Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn và lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan cùng dự.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Luật Trồng trọt mới gồm 7 chương, 85 điều; Luật Chăn nuôi gồm 8 chương, 65 điều. 2 dự thảo luật này tiếp tục được lấy ý kiến góp ý, bổ sung để hoàn thiện, trình kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục căn nuôi & Thú y: Dự thảo Luật Chăn nuôi có nhiều nội dung mới so với Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2014, đặc biệt, đã quy định cụ thể các điều kiện sản xuất, kinh doanh.
Sau khi nghiên cứu các dự thảo Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, đại biểu ngành nông nghiệp cơ bản thống nhất với nội dung các dự thảo luật; đồng thời, bổ sung, góp ý một số nội dung, từ ngữ tại các điều, khoản, điểm nhằm phù hợp với thực tiễn.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật: Tại điều 5 Luật Trồng trọt đề nghị bổ sung làm rõ ý “canh tác trên vùng đất đặc thù”...
Đặc biệt, đối với Luật Chăn nuôi, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 điều (điều 66 - Quản lý nuôi hươu sao). Cụ thể, đề nghị xem hươu sao là đối tượng vật nuôi vì hươu sao đang được quản lý bởi các văn bản dưới luật như chim yến, mật ong. Mặt khác, hươu sao đã được thuần dưỡng, gây nuôi lâu đời (khoảng 300 năm), sinh sản, tạo giống từ chăn nuôi của người dân. Hươu sao là vật nuôi có quần thể lớn nhất, có giá trị kinh tế cao và đã được nuôi phổ biến tại hầu khắp các tỉnh trên cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Đây là 2 luật liên quan sát sườn đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển sản xuất, tái cơ cấu nền nông nghiệp nên cần thảo luận, góp ý kỹ.
Đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh về quy mô chăn nuôi (điều 56), vì trong dự thảo luật quy định quy mô trang trại trên 600 đơn vị vật nuôi (mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng sống). Nếu quy định quy mô như vậy là không phù hợp thực tiễn, cần điều chỉnh giảm thấp hơn.
Đại biểu cũng quan tâm góp ý, làm rõ thêm các điều, khoản, chế tài trong xử lý chất thải ở cơ sở chăn nuôi, an toàn dịch bệnh và một số quy định về điều kiện chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh giống…
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Nguyễn Văn Sơn ghi nhận các ý kiến góp ý. Trên cơ sở đó, đoàn sẽ tổng hợp và có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.