Ngày 23/6, tại TP Hà Tĩnh, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin về kết quả dự án SIPA Hà Tĩnh. |
Đây là hội nghị nhằm chia sẻ kết quả và kinh nghiệm của dự án cũng như thảo luận về các cơ hội nhân rộng trong thời gian tới. Tham gia hội nghị có hơn 70 đại biểu đến từ Bộ NN&PTNT, đại diện các dự án GIZ tỉnh Đắk Lắk, Quảng Bình; các tổ chức quốc tế, các đối tác thực hiện dự án và đại diện người dân tỉnh Hà Tĩnh.
TS. Nguyễn Quang Tân - Điều phối viên Quốc gia của ICRAF Việt Nam giới thiệu thông tin chung, bối cảnh của dự án; chia sẻ các kết quả và hoạt động lồng ghép, nhân rộng tại Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, đại diện ICRAF đã giới thiệu thông tin chung, bối cảnh của dự án; chia sẻ các kết quả và hoạt động lồng ghép, nhân rộng tại Hà Tĩnh.
Theo đó, dự án SIPA Hà Tĩnh được Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu - Liên bang Đức tài trợ trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế và đã được Bộ TN&MT Việt Nam phê duyệt vào ngày 3/9/2019.
Hà Tĩnh được chọn là tỉnh thí điểm thực hiện dự án thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) thông qua các giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) và quản lý rủi ro khí hậu cho các hộ nghèo ở các huyện dễ bị tổn thương. Các hoạt động ở Hà Tĩnh do ICRAF tại Việt Nam và các đối tác tại địa phương thực hiện.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) Nguyễn Hữu Ngọc tham luận về tính thích ứng và các kết quả triển khai mô hình thích ứng thời tiết cực đoan tại Hà Tĩnh.
Dự án đã triển khai từ năm 2020 đến tháng 6/2022 tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Can Lộc và Vũ Quang.
Dự án có 5 mô hình nông - lâm kết hợp đã được triển khai gồm: Phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp; nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn rừng và rừng trồng; trồng hành tăm thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng hữu cơ; nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ; trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi. Đến nay, dự án có hơn 3.560 hộ gia đình với hơn 14.000 người tham gia.
Thông qua việc triển khai các mô hình, các hộ dân đã cải thiện khả năng thích ứng và sinh kế. Thu nhập của mô hình sau khi tham gia dự án tăng gấp 2-5 lần so với mô hình trước khi tham gia dự án.
Đại diện Hội Nông dân Hà Tĩnh tham luận chuyên đề lồng ghép và nhân rộng CSA thông qua chương trình, kế hoạch và chính sách của tỉnh.
Dự án cũng góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới, cải tạo vườn tạp; thực hiện “đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2022 - 2025”, chương trình “kết nối tiêu thụ sản phẩm”, chương trình “chuyển đổi số trong nông nghiệp” tại Hà Tĩnh… Được biết, thời gian tới, các hoạt động của dự án sẽ tiếp tục được các đơn vị đối tác triển khai với mục tiêu nhân rộng mô hình tới hơn 17.000 nông hộ.
Hội nghị cũng được nghe một số tham luận về các nội dung như: Thời tiết cực đoan và mô hình thích ứng triển khai tại Hà Tĩnh (tính thích ứng và các kết quả triển khai); dịch vụ khí hậu trong nông nghiệp (ACIS) và mối liên hệ giữa ACIS và CSA; lồng ghép và nhân rộng CSA thông qua chương trình, kế hoạch và chính sách của tỉnh; khoảng trống về việc thu thập dữ liệu về tổn thất, thiệt hại tại Hà Tĩnh và đề xuất chính sách phù hợp.
Một số sản phẩm của các mô hình nông - lâm kết hợp đã được triển khai tại Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về nhu cầu, cơ hội và xác định các yếu tố cần thiết để nhân rộng các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp thông minh với khí hậu; chính sách và dự án của các bên liên quan; giải pháp để CSA/EbA tiếp tục được thực hiện tại các địa phương…
Ngày 24/6, các đại biểu sẽ tiếp tục đi thăm quan các mô hình của dự án tại huyện Can Lộc và huyện Hương Sơn.