Xét xử vụ FLC: Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù

Bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bị tuyên 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt chung 21 năm tù.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) bị tòa tuyên phạt 21 năm tù. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) bị tòa tuyên phạt 21 năm tù. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau 2 tuần xét xử và nghị án, chiều 5/8, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).

Bị cáo Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) bị tòa tuyên 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Quyết là 21 năm tù.

Cùng bị truy tố về 2 tội danh này, 7 bị cáo khác gồm: Trịnh Thị Minh Huế (sinh năm 1981, Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết) bị tòa tuyên phạt 14 năm tù.

Trịnh Thị Thúy Nga (sinh năm 1979, Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS -– tiền thân là Công ty Cổ phần chứng khoán FLC; em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết) 8 năm tù. Hương Trần Kiều Dung (sinh năm 1978, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BOS) 8 năm 6 tháng tù.

Trịnh Văn Đại (sinh năm 1966, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros - Công ty Faros) 11 năm tù. Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1977, Trưởng nhóm Vật tư cảnh quan, Phòng Mua sắm và cung ứng vật tư, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên FLC Land - Công ty FLC Land) 6 năm tù.

Trịnh Tuân (sinh năm 1984, cựu Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên FLC Land - Công ty FLC Land) 4 năm 6 tháng tù.

Nguyễn Thị Hồng Dung (sinh năm 1972, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) 4 năm tù.

Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy tuyên án với các bị cáo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy tuyên án với các bị cáo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tòa tuyên phạt 42 bị cáo còn lại trong vụ án với các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 7 năm tù 6 tháng tù về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thao túng thị trường chứng khoán; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Trong vụ án này còn có bị can Doãn Văn Phương (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Faros) hiện đang bỏ trốn, bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.

Bản án sơ thẩm xác định trong vụ án này, các bị cáo đã lợi dụng hoạt động của thị trường chứng khoán để thực hiện tội phạm, gây mất niềm tin trong xã hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin và quyền lợi của các nhà đầu tư.

Trong số các bị cáo, Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo, các bị cáo khác là đồng phạm tham gia giúp sức cho bị cáo Quyết. Hành vi của bị cáo trước là tiền đề để các bị cáo sau thực hiện hành vi phạm tội.

Do vậy, cần phải xử lý nghiêm các bị cáo với mức hình phạt tương xứng với tính chất mức độ thực hiện hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử xác định, quá trình diễn ra phiên tòa, lời khai của các bị cáo là phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, phù hợp với lời khai của các bị hại… khẳng định việc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố các bị cáo về các tội danh nêu trên là hoàn toàn có cơ sở.

Tòa cũng xác định số bị hại của vụ án sau khi rà soát lại danh sách, lý lịch là hơn 25.000 người. Đây là những người mua cổ phiếu của Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) lần đầu, bị Trịnh Văn Quyết và các bị cáo khác đưa thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nâng khống vốn góp từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng

Bản án sơ thẩm nêu rõ với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán.

Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Để chiếm đoạt được tiền, Trịnh Văn Quyết giao Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống, đồng thời nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros, ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống, ghi nhận thông tin gian dối này vào Báo cáo tài chính kiểm toán, Bản cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các bị cáo thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã sử dụng những thông tin gian dối trên Báo cáo tài chính kiểm toán và hồ sơ tài liệu của Công ty Faros cung cấp để chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE.

Hội đồng xét xử nhấn mạnh với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán 391.155.480 cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho hơn 25.000 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.

Để xảy ra hậu quả trên, có sự tham gia giúp sức tích cực của các bị cáo trong vụ án vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống; xác định vốn góp khống; chấp thuận niêm yết cổ phiếu… để tạo điều kiện giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu được hình thành từ vốn góp chủ sở hữu khống, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán

Bản án sơ thẩm nêu rõ, với mục đích thu lợi bất chính trên thị trường chứng khoán thông qua các cổ phiếu đã niêm yết của các công ty trong Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân của 45 cá nhân là người thân, nhân viên thuộc Tập đoàn FLC để thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán đứng tên các cá nhân, pháp nhân.

Đồng thời, chỉ đạo cấp khống tiền cho các tài khoản thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART như: Liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp nội nhóm (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu), mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở của đóng cửa, đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu nói trên, thu lợi bất chính số tiền hơn 723 tỷ đồng.

Trong số đó, riêng mã chứng khoán AMD thực hiện hành vi thao túng trong giai đoạn từ ngày 26/5/2017 đến ngày 13/7/2017 thu lợi bất chính 39 tỷ đồng, trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, Cơ quan điều tra đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử lý theo quy định tại Điều 29 Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Do vậy, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự số tiền thu lợi bất chính của 4 mã chứng khoán HAI, GAB, ART và FLC với số tiền hơn 684 tỷ đồng.

Theo Hội đồng xét xử sơ thẩm, để Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng, có sự tham gia giúp sức tích cực của các bị cáo khác trong Tập đoàn FLC trong việc ký nghị quyết, chỉ đạo cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng mua chứng khoán không có tài sản đảm bảo (cấp khống tiền) trái pháp luật.

Một số bị cáo còn cho Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân để thành lập công ty, mở các tài khoản chứng khoán để thao túng thị trường chứng khoán, giúp Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính trên sàn chứng khoán./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.