Các thành viên lực lượng dân quân Amhara ở Tigray, miền Bắc Ethiopia trong ảnh chụp ngày 9/11/2020. (Ảnh: Reuters)
Cuộc xung đột giữa chính phủ Ethiopia và nhóm phiến quân mang tên Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray đã kéo dài hơn 10 ngày qua ở khu vực Tigray, miền Bắc Ethiopia, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Trong một động thái làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở vùng Sừng châu Phi, TPLF đã bắn một số rocket từ vùng Tigray của Ethiopia sang thủ đô Asmara của nước láng giềng Eritrea đêm 14/11.
Thủ lĩnh TPLF Debretsion Gebremichael cáo buộc Eritrea điều xe tăng và hàng nghìn binh lính vào khu vực Tigray để hỗ trợ cho cuộc tấn công của chính phủ Ethiopia. TPLF cũng cho rằng các lực lượng vũ trang Ethiopia sử dụng sân bay Asmara để tiến hành các vụ tấn công vào Tigray.
“Khi lực lượng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) bị đánh bại ở Alamata, họ đã bỏ chạy cùng với khoảng 10.000 tù nhân” lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Ethiopia cho biết trong một thông báo được đăng tải trên Twitter vào tối muộn ngày 15/11.
Reuters cho hay, do khả năng tiếp cận trực tiếp đến Alamata đang bị hạn chế, cộng thêm việc hầu hết các liên lạc ở khu vực Tigray đều bị gián đoạn, hãng tin này không thể xác minh độc lập tuyên bố của lực lượng chính phủ Ethiopia.
Về phía TPLF, lực lượng này chưa đưa ra bình luận gì liên quan đến tình hình thị trấn Alamata.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhà nước Eritrea Osman Saleh Mohammed cho biết Eritrea không tham gia vào cuộc xung đột ở Tigray.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề châu Phi Tibor Nagy thì lên án các cuộc tấn công của TPLF nhằm vào Eritrea, cho rằng lực lượng này tìm cách quốc tế hóa cuộc xung đột ở Tigray.
Trước đó, ngày 4/11, Chính phủ Ethiopia đã tiến hành một chiến dịch quân sự ở vùng Tigray nhằm vào lực lượng TPLF sau khi cáo buộc TPLF tiến hành vụ tấn công nhằm vào doanh trại quân đội liên bang tại Tigray khiến nhiều binh sĩ thương vong và gây thiệt hại lớn về tài sản.
Chính phủ cũng áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ ngày 4/11 tại Tigray. Trong khi đó, TPLF khẳng định không tiến hành vụ tấn công trên.
Trong một thông báo ra ngày 15/11, Liên Hợp Quốc cho biết bạo lực đã khiến ít nhất 20.000 người dân Ethiopia phải rời bỏ nhà cửa và chạy sang nước láng giềng Sudan.