7 bang chiến trường định đoạt bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin là 7 bang chiến trường sẽ quyết định ứng viên chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Cử tri tại 50 bang và thủ đô Washington của Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 5/11. Nhưng theo giới chuyên gia, kết quả bỏ phiếu tại nhóm nhỏ bang chiến trường mới mang tính quyết định cục diện bầu cử, bởi các bang khác đều có truyền thống nghiêng về đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa trong nhiều năm qua.

Bang chiến trường là thuật ngữ được dùng để chỉ những bang có phiếu đại cử tri lớn và không ứng viên đảng nào giành lợi thế rõ ràng trong các cuộc bầu cử. Năm nay, con đường vào Nhà Trắng của hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris sẽ phụ thuộc vào kết quả tại 7 bang chiến trường, gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.

7 bang chiến trường trong bầu cử Mỹ năm 2024. Đồ họa: Axios

Arizona, bang ở tây nam Mỹ với gần 7,4 triệu dân,nắm 11 phiếu đại cử tri. Từ năm 1952, Arizona liên tục bầu cho ứng viên Cộng hòa, trước khi bỏ phiếu cho Bill Clinton, ứng viên đảng Dân chủ, năm 1996.

Bang này sau đó lại quay sang ủng hộ ứng viên Cộng hòa, nhưng không còn nhiệt thành như trước. Vào năm 2016, Donald Trump thắng ở bang này với cách biệt 3,6 điểm phần trăm. Đến năm 2020, cử tri Arizona lại "chuyển phe", giúp Joe Biden đánh bại Trump với chênh lệch 0,3 điểm phần trăm, tương ứng khoảng 10.000 phiếu.

Điều này khiến Arizona trở thành bang chiến trường quan trọng trong bầu cử năm nay, nơi bà Harris tìm cách lập lại thành thích của ông Biden, còn ông Trump muốn khôi phục "thành trì đỏ" ở đây.

Vấn đề được cử tri Arizona quan tâm năm nay là quyền phá thai.

Tòa án tối cao bang hồi tháng 4 phán quyết duy trì luật năm 1864, cấm mọi hành vi phá thai "ngoại trừ trường hợp để cứu tính mạng người mẹ". Một tháng sau, luật này bị nghị viện bang bác bỏ, động thái được các nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ hoan nghênh.

Ngày 5/11, cử tri Arizona còn bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp bang, đảm bảo quyền phá thai đến khi thai nhi 24 tuần tuổi. Nhập cư cũng là vấn đề quan trọng tại bang có biên giới chung 600 km với Mexico.

Khoảng 1/4 cử tri Arizona là người gốc Latin. Năm 2020, cứ 4 người thuộc nhóm nhân khẩu học này thì ba người bỏ phiếu cho ông Biden. Tuy nhiên, khảo sát gần đây cho thấy sự ủng hộ của cử tri gốc Latin dành cho bà Harris thấp hơn ông Biden 4 năm trước.

Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần công kích bà Harris về vấn đề nhập cư, do Phó tổng thống Mỹ được giao nhiệm vụ ứng phó khủng hoảng ở biên giới. Cựu tổng thống còn tuyên bố sẽ thực hiện "đợt trục xuất lớn nhất" lịch sử Mỹ nếu ông đắc cử nhiệm kỳ hai.

Georgia, bang có dân số 11 triệu người vànắm 16 phiếu đại cử tri, cũng là nơi cạnh tranh gay gắt giữa Harris và Trump.

Trump từng thắng ở Georgia với cách biệt 211.000 phiếu so với đối thủ Hillary Clinton năm 2016. Nhưng đến năm 2020, ông Biden thắng ở Georgia với chênh lệch 0,2 điểm phần trăm, tương đương khoảng 13.000 phiếu, và là ứng viên Dân chủ đầu tiên làm được điều đó ở bang này kể từ năm 1992.

Trump phẫn nộ trước kết quả và được cho là tìm cách can thiệp vào kết quả kiểm phiếu của bang để lật kèo bầu cử. Nỗ lực này khiến cựu tổng thống cùng 18 người khác bị truy tố ở Georgia. Ông Trump ban đầu đối mặt 13 cáo buộc, nhưng tòa án đã loại bớt 5, và dự kiến mở phiên tranh tụng vào tháng 12.

Ông Trump đang dẫn trước bà Harris với khoảng cách sít sao ở Georgia, nhưng Phó tổng thống lại nhận sự ủng hộ từ hơn 75% cử tri da màu. Khoảng 1/3 cử tri Georgia là người Mỹ gốc Phi và cấu trúc nhân khẩu học này được cho là chìa khóa giúp ông Biden thắng năm 2020.

