Khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất chổi trện ở Hương Sơn

(Baohatinh.vn) - Cơ sở sản xuất chổi trện do chị Võ Thị Châu (SN 1987, thôn 4 xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) làm chủ ngày càng “ăn nên làm ra”, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Chị Võ Thị Châu sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình thuần nông tại miền quê nghèo xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang. Năm 2008, bước sang tuổi 21, chị Châu nên duyên vợ chồng với anh Lê Anh Thế (SN 1984), rồi chuyển về quê chồng sinh sống tại thôn 4 xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn cho đến nay.

IMG_7253.JPG
Cơ sở sản xuất chổi trện Châu - Thế thu hút nhiều lao động ở địa phương.

Mặc dù 2 vợ chồng đều là nông dân chính hiệu, nhưng theo chị Châu, quê chồng chỉ có hơn 1 sào ruộng nên dù đã rất nỗ lực, song cuộc sống của vợ chồng chị vẫn rất khó khăn. Năm 2009, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ chổi trện ngày càng nhiều, trong khi nguồn nguyên liệu khá dồi dào, đôi vợ chồng trẻ quyết định khởi nghiệp bằng nghề làm chổi trện nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Sự khởi đầu bao giờ cũng đối mặt với rất nhiều trở ngại, vợ chồng Châu – Thế cũng không là ngoại lệ. “Nghề làm chổi trện rất đơn giản, mỗi ngày 2 vợ chồng có thể làm ra được hàng trăm chiếc nhưng sau đó, mỗi người một ngả tìm đến các đại lý, các chợ trên địa bàn huyện để tiêu thụ. Song, có ngày rong ruổi hàng chục cây số cũng chỉ bán được 5 – 7 chiếc, số tiền cả vốn lẫn lời… chưa đủ đổ xăng”, chị Châu nhớ lại.

Nguyên liệu từ cây trện ngoài làm chổi, hạt trện còn được dùng để chế biến dầu trện.

Nguyên liệu từ cây trện ngoài làm chổi, hạt trện còn được dùng để chế biến dầu trện.

Không nản chí, vợ chồng chị ngày vẫn ngày vẫn miệt mài với công việc chỉ với mong muốn sản phẩm của mình tiếp cận được nhiều người tiêu dùng. Năm 2010, đơn đặt hàng bắt đầu dày thêm, chị Châu thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh chổi trện Châu - Thế do mình làm chủ, rồi tiến hành tuyển dụng, đào tạo nghề cho những ai có nhu cầu.

Đến với cơ sở Châu - Thế, sau khi được hướng dẫn sơ bộ, người lao động sẽ tạo ra được sản phẩm và được trả tiền công ngay trong ngày đầu tiên. Theo chị Châu, làm chổi trện là nghề thủ công, đơn giản nên không “kén” nhân công, trẻ hay già đều có thể làm được. Những người lành nghề có thể nhận nguyên liệu về nhà làm và nhập lại cho cơ sở. Tuy nhiên, hầu hết đầu muốn đến nhà chị làm để khỏi mất công vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm và hơn thế là làm đông người chuyện trò rôm rả… cũng vui hơn.

Bà Hồ Thị Nhơn (SN 1955, trú thôn 4, xã Sơn Trà) là người gắn bó với cơ sở này đến nay hơn 15 năm và cũng là một trong những người có mặt từ ngày đầu mới thành lập cho biết: “Từ khi có cơ sở Châu - Thế, ngoài làm ruộng, tôi còn có thêm nghề “tay trái” làm chổi trện nên kinh tế gia đình bớt khó khăn. Mỗi khi tết đến, đơn đặt hàng nhiều nên thu nhập theo đó cũng cao hơn".

Bà Hồ Thị Nhơn là người hơn 15 năm gắn bó với cơ sở Châu - Thế.

Bà Hồ Thị Nhơn là người hơn 15 năm gắn bó với cơ sở Châu - Thế.

Nguyên liệu làm chổi trện khá dồi dào ở các địa phương trong huyện như Sơn Lễ, Sơn Tiến, An Hoà Thịnh… nên sản xuất rất ổn định, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng đặt hàng với số lượng lớn. Hơn nữa, đây là sản phẩm hoàn toàn làm bằng thủ công lại thân thiện với môi trường nên không chỉ người dân nông thôn mà người thành phố cũng rất ưa chuộng.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của cơ sở kinh doanh chổi trện Châu – Thế có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước như: Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Gia Lai, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh...

Ở thời điểm hiện tại, bình quân, mỗi tháng, cơ sở sản xuất ra 20.000-25.000 sản phẩm với giá bán 15.000 đồng/chổi, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng. Cơ sở còn tạo việc làm ổn định cho 8-10 lao động với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Lúc cao điểm, cơ sở tạo việc làm cho hơn 20 lao động thời vụ.

Đề cập đến hướng phát triển trong thời gian tới, chị Châu cho biết, sẽ phấn đấu nâng công suất lên 30-35.000 sản phẩm/tháng để có thể tạo việc làm ổn định từ 15-20 lao động địa phương.

IMG_7278.JPG
Sản phẩm sau khi làm ra được thương lái đến tận nhà thu mua

Theo bà Lê Thị Hiền Trang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Trà, đây là một trong những mô hình điểm, do hội viên phụ nữ làm chủ, đạt hiệu quả kinh tế khá cao, nhất là tạo thêm nhiều việc làm cho chị em phụ nữ. Thời kỳ đầu, Hội Phụ nữ xã cũng tạo điều kiện hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn ưu đãi với số tiền 50 triệu đồng.

Quyền Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Trà - Lê Thị Thanh Mai cho biết thêm: Ngoài tạo nhiều việc làm, cơ sở sản xuất kinh doanh Châu – Thế còn góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập cho người dân xã nhà và các địa phương lân cận. Đây là cơ sở duy nhất trên địa bàn huyện Hương Sơn thu mua nguyên liệu trện, góp phần tiêu thụ đầu ra cho hàng trăm hộ chuyên khai thác trện tự nhiên và trện trồng của bà con. Mỗi tháng cơ sở này thu mua và tiêu thụ 300-350 tấn trện.

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.