Còn hơn chục ngày nữa là hết năm, Công ty cổ phần xuất khẩu lao động và dịch vụ, thương mại Biển Đông (Estrala), trụ sở quận Bình Tân, xác định không thể đạt được chỉ tiêu đưa người sang làm việc ở Nhật.
"Phải chấp nhận vì đó là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp", ông Nguyễn Thế Đại, Phó tổng giám đốc Estrala, nói. Theo ông, lâu nay những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có thâm niên, sẽ chọn hợp tác với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ chịu trách nhiệm tạo nguồn, giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp. Điều này giúp giảm chi phí môi giới, gián tiếp hỗ trợ lao động giảm bớt gánh nặng chi phí.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây các trung tâm dịch vụ việc làm khó kiếm được lao động vì bị môi giới, "cò" lấy hết nguồn. Thực trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp mới thành lập, bắt đầu có đơn hàng nên khi cần lao động đã đẩy chi phí giới thiệu người lên rất cao. Môi giới tìm được người sẽ đẩy hết về nhóm này.
"Mình không thể cứ tăng phí môi giới lên để cạnh tranh vì tất cả chi phí này cuối cùng đổ lên vai lao động", ông Đại nói, cho biết doanh nghiệp làm chuẩn chỉnh, thu phí đúng như quy định rất khó kiếm người.
Tương tự, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Quốc Tế Sài Gòn (Saigon Intergco) nói trong khi các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động không tìm được người thì những công ty không có chức năng lại nắm giữ nguồn nhân lực lớn. Nhiều doanh nghiệp về địa phương gặp khó khăn khi tiếp cận lao động bởi họ đã bị các công ty dạng này "gom hết".
"Doanh nghiệp nào cần lao động gấp để kịp các hợp đồng sẽ mua lại từ các công ty này với giá 20-30 triệu đồng mỗi người", bà Cúc nói.
Thực trạng này cũng được Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan thừa nhận. Theo ông, số lượng lao động Việt sang nước ngoài vẫn tăng nhưng khi xét riêng từng doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị lớn, có thâm niên, đầu ngành bị "hụt hơi", số lượng đưa lao động đi có xu hướng giảm so với trước.
Theo ông Hoan, hiện các trung tâm môi giới bất hợp pháp, đơn vị trung gian không có chức năng xuất khẩu lao động vẫn tuyển và hứa hẹn đưa người qua Nhật nhanh chóng, lương cao, nhưng sau đó bán lại cho doanh nghiệp có chức năng. Điều này khiến nhiều lao động mệt mỏi, tốn nhiều chi phí khi bị "sang tay".
Nhật Bản là thị trường lao động truyền thống của Việt Nam nhiều năm qua. Tính đến tháng 6, trong 70.000 người xuất khẩu lao động, Nhật Bản chiếm 58%. Việt Nam đứng đầu trong số 15 nước đưa thực tập sinh, lao động sang Nhật làm việc. Hiện có khoảng 520.000 lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong 10 năm qua. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam làm việc ở Nhật là 1.200-1.500 USD.
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, nhiều nghiệp đoàn Nhật Bản cho biết nhu cầu tuyển dụng ở đất nước họ rất lớn. Họ sang gặp doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Việt Nam để hợp tác, tuyển người, song nhiều đơn hàng không đáp ứng được tiến độ đưa người sang làm việc. Do đó một số doanh nghiệp Nhật chuyển hướng tuyển lao động ở Philippines, Malaysia, Indonesia.
Ông Phạm Việt Vương, giám đốc trung tâm dạy tiếng Nhật cho lao động xuất khẩu, nói rằng không chỉ bị môi giới làm "rối loạn", nguồn nhân lực hiện nay còn chịu nhiều tác động khác và sự khan hiếm còn có yếu tố thời kỳ.
Theo ông Vương, thời gian qua đồng yen giảm giá mạnh nhưng lạm phát lại tăng vài năm qua, chỉ số giá tiêu dùng năm 2022-2023 tăng trên 3%. Ngược lại, tiền lương của lao động đi Nhật như cũ do đất nước này hạn chế mức điều chỉnh lương tối thiểu, nhiều năm liền mức tăng chỉ 1-3%.
Ông Vương cho rằng Việt Nam phát triển khá nhanh. Cách đây chục năm, lao động đi Nhật cầm 15-20 triệu đồng tiền lương quy đổi gửi về nước thấy rất to, "còn giờ đây không đáng kể" bởi chi phí trong nước tăng quá nhanh. Ngày trước người đi ba năm, tích lũy đủ tiền về mua đất, cất nhà nhưng giờ đây "trả góp chung cư còn phải đắn đo".
"Tiền gửi về nước không còn giá trị như trước nhưng chi phí đi lại không giảm nhiều, thậm chí còn tăng", ông Vương nói. Mặc dù phía Nhật lẫn quy định pháp luật Việt Nam đã cắt giảm nhiều khoản phí nhưng doanh nghiệp vẫn không giảm cho lao động mà dành khoản đó cho môi giới để tìm nguồn. Do số tiền bỏ ra ban đầu lớn, lương quy đổi giảm, tiền gửi về không nhiều, lại phải dành cho trả nợ nên lao động không mặn mà, tìm đường đi nước khác.
Tiếp xúc với nhiều lao động, ông Vương cho biết không ít người ban đầu chọn đi Nhật làm việc. Tuy nhiên, sau khi suy tính, họ tìm hướng đi châu Âu vì kỳ vọng có hướng phát triển lâu dài. "Thị trường Nhật đang phải san sẻ lao động cho các nước khác", ông Vương nói.
Ngoài ra, ông Vương cho rằng khan hiếm lao động còn tùy thuộc vào thời gian trong năm, có những tháng nguồn rất dồi dào. Cụ thể, sau khi học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Nhiều người định hướng đi xuất khẩu lao động nên vừa học xong 12 sẽ tìm doanh nghiệp đăng ký ngay. Sau Tết, khi bộ đội xuất ngũ cũng là thời điểm tuyển dễ. Các doanh nghiệp có thể tận dụng những giai đoạn này, phối hợp các địa phương để kiếm người.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Đại cho rằng ngành chức năng cần chấn chỉnh tình trạng các trung tâm môi giới không có chức năng xuất khẩu lao động vẫn "gom" người để dành "bán" lại. Hạn chế được tình trạng này không chỉ giúp người lao động giảm bớt chi phí mà còn góp phần bảo vệ thị trường xuất khẩu truyền thống Nhật Bản. Lúc này doanh nghiệp thu hút lao động bằng lương, đào tạo kỹ năng, ngôn ngữ tốt chứ không phải chi nhiều tiền cho "cò".