"Đổi đời"từ phát triển cây chè công nghiệp

(Baohatinh.vn) - Với hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, những năm gần đây, xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) đẩy mạnh triển khai đề án phát triển cây chè công nghiệp, nhằm đưa loại cây này trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Trồng chè công nghiệp là hướng đi giúp bà con xã Kỳ Thượng thoát nghèo.

Trồng chè công nghiệp là hướng đi giúp bà con xã Kỳ Thượng thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng - Vũ Trung Tiến cho biết, từ khi có chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, người dân nơi đây đã hăng hái mở rộng diện tích trồng chè công nghiệp. Toàn xã hiện có 346 hộ tham gia trồng chè với tổng diện tích trên 144 ha. Nghề này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ thu nhập từ 30-50 triệu đồng.

“Thời gian qua, xã đã tập trung chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả, từ trồng keo tràm, rau màu sang trồng chè, nhằm nâng cao sản lượng và tính cạnh tranh, thông qua sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” - ông Tiến cho biết thêm.

Theo chị Lê Thị Xuân (thôn Tiến Quang), trước đây, gia đình chị có gần 1 ha đất chuyên sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày, trung bình mỗi năm cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Thế nhưng, từ khi chuyển đổi sang trồng chè công nghiệp và được hỗ trợ vay vốn, cấp giống, được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, bón phân, chăm sóc, thu hái… thì tổng thu nhập trên cùng diện tích canh tác đã tăng lên hơn 35 triệu đồng (tương đương 5,5 tấn chè búp tươi).

Được biết, năm 2015, dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh đã hỗ trợ xã Kỳ Thượng xây dựng mô hình “chuỗi sản phẩm chè” nhằm đưa cây chè phát triển bền vững. Theo đó, tiểu ban quản lý dự án trung tâm khuyến nông tiếp tục hỗ trợ một số hoạt động như mở rộng diện tích, hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ sản xuất và thu hái; thành lập tổ dịch vụ bảo vệ thực vật và hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho tổ hoạt động nhằm kiểm soát chất lượng chè búp tươi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo chia sẻ của chị Trần Thị Hường (thôn Tiến Vinh), mô hình trồng chè bước đầu đã đạt những kết quả khả quan, hiệu quả cao hơn so với trồng các loại cây công nghiệp khác. Cây chè không những mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân mà còn tạo điều kiện giúp bà con nông dân liên kết có hiệu quả với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, cũng như được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Bằng việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Chè Hà Tĩnh, Xí nghiệp Chè 12/9, người dân đã ổn định sản xuất.

Ông Vũ Trung Tiến cho biết thêm, từ năm 2012 lại nay, mỗi năm, xã Kỳ Thượng trồng mới từ 15-20 ha. Phong trào trồng chè ở đây ngày một phát triển, trở thành cây mũi nhọn để xóa đói giảm nghèo. Trung bình mỗi năm, sản lượng chè đạt 150 tấn búp tươi với giá 7,5 triệu đồng/tấn. Mỗi ha, người dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Thành công bước đầu từ mô hình trồng chè công nghiệp đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với thị trường; ứng dụng các quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Thời gian tới, Kỳ Thượng tiếp tục tận dụng quỹ đất và nguồn nhân lực dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển sản xuất chè công nghiệp, đưa cây chè từng bước trở thành cây trồng chủ lực có hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast