hơn nhưng cũng thấy trong đó những hiện tượng tiêu cực có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn, đòi hỏi báo chí phải lên tiếng. Song, nếu sa đà vào những vụn vặt của đời sống, những vấn đề thuộc về riêng tư của con người để rồi bất chấp tất cả hòng gia tăng lượng độc giả, “câu view” bằng mọi giá… thì sẽ vô tình đánh mất tính nhân văn của nền báo chí cách mạng. Tòa soạn chúng tôi tự hào khi thời gian qua, mỗi người cầm bút đang thực hành tốt phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực” dưới nhiều loại hình sản phẩm báo chí khác nhau, qua đó, đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhà báo Nguyễn Văn Sơn - Phòng Văn nghệ Đài PT-TH Hà Tĩnh: Mỗi nhà báo phải là một sứ giả lan tỏa giá trị nhân văn, tích cực.
22 năm kể từ ngày tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận công tác tại Đài PT-TH Hà Tĩnh, tôi luôn rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức của người làm báo, tuân thủ các nguyên tắc về nghề nghiệp. Cùng với đó, tôi luôn theo đuổi báo chí lan tỏa; bằng những tác phẩm báo chí của mình, lan tỏa những điều tích cực, nhân văn tới cộng đồng.
Xã hội luôn luôn biến động và phát triển, bên cạnh những chiều hướng tích cực vẫn tồn tại những mặt hạn chế, tiêu cực. Vì vậy, dù phản ánh đời sống ở chiều hướng nào cũng đòi hỏi ở nhà báo nền tảng tri thức về văn hóa, cảm quan nhạy bén, cái nhìn đa chiều, trung thực, khách quan, nhân văn. Từ lăng kính của mình, truyền tải những thông tin hữu ích đến với cộng đồng. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo luôn phải tự vấn: Viết cái gì? viết cho ai? viết để làm gì?... Đặt mục tiêu vì lợi ích Nhà nước, tập thể, cộng đồng, người yếu thế lên trước để làm kim chỉ nam cho tác phẩm của mình.
Với tôi, xây dựng văn hóa trong môi trường báo chí, mỗi phóng viên phải là một sứ giả lan tỏa những giá trị nhân văn, truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng xã hội. Vì vậy, quá trình công tác, bên cạnh cùng đồng nghiệp xây dựng nhiều tác phẩm báo chí lan tỏa những giá trị tích cực, tôi cũng luôn thể hiện vai trò là thành viên đại diện cho tiếng nói của cơ quan báo chí cách mạng có lối sống lành mạnh, nhân ái, hòa nhã, tích cực cùng tập thể cơ quan trong các hoạt động nhân đạo.
Nhà báo Lê Đức Hùng - phóng viên Báo điện tử VnExpress: Tạo dựng bản lĩnh cho ngòi bút.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2013, tôi về làm việc tại Báo điện tử VnExpress. Hơn 10 năm công tác, trong vai trò một phóng viên, tôi luôn tâm đắc với lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Vì vậy, song song với học Bác trong việc tuyên truyền người tốt việc tốt, tôi luôn thể hiện sức trẻ của mình qua sự “xông pha” với các đề tài phản biện, chống tiêu cực.
Tôi nghĩ rằng, văn hóa của người làm báo chính là luôn giữ cái tâm trong sáng; là thái độ học hỏi, tu dưỡng không ngừng về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; là tinh thần trách nhiệm với xã hội trong vai trò của một “chiến sĩ”, nhất là trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, xuyên tạc tình hình của đất nước.
Để làm tốt khía cạnh trên, trước hết những người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có một nền tảng kiến thức đa dạng ở các lĩnh vực. Nhờ đó, khi phản ánh những vấn đề tiêu cực, mới có thể chỉ ra những “hạt sạn”, từ đó định hướng và hiến kế để các tổ chức, đơn vị, cá nhân tìm giải pháp khắc phục. Có như thế mới có thể góp phần hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tạo niềm tin cho Nhân dân, xây dựng những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Từ thực tế công tác của mình, tôi nhận thấy xây dựng văn hóa báo chí trong bối cảnh mới, mỗi nhà báo cần kế tục những phẩm chất của người làm báo cách mạng để thích ứng với xã hội hiện đại. Trong đó, bên cạnh kỹ năng, nghiệp vụ, bản lĩnh, sự xông pha của một người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng là yếu tố quyết định mà mỗi phóng viên cần luôn luôn rèn luyện, trau dồi.
Nhà báo Lê Văn Đức - Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính - Bạn đọc Báo Hà Tĩnh: Làm chủ thiết bị, công nghệ để tiếp cận báo chí hiện đại.
Năm 2013, tôi chính thức đến với nghề báo. Những kiến thức chuyên môn mà tôi được đào tạo trong nhà trường đã cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc ở thời điểm đó. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi của xã hội nói chung, lĩnh vực báo chí nói riêng đã buộc tôi và các đồng nghiệp phải tự học hỏi để thay đổi, để thích nghi.
Báo Hà Tĩnh là báo Đảng địa phương nhưng không nằm ngoài xu thế phát triển chung của báo chí hiện đại. Trong nhiều năm qua, xác định chuyển đổi số là điều tất yếu nên lãnh đạo tòa soạn, các phòng chuyên môn và mỗi cán bộ, phóng viên đều tự nhận thức trách nhiệm trong việc đổi mới, sáng tạo theo hướng hiện đại, nhân văn, chuyên nghiệp. Chúng tôi được Ban Biên tập khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để học tập nâng cao kỹ năng sử dụng, làm chủ thiết bị công nghệ, kỹ thuật trong tác nghiệp, xây dựng những tác phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu của bạn đọc thông qua các chương trình tập huấn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”; tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các báo bạn.
Ý thức được điều đó, bản thân tôi đã chủ động đầu tư thêm các thiết bị máy móc như: flycam, micro thu âm, máy ghi âm…; tự học hỏi thêm kỹ thuật quay, dựng video clip, trình diễn sản phẩm từ nhiều nguồn. Với mỗi tác phẩm, mỗi đề tài, tôi luôn tư duy nhằm tìm kiếm cách thức triển khai phù hợp, ứng dụng công nghệ để cho ra đời sản phẩm đa phương tiện, có tính sáng tạo cao. Nhờ đó, nhiều tác phẩm gây được ấn tượng với bạn đọc, có tác động tích cực, lan tỏa trong xã hội, góp phần thực hiện vai trò truyền tải thông tin, định hướng dư luận xã hội của báo chí; trong đó, một số tác phẩm đã đạt Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí Trần Phú, Giải Búa liềm vàng cấp tỉnh…
Không ngừng học hỏi, ứng dụng chuyển đổi số trong tác phẩm chính là cách để tôi góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Báo Hà Tĩnh ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn.
Phóng viên Nguyễn Thị Ngọc Khánh - Phòng Thời sự Đài PT-TH Hà Tĩnh: Trau dồi văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong môi trường truyền thông số.
Trong bối cảnh nền tảng kỹ thuật số phát triển, nhu cầu sử dụng công nghệ, mong muốn kết nối thông tin của xã hội tăng lên, trong đó, người trẻ là đối tượng tương tác tích cực nhất. Là một phóng viên trẻ, tôi cũng không nằm ngoài xu hướng đó và chịu sự tác động, chi phối từ những nội dung của truyền thông số là điều đương nhiên.
Không thể phủ nhận, truyền thông số đã cung cấp một kho tàng tri thức, thông tin đồ sộ, phục vụ đắc lực cho cuộc sống và công việc chuyên môn của bản thân tôi. Trên các nền tảng mạng xã hội, tôi kết nối được với các mối quan hệ xã hội, các đầu mối thông tin hữu ích; tìm kiếm và phát hiện những đề tài, góc nhìn mới hay cách thức triển khai sáng tạo cho một đề tài đã cũ. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ khi có quá nhiều luồng thông tin xấu, độc, lệch lạc, tiêu cực.
Với những phóng viên trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, việc chọn lọc thông tin, định hướng tư tưởng là một vấn đề không đơn giản, do vậy, ngay từ khi mới vào nghề, tôi luôn xác định, bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ thì phải bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, văn hóa nghề nghiệp. Bởi khi có kiến thức và vững vàng về tư tưởng chính trị thì mới có thể chắt lọc thông tin, không bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch, không chính thống. Từ đó mới xây dựng nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, đóng góp vào việc định hướng thông tin tích cực cho xã hội trong “ma trận” thông tin của thời đại truyền thông số. Và nhiều tác phẩm báo chí của tôi đã vinh dự đạt nhiều giải báo chí các cấp.