Michigan, với dân số 10 triệu người và có 15 phiếu đại cử tri, từng chỉ bầu cho ứng viên Cộng hòa từ năm 1972 đến 1988, trước khi trở thành một phần trong "bức tường xanh" ủng hộ ứng viên Dân chủ trong 6 kỳ bầu cử liên tiếp giai đoạn 1992-2012.

Năm 2016, Trump đã "đổi màu" Michigan, đánh bại bà Clinton với 0,2 phần trăm số phiếu, mức chênh lệch sít sao nhất trong bầu cử năm đó. 4 năm sau, Michigan lại "ngả xanh", khi bầu cho ông Biden.

Tầng lớp lao động là nhóm cử tri then chốt tại Michigan, vốn nổi tiếng về ngành sản xuất ôtô. Michigan còn là bang có tỷ lệ người Mỹ gốc Arab cao nhất. Trong mùa bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hồi đầu năm, khi ông Biden chưa bỏ cuộc, hàng loạt cử tri đã bỏ phiếu "không cam kết" thay vì chọn một ứng viên cụ thể của đảng này, nhằm cảnh báo về sự ủng hộ mà Mỹ dành cho Israel.

Bà Harris đang có lập trường cứng rắn hơn so với ông Biden về Israel, trong khi ông Trump kêu gọi Tel Aviv nhanh chóng kết thúc chiến sự ở Gaza.

Các ứng viên tổng thống Dân chủ và Cộng hòa đều đã đến vận động tranh cử ở Michigan nhiều lần trong năm nay, cho thấy hai bên đều coi bang là chìa khóa dẫn tới chiến thắng.

Bà Kamala Harris phát biểu tại thành phố Flint, bang Michigan ngày 4/10. Ảnh: AP
Bà Kamala Harris phát biểu tại thành phố Flint, bang Michigan ngày 4/10. Ảnh: AP

Nevada,với 3,2 triệu dân và 6 phiếu đại cử tri, được coi là bang dao động hàng đầu trong các bang dao động. Kết quả 5 trên 8 cuộc bầu cử tổng thống gần nhất ở bang này đều có chênh lệch rất sít sao.

Phe Cộng hòa từng thống trị bang này từ thập niên 1960 đến 1980, nhưng dòng người di cư từ các bang khác đến đã dần biến Nevada thành bang chiến trường. Năm 2016, bà Hillary Clinton thắng ông Trump ở Nevada với tỷ lệ phiếu 47,9%-45,5%. Năm đó, cùng với năm 1976, là hai lần hiếm hoi cử tri Nevada bầu cho ứng viên không trở thành tổng thống.

Năm 2020, ông Biden thắng ông Trump với cách biệt 2,5 điểm phần trăm. Ông Trump đầu năm nay dẫn trước ông Biden đáng kể trong các thăm dò tại Nevada. Sau khi ông Biden nhường cơ hội tranh cử cho cấp phó, bà Harris đã giúp cải thiện vị thế của đảng Dân chủ và đang bám sát ông Trump tại Nevada.

Kinh tế là vấn đề được cử tri Nevada quan tâm hàng đầu. Bang này đang có tỷ lệ thất nghiệp 5,4%, cao nhất Mỹ.

Nevada còn nằm trong số những bang có nhân khẩu học đa dạng, yếu tố có thể mang lại lợi thế cho đảng Dân chủ. 40% cử tri Nevada là người gốc Latin, da màu hoặc gốc Á, đều là các nhóm ủng hộ bà Harris nhiều hơn ông Trump.

Bắc Carolina, với dân số 10,8 triệu người và năm 16 phiếu đại cử tri, từng chỉ bầu cho ứng viên đảng Dân chủ trước năm 1964. Từ năm 1968, bang này lại "ngả đỏ", gần như chỉ ủng hộ ứng viên Cộng hòa.

Năm 2008, Barack Obama đổi màu Bắc Carolina, khi đánh bại ứng viên Cộng hòa John McCaine ở đây với chênh lệch 0,3 điểm phần trăm, tương đương 14.000 phiếu, nhưng đến năm 2012 lại để thua Mitt Romney với khoảng cách 2 điểm phần trăm.

Bắc Carolina bầu cho Trump với chênh lệch 3,6 điểm phần trăm so với bà Clinton năm 2016 và 1,3 điểm phần trăm so với ông Biden năm 2020.

Kết quả thăm dò gần đây cho thấy các chỉ số giữa bà Harris và ông Trump ở bang này đang ngang ngửa.

Cục diện bang này càng khó đoán khi có đến 36% cử tri không nghiêng về đảng nào. Tỷ lệ này cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và Cộng hòa lần lượt là khoảng 33% và 30%.

Bà Harris đã thăm Bắc Carolina ít nhất 10 lần trong năm nay, bao gồm đến khu vực chịu thiệt hại do bão Helene gây ra. Đảng Dân chủ kỳ vọng tỷ lệ tham gia bỏ phiếu cao trong nhóm cử tri da màu, chiếm 20% dân số, có thể giúp bang "ngả xanh" như hồi năm 2008.

Ông Trump thăm Bắc Carolina 5 lần năm nay, tổ chức sự kiện vận động ở ba thành phố Charlotte, Asheville và Asheboro trong mùa hè.

Với 19 phiếu đại cử tri và dân số 13 triệu người, Pennsylvania được coi là bang chiến trường "đáng giá nhất" mà hai ứng viên đều muốn thắng. Trước năm 2016, bang này "ngả xanh" khá rõ khi bầu cho ứng viên Dân chủ trong 6 kỳ bầu cử liên tục.

Nhưng đến 2016, thông điệp dân túy của ông Trump đã thu hút được sự ủng hộ của cử tri Pennsylvania, giúp ông thắng ở bang này với chênh lệch 0,7 điểm phần trăm. Năm 2020, Pennsylvania lại đổi màu, khi ông Biden thắng với chênh lệch 1,2 điểm phần trăm.

Năm nay, cả hai ứng viên đều coi Pennsylvania là bang "phải thắng". Bà Harris có thể hưởng lợi từ khoảng cách giới tính ở bang Pennsylvania, và đang dẫn trước ông Trump 20 điểm phần trăm trong nhóm cử tri nữ.

Ba vấn đề được cử tri Pennsylvania quan tâm nhất là kinh tế, nhập cư và quyền phá thai.

Wisconsin, với 5,9 triệu dân và 10 phiếu đại cử tri, từng được coi là "thành trì" của đảng Dân chủ từ năm 1988 đến 2012. Bang này đổi màu năm 2016, khi bầu cho Trump với chênh lệch 0,7 điểm phần trăm. 4 năm sau, Wisconsin tiếp tục đổi màu, khi Biden thắng với cách biệt cũng 0,7 điểm phần trăm.

Sau thất bại năm 2020, đảng Cộng hòa coi Wisconsin là một ưu tiên trong chiến dịch tranh cử năm nay. Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa hồi tháng 7 được tổ chức ở thành phố Milwaukee ở bang này và ông Trump cũng từng nói "nếu thắng Wisconsin, chúng ta sẽ thắng cả cuộc bầu cử".

Bà Harris dường như chung nhận định với cựu tổng thống. "Con đường vào Nhà Trắng sẽ đi qua Wisconsin", bà nói tại một sự kiện vận động hồi tháng 7.

Ông Donald Trump nhún nhảy tại sự kiện vận động ở Reading, bang Pennsylvania ngày 9/10. Ảnh: AP
Ông Donald Trump nhún nhảy tại sự kiện vận động ở Reading, bang Pennsylvania ngày 9/10. Ảnh: AP

Ngoài 7 bang chiến trường quan trọng nhất, giới quan sát cho rằng Florida và Texas là hai bang "đỏ" có thể đổi màu trong bầu cử năm nay, dù khả năng này không cao.

Florida từng chuyển xanh hai lần vào năm 2008 và 2012, ủng hộ ông Obama. Trong 8 cuộc bầu cử gần nhất, phe Cộng hòa thắng bang này với chênh lệch không quá lớn. Tuy nhiên, hầu hết thăm dò cho thấy ông Trump vẫn đang dẫn trước bà Harris tại Florida.

Texas chưa từng bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ kể từ năm 1976, nhưng năm nay là lần đầu tiên giới thăm dò nói có thể xảy ra kịch bản bang miền nam này chuyển xanh.

Ông Biden thua Trump ở Texas năm 2020 với chênh lệch 5 điểm phần trăm, kết quả tốt nhất của một ứng viên Dân chủ trong hơn hai thập kỷ.

Các yếu tố như dân số gốc Latin tăng hay nỗi lo ngại về quan điểm ngày càng cực đoan của ứng viên Cộng hòa được coi là đòn bẩy có thể khiến Texas chuyển từ đỏ sang xanh. Nếu kịch bản này xảy ra, đó sẽ là đòn giáng mạnh vào ông Trump, bởi Texas là bang đông dân thứ hai Mỹ, với 30 triệu người và nắm 40 phiếu đại cử tri.

vnexpress.net

Đọc thêm

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.