Ăn tết xưa - chơi tết nay

(Baohatinh.vn) - Như lẽ tự nhiên của phát triển, tết đã không còn rưng rức nhớ mong như trước đây. Người ta đã nghĩ nhiều đến “chơi tết” hơn là “ăn tết”. Cuộc sống, bởi vậy, thật là vui! Nhưng, niềm vui ấy cũng chưa thật trọn vẹn khi đã đem về trong mỗi người một ít nỗi buồn hoài niệm.

Ngày nay, mỗi cành đào mang sắc xuân không còn là thứ xa xỉ với hầu hết gia đình.

Có lẽ xuất phát từ sự thúc bách về cái ăn nên người Việt đã có cách gọi về “ăn” thật thú vị. Nào là ăn tết, ăn rằm, rồi ăn cưới, ăn hỏi, ăn giỗ… Tất cả đều chỉ đến việc “ăn” - ăn một bữa thật thịnh soạn, “xôm” hơn thường ngày. Cũng phải thôi, ngày trước, cơm chưa đủ no, thậm chí khoai sắn mà còn đứt bữa, thì một bữa ăn cỗ quả là không gì bằng. Thế mới có câu: “Trâu bò được ngày phá đỗ, con cháu được ngày giỗ ông”.

Ăn tết trở thành cách gọi và quan niệm của bao thế hệ người Việt. Cái tết, bởi vậy, là dịp có những bữa ăn thật tuyệt vời. Các hương vị như: Thịt mỡ, dưa hành, nem, cua, chả… trở thành những món không thể thiếu trong những ngày thịnh soạn. Thầy giáo dạy tôi thời đại học kể câu chuyện thời còn nhỏ, như là câu chuyện một thế hệ thèm một bữa ăn ngon. Lúc đó, thầy 5 tuổi, hỏi anh trai thầy 7 tuổi, sau này là bộ đội và hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên: “Anh ơi! Tết khác rằm thế nào?”. Anh trai thầy bối rối, rồi trả lời: “Tết thì được ăn 3 miếng thịt, còn rằm thì chỉ được 1 miếng”.

Ngày trước là vậy, ngày nay, mỗi bữa ăn đã có nhiều thức dọn, thậm chí thịt cá nhiều nhà cũng… đành lòng ăn. Vậy nên, tết đã không còn háo hức như trước. Ngày tết, người ta mong được thưởng thức những hương vị lạ hoặc những thứ quá đỗi quen thuộc với cha ông như côộc chuối, dưa cải, củ kiệu muối, cà muối ăn với canh rau khoai…

Cũng trong ngày tết, đời sống đã nâng lên thật nhiều, người ta chú ý hơn đến muôn kiểu “chơi” trong tiết trời đẹp. Chơi hoa tết trở thành phổ biến toàn dân. Hoa đào, cúc, mai, thậm chí, hoa nhập ngoại từ Canada, Mỹ, Hà Lan… đã vô số người lựa chọn. Dẫu “Chơi hoa dễ đã mấy người biết hoa”, nhưng ngay cả những gia đình nông thôn, đào hoặc mai hay ly, quất, hầu như gia đình nào cũng chọn để trang hoàng căn nhà dịp tết. Bên cạnh chơi hoa, nhiều người còn chơi tranh tết, mà thịnh hành nhất là các bức tranh vẽ trực tiếp lên tường, tranh thêu.

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn) là một trong những điểm đến đầu xuân của nhiều người.

Một kiểu chơi khác ngày tết mà người dân thị thành hướng đến ấy là du lịch. Tết là dịp nghỉ ngơi, là cơ hội để nhiều người thả mình với những chuyến du lịch sau những tháng ngày dài căng thẳng vì công việc. Nhiều người, nhất là những gia đình trẻ đã sắp xếp chuyện về quê trước tết, để ngày tết có thể đi du lịch. Không có được những chuyến đi dài ngày, nhiều người đã chọn cách vui chơi theo thời gian ngắn. Ấy là chơi - du xuân đến những điểm du lịch mà cự ly di chuyển không xa. Các điểm rực rỡ hoa, những hồ nước đẹp, những ngọn núi xanh, thậm chí những ngôi chùa cổ… trở thành nơi người người tìm đến để thả lòng, quên đi bao âu lo thường nhật.

Đành rằng, tết này “không thèm kẹo mứt” nữa, nhưng nhiều nỗi hoài niệm vẫn cứ giăng mắc đâu đây. Một thời thiếu phương tiện nghe nhìn, mọi sự vui chơi đều thể hiện bằng sum vầy, quấn quýt. Vậy nên, ngày xuân xem chọi gà, đấu cờ tướng, xem bóng chuyền, đánh đu… trở thành ngày hội. Già trẻ, gái trai đều chờ đến ngày để được thỏa thích. Ngày nay, những hội làng như thế đã ít dần. Người ta đã có đủ nhiều thứ để tìm đến niềm vui, mà chủ yếu nhất là vui qua màn ảnh: Màn ảnh ti vi với nhiều sự kiện, màn ảnh điện thoại với hằng hà sa số trò vui...

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói