105 hồ nuôi tôm ở xã Thạch Bàn bị bỏ hoang

Về Thạch Bàn (Thạch Hà – Hà tĩnh) hôm nay không ai khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh đối nghịch giữa một bên người nông dân vẫn bán mặt trên đồng muối vì mưu sinh và cách đó không xa là đồng tôm 30ha, từng là kì vọng “đổi đời” của họ lại hoang hoá không một bóng người.

Ông Nguyễn Văn Tổng, xóm 1, xã Thạch Bàn đứng bên hồ tôm đã cạn nước và nhiều đoạn bờ bị sạt lở của mình.
Ông Nguyễn Văn Tổng, xóm 1, xã Thạch Bàn đứng bên hồ tôm đã cạn nước và nhiều đoạn bờ bị sạt lở của mình.

Chỉ làm một phép tính đơn giản cũng biết giá 1kg tôm sẽ gấp hàng chục lần 1kg muối. Dự án nuôi tôm xoá đói giảm nghèo với vốn đầu tư trên 8 tỉ đồng đã thất bại. Vấn đề đặt ra là hướng giải quyết của chính quyền địa phương đến nay vẫn còn bỏ ngõ…

Khơi dậy tiềm năng….

Dự án “Hỗ trợ và phát triển thuỷ sản biển và nước lợ dựa vào cộng đồng” (gọi tắt tên tiếng anh là SUMA) do Tổ chức phi chính phủ Đan Mạch tài trợ được xây dựng tại xã Thạch Bàn từ năm 2000 và hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu 2006 với tổng số vốn đầu tư trên 8 tỉ đồng. Đây là dự án hỗ trợ kinh tế giúp người dân xoá đói giảm nghèo và phát huy nguồn lực NTTS của địa phương.

Dự án bao gồm các hạng mục như: quy hoạch; tập huấn kĩ thuật NTTS cho bà con nông dân và xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm: 105 hồ nuôi tôm có tổng diện tích 30 ha (trung bình 3.300m2/ hồ) được quy hoạch theo 2 khu; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống hồ chứa nước sạch trước khi đưa vào sử dụng và hồ nước thải qua xử lý.

Mỗi hộ dân nuôi tôm được vay 5 triệu đồng vốn dự án qua Hội LHPN xã. Cuối năm 2005, 105 đối tượng thuộc diện hộ nghèo của xã được trao quyền sử dụng hồ nuôi tôm trong vòng 20 năm.

Năm (2007- 2008), dự án chuyển sang giai đoạn hai, đầu tư hỗ trợ về kĩ thuật (gọi tắt là SUDA). Hàng trăm triệu đồng đầu tư cho việc cung cấp tài liệu về NTTS, mở lớp tập huấn, tố chức tham quan cho người nuôi tôm nhưng xem ra cũng không mang lại hiệu quả.

Thu về trái đắng…

Vụ thu hoạch tôm đầu tiên năm 2006, trong tổng số 105 gia đình được nhận hồ nuôi thì có khoảng 60% coi là không bị lỗ, nhà nhiều thì được trên 2 tạ, nhà ít cũng được trên 1 tạ.

Con kênh dẫn nước vào vùng dự án chứa đầy rác thải gây ô nhiễm đồng tôm
Con kênh dẫn nước vào vùng dự án chứa đầy rác thải

gây ô nhiễm đồng tôm

Nhà thua lỗ thì chán nản, kẻ thắng lợi lại thiếu kế hoạch trong chi tiêu dẫn đến khi kề cận với vụ tôm tiếp theo chẳng còn cắc bạc nào để mua con giống.

Nhiều gia đình sẵn sàng cho người khác mượn hồ nuôi tôm của mình – thứ tài sản mà trước đó không lâu họ vẫn coi như “phao cứu sinh” cho sự thoát nghèo của gia đình.

Bước sang vụ tôm năm 2007, tuy số hộ nuôi tôm trong dự án chỉ còn lại 37 gia đình nhưng diện tích nuôi trồng vẫn được phủ kín. Không khí nuôi tôm lại trở nên khá rầm rộ, người nuôi tôm động viên nhau tiếp tục “bám” hồ.

Bao nhiêu kì vọng cùng công sức đổ ra mong đến ngày gặt hái kết quả. Nhưng vận may lại không đến với những người nuôi tôm ở xã Thạch Bàn khi tỉ lệ thành công tỉ lệ nghịch với sự cố gắng.

Ông Trương Thành, xóm 5, kể lại: “Mùa tôm năm 2007, tôi thả 1 vạn giống tôm sú, chưa mong lãi lớn nhưng gia đình hi vọng bù lỗ được mùa tôm 2006. Đến kì thu hoạch, tôm chết trắng hồ không rõ nguyên nhân mặc dù quá trình nuôi, tôm phát triển rất tốt”.

Ông Nguyễn Văn Tổng cũng phân trần: “Vụ tôm Xuân Hè 2006, tôi thả 1,5 vạn giống tôm sú, thu hoạch về hơn 1 tạ. Sang mùa tôm năm 2007, tôi hầu như bị mất trắng”.

Bước sang năm 2009, toàn bộ cánh đồng tôm 30 ha của xã Thạch Bàn chỉ còn sót lại vài người muốn thử sức nhưng quy mô của đồng tôm không cho phép nuôi nhỏ lẻ vì quy trình vận hành của hệ thống cấp và thoát nước không thể đảm bảo. Đứng bên đồng tôm hoang hoá của mình, ông Tổng xót xa: “Năm nay nhiều nơi được mùa tôm, thế mà chúng tôi có hồ thì không nuôi được”. Trước mắt chúng tôi, cánh đồng tôm xã Thạch Bàn mênh mông không một bóng người, chỉ còn lại mấy lều tranh leo lắt, xập xệ dưới nắng chiều thiêu đốt.

Mùa tôm 2008, cứ ngỡ có sự tiếp sức 50% tiền vốn để đầu tư con giống từ huyện, người nuôi tôm sẽ có cơ hội vực lại được những gì đã mất, nhưng một lần nữa người nuôi tôm Thạch Bàn lại “bội thu” xác tôm vì dịch đốm trắng. Dự án nuôi tôm tiếp tục leo lắt, người được thì ít, người mất thì nhiều.

Người nông dân nghèo càng nghèo vì thua lỗ, không còn nguồn kinh phí để “đánh bạc” với kì vọng “đổi đời”.

Đi tìm nguyên nhân…

Khi dự án tiến hành nuôi thử nghiệm trước khi trao cho người dân ở 4 ao trong vòng 2 năm (2001- 2002), sản lượng tôm đạt 4tấn/ ha đối với nuôi thâm canh và 1tấn/ ha đối với nuôi quảng canh. Vậy, căn nguyên của thất bại phải chăng “cần câu” mà người nông dân Thach Bàn được trang bị không đủ sức để kéo được “con cá” dưới ao sâu?

Theo ông Nguyễn Văn Lượng - Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn, nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả trên trước hết là do người dân thiếu ý thức trách nhiệm và thụ động. Người dân Thạch Bàn quen kiếm sống bằng nhiều nghề nay tập trung duy nhất cho việc nuôi một loại con thực sự không đơn giản. Đó là chưa kể một số gia đình còn sử dụng sai mục đích số vốn 5 triệu đồng được hỗ trợ ban đầu.

Còn đại diện cho người nông dân, ông Nguyễn Công Hạ, nguyên là Hội trưởng Hội NTTS xã lại cho hay, ngoài ý thức của người dân, chính quyền xã cũng phải gánh một phần trách nhiệm, không xử lý nghiêm các hành vi vi phạm môi trường, gây ô nhiễm đồng tôm và chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc phối hợp cùng Hội NTTS xã tìm con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Ông Hoàng Xuân Kiên, nguyên là cán bộ kĩ thuật hợp đồng với dự án SUMA tại Hà Tĩnh, cho biết: “Xét về địa chất, chỉ có khu A (gồm 63 hồ) với chất đáy sét cát, giữ được nước nên tiến hành nuôi tôm rất tốt, còn khu B (46 hồ còn lại) chủ yếu là chất cát bùn, nước trong hồ thấm qua bờ thoát ra ngoài làm ảnh hưởng xấu đến quá trình nuôi. Quá trình thi công hệ thống hồ nuôi tôm, cốt đáy của cống thoát nước cao hơn cốt đáy của hồ nuôi nên lúc xả để làm vệ sinh hồ, nước không thoát ra hết làm cho tôm dễ mắc bệnh”.

Huyện Thạch Hà đang có chủ trương thu hồi một số hồ nuôi tôm không có hiệu quả cấp lại cho những gia đình có khả năng NTTS nhằm cứu vãn tình thế. Tuy nhiên, đó mới chỉ là dự tính vì thời gian để hồ nuôi tôm bị thu hồi còn chưa đủ!

Người dân Thạch Bàn đang thống thiết trông mong hướng giải quyết của chính quyền để họ có thể tiếp tục phát triển nghề NTTS trên diện tích mà họ được giao quyền sử dụng.

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.
Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.