Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Ngọc Sơn: Sau 10 ngày nữa, các địa phương cần “chốt” kết quả thực hiện chi trả để báo cáo UBND tỉnh.
Theo số liệu kê khai tổng hợp ngày 8/1/2016, tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ thiệt hại trên toàn tỉnh dự kiến trên 1.947 tỷ đồng. Đến ngày 30/3/2017, số liệu rà soát, báo cáo lại của Sở NN&PTNT là trên 1.810 tỷ đồng. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã thẩm tra, phê duyệt 34 đợt với số tiền 1.633,1 tỷ đồng cho 59.193 đối tượng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân:“Hiện có 13 đối tượng đã mất nhưng chưa được bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, không có văn bản nào hướng dẫn để thực hiện cho các đối tượng này”
UBND cấp huyện đã chi trả số tiền 1.612,6 tỷ đồng, còn 20,5 tỷ đồng chưa chi trả. Ngoài ra, UBND các huyện đang trình phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nhằm đảm bảo việc bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Trần Hữu Duyệt: Cẩm Xuyên còn tồn đọng 15 đối tượng chưa được UBND tỉnh phê duyệt với số tiền trên 4 tỷ đồng.
Về kết quả bồi thường, hỗ trợ các đối tượng được bổ sung tại văn bản 1826/TTg-NN, UBND các huyện đã tổ chức họp, hướng dẫn các xã, phường thực hiện các văn bản hướng dẫn liên ngành về bồi thường hỗ trợ thiệt hại trên địa bàn Hà Tĩnh. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức phát phiếu cho các đối tượng để kê khai họp tổ thẩm định cấp thôn, xã. Theo kết quả rà soát sơ bộ, toàn tỉnh có gần 1.600 đối tượng thuộc đối tượng bổ sung tại văn bản 1826/TTg-NN.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh: “Việc chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng không có mặt tại địa phương (không phải xuất khẩu lao động) hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc”.
Tại cuộc họp, các đại biểu phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường. Một số đại biểu nêu việc phần đối tượng theo văn bản 1826 vượt ra ngoài số lượng dự kiến ban đầu, đề nghị tỉnh vẫn cho triển khai thực hiện và bồi thường hỗ trợ như các đối tượng khác; cần có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong việc chi trả tiền cho các đối tượng đã chết, không có mặt ở địa phương; đề nghị hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân trực tiếp tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại…
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam: Về hỗ trợ đối tượng bổ sung tại văn bản 1826, Nghi Xuân có 164 đối tượng với tổng kinh phí dự kiến trên 2.8 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đã triển khai phát phiếu kê khai và đánh giá thẩm định cho 124 đối tượng với số kinh phí trên 2,1 tỷ đồng.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành chi trả bồi trường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển. Sau 10 ngày nữa, các địa phương cần “chốt” kết quả thực hiện chi trả để báo cáo UBND tỉnh.
Liên quan đến văn bản 1826, xung quanh giá sứa, cần căn cứ vào hồ sơ và thực hiện áp giá từng loại theo quy định. Với các huyện có đối tượng không nằm trong hồ sơ kiểm kê bồi thường thì cần có hồ sơ pháp lý, hóa đơn chứng từ chứng minh được nguồn gốc của nguồn hàng để tỉnh xem xét giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương có đối tượng không nằm trong hồ sơ kiểm kê bồi thường thì cần có hồ sơ pháp lý, hóa đơn chứng từ chứng minh được nguồn gốc của nguồn hàng để tỉnh xem xét giải quyết. Về giải quyết đơn thư khiếu nại, ở đâu phát sinh đơn thư khiếu nại thì phải trực tiếp đối thoại, trả lời thấu đáo.