Đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng, chữ tín với khách hàng lên trên hết

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể… ở huyện Thạch Hà chú trọng và đã được ngành chuyên môn Hà Tĩnh đánh giá cao.

Năm 2019, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia Lan (thôn Nam Hải, xã Thạch Hải) do vợ chồng chị Trần Thị Lan (SN 1985) làm chủ, được thành lập. Doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến và phát triển các sản phẩm hải sản như: chả mực, nõn tôm khô, nước mắm...

Đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng, chữ tín với khách hàng lên trên hết

Các sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia Lan luôn được chú trọng đảm bảo ATVSTP.

Trong đó, 2 sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp là nước mắm và chả mực đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất từ 2.500 - 3.000 kg chả mực, gần 13.000 lít nước mắm.

Đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng, chữ tín với khách hàng lên trên hết

Giữ chữ tín với khách hàng là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp Hoàng Gia Lan.

Ngoài đảm bảo chất lượng, giữ hương vị đặc trưng của các sản phẩm thì doanh nghiệp luôn tuân thủ nghiêm túc công tác đảm bảo ATVSTP.

Chị Trần Thị Lan chia sẻ: “Để giữ chữ tín với khách hàng và sản xuất bền vững, chúng tôi luôn đặt công tác ATVSTP, sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu. Vì vậy, ngoài việc giữ gìn môi trường sản xuất luôn sạch sẽ, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, mua sắm mới gần 300 chum sành, các loại máy móc, thiết bị… Đến nay, qua nhiều lần tái đầu tư, vợ chồng tôi đã bỏ ra số vốn gần 3 tỷ đồng”.

Đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng, chữ tín với khách hàng lên trên hết

Từng giọt nước mắm thơm ngon, đậm vị đều là thành quả của quá trình sản xuất nghiêm túc, chú trọng ATVSTP của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia Lan.

Về nguồn nguyên liệu, chị Lan thường lấy trực tiếp từ các tàu đánh bắt tại Thạch Hà và Lộc Hà. Từ những con cá, con mực, con tôm… đều được chị lựa chọn kỹ càng, số lượng sản xuất dựa theo nhu cầu thị trường, hạn chế hàng tồn đọng…

Không chỉ các cơ sở sản xuất thực phẩm mà các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh ăn uống tại huyện Thạch Hà cũng luôn ưu tiên việc đảm bảo ATVSTP.

Bếp ăn tập thể của Trường Mầm non Thạch Liên hiện có 5 nhân viên cấp dưỡng đều có bằng trung cấp nấu ăn trở lên. Mỗi ngày, nhà trường cung cấp 1 bữa chính vào buổi trưa và bữa phụ vào buổi chiều cho 305 trẻ (11 lớp) và 31 cán bộ, giáo viên.

Đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng, chữ tín với khách hàng lên trên hết

Từ nguồn nguyên liệu đến khâu chế biến, bảo quản thực phẩm, bát đũa... đều được Trường Mầm non Thạch Liên thực hiện chỉnh chu, nghiêm túc.

Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Liên cho biết: “Để đảm bảo ATVSTP, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên, nhân viên cấp dưỡng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh bếp ăn. Ngoài ra, chúng tôi liên tục kiểm tra nguồn thực phẩm hằng ngày đưa đến trường và các khâu sơ chế, sử dụng, cũng như bảo quản thực phẩm trong bếp ăn. Thực hiện nghiêm chỉnh quy trình bếp ăn 1 chiều và lưu mẫu thức ăn hằng ngày. Mọi công đoạn được thực hiện bài bản, nghiêm túc, đúng nguyên tắc”.

Đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng, chữ tín với khách hàng lên trên hết

Những bữa ăn ngon, sạch cho các em học sinh là ưu tiên hàng đầu của Trường Mầm non Thạch Liên.

Để đảm bảo bữa ăn cho học sinh luôn ngon và sạch, các giáo viên, nhân viên của trường cũng thường xuyên tăng gia sản xuất, trồng nhiều loại rau sạch để đưa vào thực đơn cho các cháu.

Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Khang, xã Thạch Liên) chia sẻ: “Có con học tại trường, tôi tin tưởng trước sự tận tình, chu đáo của các giáo viên khi lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu. Các món ăn tại trường được các cô giáo và nhân viên cấp dưỡng thay đổi hằng ngày, hợp khẩu vị của con. Quan trọng hơn, các món ăn đều được chế biến hợp vệ sinh, tuân thủ quy tắc đảm bảo ATVSTP nên tôi rất yên tâm”.

Đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng, chữ tín với khách hàng lên trên hết

Vườn rau xanh của trường Mầm non Thạch Liên.

Vấn đề ATVSTP cũng là mối quan tâm hàng đầu của nhà hàng Sóng Xanh (thôn Trung Tiến, xã Việt Tiến). Xác định làm ăn lâu dài, giữ chữ tín với khách hàng, nhà hàng đã thực hiện tốt các quy định về ATVSTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, nguồn nước sạch dùng cho chế biến, vệ sinh môi trường… đảm bảo quy định.

Đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng, chữ tín với khách hàng lên trên hết

Các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu, kiến thức về an toàn thực phẩm... được nhà hàng Sóng Xanh thực hiện nghiêm chỉnh.

Chị Phạm Thị Trang - nhân viên nhà hàng cho biết: “Trước khi vào làm việc, nhân viên chúng tôi đã được đào tạo kiến thức về ATVSTP và tuân thủ các quy trình trong chế biến, bảo quản thực phẩm”.

Toàn huyện Thạch Hà hiện có 2.304 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể. Trong đó, ngành y tế quản lý 453 cơ sở, ngành NN&PTNT quản lý 1.388 cơ trở và ngành công thương quản lý 463 cơ sơ.

Đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng, chữ tín với khách hàng lên trên hết

Hoạt động kiểm tra, giám sát ATVSTP được ngành chức năng huyện Thạch Hà thực hiện thường xuyên.

Bình quân mỗi năm, huyện tổ chức tập huấn 6 đợt với khoảng 1.800 lượt người tham gia. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tuyến xã, thị trấn đã kiểm tra 252 cơ sở, tuyến huyện kiểm tra 34 cơ sở. Qua quá trình kiểm tra, có 16 cơ sở vi phạm, bị xử phạt 38.500.000 đồng (cấp huyện 18.250.000; cấp xã 20.250.000 đồng).

Ông Võ Văn Dũng - Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Hà cho biết: “Với sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của các ngành chức năng, chúng tôi đã và đang nỗ lực trong công tác kiểm soát nguồn thực phẩm nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Nhìn chung, hiện nay, việc đảm bảo ATVSTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể… trên địa bàn được chấp hành tốt”.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast