Người “trả nợ”... rừng

(Baohatinh.vn) - Người tôi đang nói đến là ông Lê Văn Hòe - dân tộc Lào - Trưởng thôn Phú Lâm, xã Phú Gia (Hương Khê - Hà Tĩnh). Cái “duyên”, cái “nghiệp” gắn ông với rừng như con nai, con sóc... Thời trẻ, ông sống dựa vào rừng. Giờ đây, ở tuổi “tri thiên mệnh”, ông tiên phong trong việc bảo vệ rừng với tâm thế của người... “trả nợ” rừng.

nguoi tra no rung

Ông Lê Văn Hòe tại vườn cây của mình.

Trong cái nóng tháng 7, chúng tôi được cán bộ Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Sông Tiêm dẫn vào trang trại của ông Lê Văn Hòe, nằm sâu giữa những cánh rừng rậm rạp. Nhìn trại bề thế bạc tỷ này, hẳn ít ai biết được chủ nhân của nó một thời là... “lâm tặc”.

Sau giây phút hàn huyên chuyện đời, chuyện nghề..., ông Hòe trải lòng về một thời gian truân, “lầm lỗi”. Bao nhiêu cây rừng bị đốn..., ông không còn nhớ. Chỉ còn cái đói, cái nghèo vẫn luôn vây bủa, níu lấy ông cùng gia đình.

Chiêu thêm ngụm nước chè, ông Hòe theo mạch chuyện: Có sức khỏe lại thông thạo từng đường ngang, đường tắt trên mỗi cánh rừng, ông luôn được các đầu nậu “tin tưởng” thuê vào rừng kéo gỗ. Công việc vất vả, nguy hiểm thế nhưng cũng chỉ đổi được vài ba tiếng khà, hơi men. Rồi cái điều ông lo đã đến. Trong một lần truy quét của lực lượng chức năng, ông bị bắt và được các anh trong BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm giải thích về việc làm sai trái của mình.

Và tôi biết vì sao mình lại có mặt ở đây, giữa trang trại nằm sâu trong cánh rừng già này để được nghe ông Hòe kể câu chuyện được các anh trong BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm “giác ngộ” về lợi ích, trách nhiệm của công tác bảo vệ rừng đối với cộng đồng. Một sự thay đổi mới nhưng đủ lớn, đủ để ông hiểu và quyết tâm cùng người dân trên địa bàn ngày đêm tích cực bảo vệ rừng.

“Sau lần được “giác ngộ” ấy, ông đã trở thành một con người khác hẳn. Ông không ngần ngại hôm sớm, đường xa đi vận động bà con trong bản kiên quyết không nghe theo lời xúi giục, dụ dỗ của bọn lâm tặc vào rừng chặt gỗ trái phép. Nhiều người lúc đầu còn nghi ngại ông nhưng bằng những việc làm cụ thể, tích cực đối với nhiệm vụ bảo vệ rừng, người dân trên địa bàn đã tin ông, ủng hộ ông. Sự hăng hái, nhiệt tình, quyết một lòng “trả nợ” rừng xanh của ông Hòe đã được chính quyền tin tưởng. Xã giao cho ông giữ chức trưởng bản và được mời tham gia vào đội tuần tra quản lý, bảo vệ rừng của BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm” - Phó trưởng BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm - Nguyễn Văn Tài nói.

Như cởi bỏ được những lúng túng ban đầu, ông Hòe kể: “Hồi nớ, dân ở đây ai cũng nghèo và đông con, cuộc sống hoàn toàn dựa vào rừng, cứ nghĩ rừng là của tự nhiên, không ai lo giữ nên mạnh ai nấy chặt, kéo. Rừng xanh vì đó mà trơ trụi trong thời gian dài. Sau này, được tập huấn về REDD+, rừng và biến đổi khí hậu nên cách nghĩ của người dân tích cực hơn. Giờ công tác vận động bà con bảo vệ rừng dễ hơn trước nhiều. Nhờ chính sách giao khoán rừng và phát triển sinh kế cho các hộ nên mọi người hăng hái và phấn khởi lắm”.

Ông Hòe cho biết, Chương trình UN-REDD đã hỗ trợ trang trại ông 300 cây bưởi giống, tham gia khoán bảo vệ 239 ha rừng (theo thí điểm gắn với chia sẻ lợi ích SiRAP/BDS với BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm). Bên cạnh đó, ông còn nuôi thêm 24 con bò, 16 con trâu và 20 con lợn rừng F1. Thu nhập hằng năm từ rừng và trang trại khoảng 120 triệu đồng. Do được bảo vệ tốt nên khu rừng của ông nhận chăm sóc dần quay về với nguyên trạng là một khu rừng tái sinh khá đẹp.

Chia tay chúng tôi, ông Hòe nói: “Tôi sẽ đem sức lực và tâm huyết để bảo vệ cánh rừng này. Bây giờ, mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu từ rừng để sống. Tôi có được như hôm nay là nhờ biết bảo vệ rừng. Tôi sẽ cùng mọi người ở đây quyết tâm bảo vệ rừng để con cháu chúng ta có thu nhập ổn định, học hành tử tế”.

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.