Xưởng may mini của 9X Can Lộc tạo việc làm cho nhiều lao động

(Baohatinh.vn) - Với số vốn 50 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Quyết, trú tại xã Trung Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã xây dựng một xưởng may nhỏ, chuyên gia công quần xuất khẩu, giúp tăng nguồn thu nhập, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối năm 2014, sau khi trầy trật với công việc thi công điện cho các công trình ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, anh Nguyễn Văn Quyết (SN 1992), trú tại thôn Đồng Kim, xã Trung Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) quyết định sang Nga lao động.

“Dù hơi tiếc nuối 3 năm học hành bài bản về ngành điện công nghiệp nhưng hoàn cảnh gia đình và thực tế điều kiện công việc buộc tôi phải rẽ hướng. Khi sang nước Nga để làm việc trong ngành may mặc, tôi khá lúng túng nhưng dần dần, khi đã thành thục tôi bắt đầu thích công việc này. Nhờ đó, tôi luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu để có nguồn thu nhập ổn định và không ngừng học hỏi để nâng cao thêm kiến thức về nghề" - Quyết tâm sự.

Anh 1.jpg
Anh Nguyễn Văn Quyết – chủ xưởng may gia công tại xã Trung Lộc.

Năm 2018, trở về địa phương với kinh nghiệm dày dặn trong nghề may, anh Quyết xin làm việc cho các công ty may lớn ở khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong thời gian này, anh tự mày mò, học hỏi thêm về cách sửa chữa máy may chuyên dụng.

Sau gần 10 năm làm công nhân, giữa năm 2023, Nguyễn Văn Quyết lựa chọn trở về quê nhà, mở một xưởng may nhỏ để khởi nghiệp. Với số vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng, anh đã đầu tư 7 máy may và mượn thêm 7 máy cũ từ các đơn vị may mặc quen biết.

Anh 4.jpg
Anh Quyết tận dụng khuôn viên sân nhà để làm nhà xưởng.

Vốn ít, anh Quyết tận dụng khuôn viên sân nhà để làm nhà xưởng. Ngay sau khi đầy đủ máy móc, nhà xưởng, anh triển khai đào tạo cơ bản cho hơn 10 lao động địa phương và nhận đơn gia công quần xuất khẩu cho Công ty TNHH may Mạnh Anh (thị xã Hồng Lĩnh). Bên cạnh đó, anh còn nhận sửa chữa máy may cho cá nhân và doanh nghiệp để tăng thu nhập.

“Do lực lượng lao động ở địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm về may mặc nên lúc mới đầu đào tạo khá vất vả. Để công việc dễ dàng hơn, mình chỉ nhận đơn gia công mặt hàng quần xuất khẩu để giảm bớt các chi tiết may phức tạp. Hiện, tại xưởng may đã có hơn 10 lao động lành nghề, đáp ứng được các đơn gia công quần xuất khẩu” - anh Quyết cho biết.

Với lực lượng lao động đã quen việc, xưởng may của anh Quyết hoàn thiện từ 10.000 – 12.000 sản phẩm/ tháng, với giá gia công 6.000 đồng/ sản phẩm, anh thu về khoảng 60 - 72 triệu đồng/ tháng. Sau khi trừ đi tiền lương công nhân, tiền điện và các khoản phí khác, anh Quyết đạt lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/ tháng.

Ảnh 2.jpg
Xưởng may của anh Quyết tạo việc làm hơn 10 lao động địa phương với mức thu nhập 4 – 5 triệu đồng/ 20-23 ngày công/ người.

“Môi trường làm việc tại xưởng may của anh Quyết rất thoải mái, được hướng dẫn tận tình và thời gian linh hoạt để chúng tôi có thể làm thêm các công việc khác. Trung bình mỗi tháng công nhân chúng tôi được trả 4 – 5 triệu đồng/ 20-23 ngày công/ người”, chị Bùi Thị Hiếu - thôn Hạ Triều, xã Khánh Vĩnh Yên phấn khởi nói.

Hiện nay, anh Nguyễn Văn Quyết đang gấp rút trả đơn hàng quần xuất khẩu cho các công ty thuê gia công. Với số lượng đơn đặt hàng nhiều, lực lượng công nhân còn ít, anh Quyết đang định hướng đào tạo thêm nguồn nhân lực về nghề may tại địa phương và mở rộng thêm hệ thống máy móc, nhà xưởng. Từ đó, nhận thêm các đơn hàng gia công giá trị cao để tăng thêm lợi nhuận.

Quang cảnh làm việc tại xưởng may của anh Quyết.

Đây là mô hình khởi nghiệp với số vốn ít nhưng lại khá hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cả công nhân cũng như bản thân anh Nguyễn Văn Quyết. Hiện, Huyện đoàn đang bám sát các mô hình kinh tế thanh niên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm hỗ trợ kịp thời. Ngoài hỗ trợ về tìm kiếm nhân lực, chúng tôi hướng dẫn các mô hình tiếp cận các gói hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho thanh niên để khởi nghiệp hoặc mở rộng mô hình.

Anh Nguyễn Viết Hưng - Phó Bí thư Huyện đoàn Can Lộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast