Ấn Độ khủng hoảng nước, hàng trăm triệu người điêu đứng

Ấn Độ đang đối mặt cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng nhất trong lịch sử trong khi phần lớn nguồn nước hiện bị nhiễm bẩn, góp phần giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm.

Ấn Độ khủng hoảng nước, hàng trăm triệu người điêu đứng

Vòi nước công cộng ở Old Delhi. Dù thiếu nước nhưng nguồn nước tại Ấn Độ lại bị ô nhiễm - Ảnh: Reuters

Giữa cái nóng khủng khiếp của mùa hè, báo cáo Chỉ số quản lý nguồn nước hỗn hợp từ cơ quan phân tích chính sách NITI Aayog của Chính phủ Ấn Độ cho biết khoảng 600 triệu dân của nước này đang thiếu nước trầm trọng.

Việc thiếu nước còn dẫn đến nhiều hệ quả khác như vấn đề an ninh lương thực, thiệt hại GDP. Đáng lo ngại hơn, khi cuộc khủng hoảng được dự báo còn nghiêm trọng hơn bởi hệ thống quản lý vô cùng kém hiệu quả.

“Cuối cùng chúng ta đều sẽ phải trả giá đắt khi cạn sạch nước, vậy thì sao không trả một chi phí hợp lý hơn để quản lý nước nhằm tránh tình trạng đó?
Nhà hoạt động Mridula Ramesh

Áp lực nước

Báo cáo, do Bộ Quản lý tài nguyên nước Ấn Độ công bố, tổng hợp dữ liệu từ 24 bang trên toàn quốc, vẽ nên bức tranh nguy kịch của cuộc khủng hoảng nước.

Theo đó, 21 thành phố của Ấn Độ, bao gồm thủ đô New Delhi, thành phố Bengaluru và Hyderabad, sẽ không còn nước ngầm vào năm 2020 và khoảng 40% dân số Ấn Độ thậm chí không có nước uống vào năm 2030.

Nguồn nước ngầm, cung cấp gần một nửa nguồn nước cho Ấn Độ hiện nay, đang cạn kiệt với tốc độ đáng báo động.

Ngoài ra, gần 70% nguồn nước hiện tại của Ấn Độ bị nhiễm bẩn. Việc không thể tiếp cận nguồn nước sạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người mỗi năm tại nước này.

Do thiếu cơ sở xử lý nước, nguồn nước bẩn từ các thành phố thường bị đổ thẳng ra các dòng nước vốn là nguồn nước uống của khu vực nông thôn, báo cáo giải thích.

Tại các khu ổ chuột của Ấn Độ, khung cảnh hàng dài người xếp hàng chờ lấy nước từ các bồn hay vòi nước công cộng đã trở nên quen thuộc. Nhưng trong thời gian tới, khi các thành phố tiếp tục phát triển, nhu cầu về nguồn nước sẽ gấp đôi nguồn cung trong vòng 10 năm tới. "Hậu quả là GDP quốc gia sẽ thiệt hại 6%" - báo cáo viết.

Tình hình nghiêm trọng hơn đối với những người ở các vùng sâu và nông nghiệp, bởi tình trạng khô hạn và nạn vắt kiệt nguồn nước ngầm cho việc tưới tiêu.

"Chính sách ở một số bang như miễn phí điện hoặc hỗ trợ tài chính cho nông dân khai thác nước ngầm dẫn đến việc lãng phí và khai thác quá mức nguồn nước" - Suresh Rohilla, lãnh đạo Trung tâm Khoa học và môi trường Ấn Độ, cho biết.

Vòng luẩn quẩn thiếu nước - khai thác nước quá mức thậm chí có thể đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia 1,3 tỉ dân này thời gian tới.

"Trong khi mọi người đã có nhận thức về ô nhiễm không khí, cuộc khủng hoảng nước ở Ấn Độ lại không được chú ý bằng" - phó chủ tịch Rajiv Kumar của NITI Aayog cho biết.

Quản lý yếu kém

Hệ thống quản lý ì ạch, kém hiệu quả góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng hiện nay của Ấn Độ. "Rất ít hoặc không có biện pháp hạn chế nào đối với việc khai thác nước ngầm, dẫn đến việc sử dụng nước lãng phí" - nhà hoạt động Mridula Ramesh nói.

Còn trong nông nghiệp, các biện pháp tưới tiêu kỹ thuật cao giúp tiết kiệm nước lại rất đắt đỏ và không được chính phủ hỗ trợ, CNN dẫn lời giám đốc Samrat Basak của Viện Nguồn nước thế giới tại Ấn Độ.

Một số bang có khả năng quản lý nguồn nước tốt như Gujarat, Madhya Pradesh, Andhra Pradesh thì chịu hạn hán nghiêm trọng trong vài năm gần đây.

Báo cáo giải thích các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ gặp khó khăn vì không có đủ dữ liệu về việc sử dụng nước ở các hộ gia đình và trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ông Basak cho rằng dù chính phủ tung ra nhiều chương trình và chính sách khác nhau, "họ không đủ nghiêm túc để biến mục tiêu thành thực tế".

Cuộc khủng hoảng sẽ trở thành thảm họa nếu Ấn Độ không thức tỉnh. "Những gì báo cáo này nói đúng với 15 năm trước. Tình hình bây giờ còn tệ hơn" - nhà hoạt động Rajendra Singh cảnh báo. Theo giới chuyên gia, Ấn Độ cần một giải pháp bền vững để giải quyết cuộc khủng hoảng nước.

"Người giàu vẫn sẽ lãng phí nước nếu tăng giá, trong khi người nghèo sẽ không có khả năng mua. Chúng ta không thể đi theo hướng kiểm soát nước. Bảo tồn nguồn nước bền vững mới là câu trả lời" - ông Singh nhận định.

Cuộc khủng hoảng nước làm dấy lên làn sóng biểu tình thời gian qua ở Ấn Độ. Đầu tháng 6-2018, người dân tại thành phố Jammu ở miền bắc đã chặn tuyến tàu đi New Delhi để phản đối việc thiếu nước, hay tình hình tại bang Gujarat cũng căng thẳng khi nhiều phụ nữ đập phá các bồn chứa nước.

Tại thành phố Bengaluru, hơn 10.000 nông dân mang máy kéo vào thành phố làm giao thông tê liệt hồi tháng 3-2018. Còn tại Shimla, khách du lịch được yêu cầu tránh xa thành phố này, trong khi việc vận chuyển nước phải có cảnh sát hộ tống. Cuộc khủng hoảng cũng dẫn đến tranh chấp nguồn nước giữa nhiều bang.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.