Ảnh minh họa từ internet
Tôi thấy buồn và chút lấn cấn trong lòng. Ngày xưa còn thiếu thốn, trẻ con nghĩ đến tiệc sinh nhật như một điều thật xa xỉ, hiếm hoi. Chỉ những gia đình “có điều kiện” mới tổ chức sinh nhật cho con và đó thực sự là những bữa tiệc đặc biệt dù đôi khi chỉ có đĩa bánh kẹo, ít quả ổi, dăm ba trái táo...
Thời nay, khi người lớn không còn quá nặng nề về miếng cơm manh áo, cứ thêm 1 tuổi là trẻ nhỏ lại được một bữa tiệc đầy đủ bánh kem gắn nến, bánh kẹo đề huề, hoa quả đầy đĩa... Nhìn các cháu xúng xính trong những bộ cánh mới, lăng xăng thổi nến, hát hò, cha mẹ cũng ấm lòng.
Vậy nhưng, phú quý sinh lễ nghĩa, mà tiện lợi thành thực dụng. Trước đây, mỗi lần đi sinh nhật bạn, chúng tôi được mẹ mua cho cái kẹp tóc, con búp bê, vòng tay, xe đồ chơi... làm quà tặng. Lớn hơn, khi đã biết “bán mua”, chúng tôi chung nhau mua cái bút, quyển sổ, cái mũ... để tặng bạn. Trong những tiết mục của buổi tiệc, hấp dẫn nhất vẫn là phần mở quà với những tiếng à, ồ khi mỗi món quà được bóc ra. Tuyệt đối ngày đó, sinh nhật không bao giờ tặng tiền bạc. Thế mà ngày nay, tôi thấy những bữa tiệc sinh nhật thường ít khi có tiết mục mở quà nữa, đơn giản vì thay vào những món quà ngộ nghĩnh, đáng yêu mang dấu ấn trẻ con lại là những chiếc phong bì và chủ nhân bữa tiệc cũng không mấy hào hứng với những món quà “lạnh lùng” như thế.
Người ta đổ lỗi cho sự bận rộn. Cả ngày vất vả mưu sinh, tối về còn bao việc không tên nên để cho “tiện”, đỡ mất thời gian, các bậc phụ huynh thời nay thường chọn giải pháp tối giản là bỏ phong bì, rồi chép miệng “để bố mẹ chúng muốn mua gì thì mua cho phù hợp”. Bởi vậy, tôi chứng kiến không ít đứa trẻ sau mỗi lần sinh nhật lại phụng phịu: Sao ai cũng tặng tiền mà không tặng đồ chơi cho con?
Vẫn biết, cuộc sống hiện đại nên cái gì càng nhanh, càng tiện càng tốt. Nhưng thiết nghĩ, vẫn nên gìn giữ những giá trị riêng của văn hóa mang tính nhân văn tốt đẹp. Trẻ em vốn ngây thơ, nhạy cảm, những con búp bê, bộ đồ lắp ghép... sẽ là những người bạn tuổi thơ không dễ gì phai trong kí ức tuổi thơ. Thời nào, trẻ con cũng chỉ là trẻ con, vẫn ham chơi, thích khám phá những đồ vật mới và háo hức khi được nhận quà. Vậy nên, người lớn ơi, hãy đừng bắt con em mình phải chơi những “trò” của người lớn!