12 năm sáng chế 3 thiết bị
Bén duyên với Công ty CP Dược Hà Tĩnh và Nhà máy Đông dược tại Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) từ năm 2006, anh Trần Xuân An luôn đam mê cải tiến các thiết bị nhằm giảm thiểu sức lao động, chi phí.
Phát huy kiến thức học từ ngành nghề cơ khí, thời gian qua, anh đã sáng chế ra 3 thiết bị: Máy vào hạt chống ẩm, tay gắp vỉ thuốc và máy đóng lô số; từ đó, góp phần giảm nhân công, tăng năng suất.
Anh Trần Xuân An giới thiệu hệ thống máy vào hạt chống ẩm...
Với sự sáng tạo của mình, anh An đã chế tạo hệ thống xi-lanh khí nén để thay thế hệ thống mô-tơ vốn dễ bị hỏng hóc. Thiết bị mới có chi phí rẻ gấp gần 10 lần so với hệ thống cũ và ít bị hư hỏng, thao tác đơn giản.
Anh An cho hay: “Từ thực tế công việc, tôi dần nảy sinh ý tưởng cho từng thiết bị. Có những cái phải nghiên cứu gần cả năm trời, thử nghiệm không biết bao nhiêu lần mới có thể thành công. Những lúc đó, nhận được sự động viên từ lãnh đạo nhà máy và anh em đồng nghiệp, tôi lại có thêm động lực để hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, tôi cũng tự tìm hỏi, học hỏi thêm kiến thức trên mạng, sách, báo”.
Anh Nguyễn Đình Quang - bộ phận đóng gói ở nhà máy đông dược, chia sẻ: “Với tôi, anh An là thầy. Tôi mới về làm tại nhà máy được gần 2 năm, cả quãng thời gian này, tôi đều nhận được sự dẫn dắt, giúp đỡ nhiệt tình từ thầy. Quy trình vận hành máy móc hiện đại không dễ nhưng có thầy, mọi việc trở nên đơn giản hơn, khi có vướng mắc, sai sót, tôi đều được ân cần chỉ bảo”.
Sáng kiến làm lợi hơn 1,5 tỷ đồng
Là “hạt nhân” của Đội Khai thác số 1, thuộc Xí nghiệp Chế biến Zircon (Tổng công ty KS&TM Hà Tĩnh), anh Trần Đức Ngụ trở thành nhân vật “nổi tiếng” trong toàn Tổng công ty bởi sáng kiến góp phần làm lợi hơn 1,5 tỷ đồng.
Từ mỗi con ốc vít nhỏ đến một hệ thống thiết bị, anh Trần Đức Ngụ tỉ mẩn làm bộ phận nào chắc bộ phận đó.
Trăn trở với những hạn chế trong việc khai thác mỏ kiểu truyền thống chưa hiệu quả, sản lượng thấp, chi phí cao, anh Trần Đức Ngụ đã mày mò, tìm hiểu và sáng kiến ra hệ thống “Chuyển đổi công nghệ khai thác cấp liệu bè hút sang khai thác cấp liệu bằng đầu máng”. Kết quả đầy khả quan với việc cấp liệu ổn định, sản lượng tăng gần gấp đôi so với trước, tận thu được hết tài nguyên, hạn chế tối đa thời gian ngừng việc, giảm chi phí dầu, điện.
“Tổng chi phí làm ra sáng chế hết 15 triệu đồng, trong khi đó, năng suất lên cao, giảm chi phí dầu, điện. Tính sơ sơ, nhờ sáng chế mới nên trong 10 tháng đầu năm, xí nghiệp đã tiết kiệm được hơn 1,5 tỷ đồng. Đây là một sáng kiến rất hữu ích và nếu đến địa điểm khai thác mới có điều kiện tương đồng, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục sử dụng hiệu quả sáng chế này” - anh Phan Hoàng Thủy - Phó Giám đốc xí nghiệp phấn khởi chia sẻ.
Không nhận thành tích đó cho riêng mình, anh Trần Đức Ngụ khiêm tốn: “Có được kết quả đó là sự chung sức, đồng lòng của toàn đội, tôi chỉ góp một phần ý kiến nhỏ mà thôi. Tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản làm thế nào để giảm áp lực công việc, sáng chế ra thiết bị vừa bền, vừa hiệu quả, lại giảm chi phí. Vì vậy, từ mỗi con ốc vít nhỏ cho đến một hệ thống thiết bị, hễ làm cái nào chắc cái đó”.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh cho biết: LĐLĐ tỉnh luôn quan tâm phát động phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ công nhân, người lao động. Bởi mỗi sáng kiến xuất phát từ từng cá nhân, song lại góp phần tạo sự liên kết trong từng nhóm sản xuất, tạo không khí thi đua giữa các phân xưởng, nhà máy nên hiệu quả đạt được rất đáng kể, tăng tính chủ động trong công việc hằng ngày của công nhân.
Hưởng ứng Tháng công nhân 2018, LĐLĐ Hà Tĩnh vinh danh 50 công nhân, người lao động tiêu biểu. Đây là những công nhân, người lao động có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng vào quá trình sản xuất, qua đó, góp phần làm lợi cho Nhà nước và doanh nghiệp. |