8/3, ở Tây và ở Ta

Mỗi 8/3, cô bạn tôi ở Rome lại được chồng tặng một cành hoa mimosa. Tháng Ba, hoa mimosa nở vàng trên nhiều con phố và công viên của thủ đô Italy. Nhưng cô bảo rằng, người ta thường tặng phụ nữ loại hoa ấy không phải để chúc mừng hay tôn vinh họ nhân ngày được gọi ngày Phụ nữ quốc tế ấy, mà như một hành động để cám ơn về những gì họ đã làm cho xã hội, và bày tỏ sự ủng hộ đối với các hoạt động nữ quyền.

Cô bảo, phụ nữ Phương Tây đã đổi đời trong thế kỉ 20. Từ những phong trào đòi cải thiện vị trí của họ trong xã hội, cải thiện điều kiện sống và làm việc mà người phụ nữ không còn bị coi là thứ yếu trong xã hội. Họ đấu tranh nhiều năm để cuối cùng có quyền bỏ phiếu. Chuyện phá thai cũng không còn được coi là một đề tài cấm kị trong những xã hội mà Công giáo ràng buộc con người về mặt đạo đức giáo lí, việc li dị được tạo điều kiện hơn để giải phóng họ khỏi các cuộc hôn nhân không hạnh phúc. “Nhưng cuộc đấu tranh ấy chưa thể kết thúc”, cô kết luận.

Hôm nay, phụ nữ ở hơn 40 nước trên thế giới sẽ xuống đường trong một cuộc tuần hành mang tính toàn cầu nhằm đấu tranh vì nhân phẩm của phụ nữ, chống lại bất công giáng vào họ trong lương bổng, chống lại bạo lực mà đàn ông giáng lên họ như một sự áp đặt về sức mạnh thể xác và địa vị xã hội. Những cuộc đấu tranh ấy nhằm chống lại việc phân biệt đối xử trên cơ sở về giới.

8 3 o tay va o ta

Hoa mimosa. Ảnh: Internet

Những khái niệm đó cũng như việc xuống đường đòi những quyền rất con người ấy ở ta có lẽ còn quá xa vời, khi những định kiến cũ kĩ đối với phụ nữ vẫn còn rất nặng nề, khi sự phân biệt về giới còn tồn tại một cách dai dẳng trong mọi mặt của đời sống, từ những việc nhỏ nhất đã ăn sâu bén rễ trong tư duy Việt. Nhiều gia đình vẫn mong có con trai để nối dõi và chê bai con gái là “vịt giời”, chê ai sinh con gái là “không biết đẻ”.

Ở nhiều nơi, chuyện sắp mâm cỗ với phụ nữ và trẻ con ngồi riêng và đàn ông tụ thành nhóm khác là rất phổ biến. Những bà mẹ cổ điển và đàn ông gia trưởng vẫn dạy con trai lớn lên là phải hướng đến tiền tài, công danh và sự nghiệp, còn việc nhà là của phụ nữ, vẫn dạy con gái phải đảm đang để sau phục vụ chồng và nhà chồng. Người ta cũng không dạy con trai phải thấu hiểu và chia sẻ với phụ nữ, từ những việc nhỏ nhất. Người ta vẫn nhăm nhăm giục các cô gái vừa lớn lên chuyện lấy chồng và cho những người phụ nữ học cao lên hoặc ngày càng tiến thân trên con đường sự nghiệp là "có vấn đề". Người ta sợ và ngại phụ nữ thông minh.

Sự tôn vinh chỉ có thể có ý nghĩa khi người ta thực sự tôn trọng người phụ nữ, thay vì tròng lên cổ họ đủ mọi thứ chức phận gia đình và xã hội, như một sự ràng buộc nặng nề về trách nhiệm.

Mọi chuyện chỉ có thể thay đổi từ những việc rất nhỏ, khi người đàn ông làm việc nhà không phải là để "giúp vợ", mà là thực hiện trách nhiệm của mình với gia đình, khi người phụ nữ không tự khóa đời mình vào bốn bức tường của căn bếp để được coi là đảm đang và không tự kết thúc con đường học vấn và cơ hội đi xa trong xã hội của mình bằng một cuộc hôn nhân kiểu Á Đông.

Một người bạn của tôi viết trên Facebook, 8/3 là ngày mà ở nước ngoài, "người ta xuống đường để đòi quyền lợi. Còn chúng ta cũng lao ra đường, nhưng là để hít bụi, để ngắm nhau, và để… ăn lẩu”.

Sau 8/3, có lẽ sẽ chẳng có nhiều thay đổi, để rồi đến 20/10 hoặc 8/3 năm sau lại thế…

Theo Anh Ngọc/Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.
 Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Từng là nơi giao thương của người dân địa phương, nhưng hiện nay chợ Đình (xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) ngày càng hoạt động kém hiệu quả, nhiều hạng mục đã hư hỏng.