Bán cam online vượt “chướng ngại” dịch ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng nhờ ứng dụng bán hàng qua mạng, nhiều hộ trồng cam ở Hà Tĩnh vẫn khá thành công trong tiếp cận thị trường.

Bán cam online vượt “chướng ngại” dịch ở Hà Tĩnh

Thời điểm này, giống cam chanh ở Hà Tĩnh đang bước vào chính vụ thu hoạch.

Thời điểm này, cam chanh mới bắt đầu cho thu hoạch chính vụ nhưng chị Võ Thị Anh ở thôn 11, xã Hà Linh (Hương Khê) đã bán hết toàn bộ trên 15 tấn cam của gia đình.

Chị Anh cho biết: “Gia đình tôi trồng 1,5 ha cam, chủ yếu là cam chanh. Mặc dù cam chín đúng vào thời gian dịch COVID-19 bùng phát trở lại nên rất khó tiêu thụ nhưng nhờ khai thác được hình thức bán hàng qua mạng xã hội (MXH), chúng tôi đã tiêu thụ hết sản phẩm với mức giá khá tốt so với thời điểm hiện nay”.

Bán cam online vượt “chướng ngại” dịch ở Hà Tĩnh

Thường xuyên livestream qua mạng xã hội, chị Võ Thị Anh (xã Hà Linh, Hương Khê) đã bán 15 tấn cam trong vòng 1 tháng.

Để bán được lượng sản phẩm lớn qua MXH, chị Anh thường xuyên thực hiện việc livestream, quảng bá trực tuyến qua facebook rồi trực và chốt các đơn hàng. Khách hàng của chị chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh, thành phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương với các đầu mối hoa quả, nhân viên, công nhân ở các cơ quan, doanh nghiệp.

Bán cam online vượt “chướng ngại” dịch ở Hà Tĩnh

Một buổi livestream bán cam của chị Võ Thị Anh trên mạng xã hội.

Chia sẻ bí quyết bán hàng online hiệu quả, chị Võ Thị Anh cho biết: “Điều quan trọng là mình phải tạo được niềm tin của khách hàng bằng uy tín, sự trung thực trong giao dịch, quảng bá, đồng thời chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Ngoài ra, nhà vườn còn kết nối, hợp đồng với các nhà xe để chuyển giao hàng đúng hẹn và đảm bảo an toàn, chất lượng hàng hóa...".

Được biết, ngoài bán hết số cam của gia đình, bằng hình thức online, chị Anh còn nhận bán thêm được 3 tấn cam cho bà con trong thôn.

Bán cam online vượt “chướng ngại” dịch ở Hà Tĩnh

Các thành viên trong gia đình chị Võ Thị Anh tất bật đóng gói các đơn hàng. Ảnh: NVCC

Theo ông Lê Xuân Phú - Chủ tịch UBND xã Hà Linh (Hương Khê), vụ cam năm 2021, toàn xã có 350 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 3.500 tấn. Năng suất cam năm nay cao hơn năm ngoái, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, người trồng cam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Trước tình hình khó khăn chung, việc tăng cường bán hàng qua mạng được xem là một giải pháp đưa lại nhiều hiệu quả cho người trồng cam. Tuy nhiên, để việc tiêu thụ nông sản online mang tính bền vững, các chủ hộ phải có kế hoạch mang tính chiến lược.

Bán cam online vượt “chướng ngại” dịch ở Hà Tĩnh

Trồng cam VietGAP giúp nhiều hộ dân có đầu ra ổn định. Ảnh: Trang trại cam 10 ha của anh Hà Huy Thành (Nam Điền, Thạch Hà)

Anh Hà Huy Thành - 1 trong 2 người là chủ trang trại cam Hà Huy ở xã Nam Điền (Thạch Hà) cho biết: “Để bán hàng online hiệu quả, chúng tôi phân công công việc cụ thể. Tôi phụ trách việc chăm sóc, thu hái, người còn lại phụ trách quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối khách hàng qua mạng, sàn giao dịch điện tử... Tuy nhiên, để thu hút được khách hàng trên mạng và tạo được uy tín lâu dài, việc đầu tư xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng cam là yếu tố quyết định".

Trang trại của anh Thành có diện tích 10 ha trồng cam, vụ này có khoảng 6 ha cho thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt 60 tấn.

Bán cam online vượt “chướng ngại” dịch ở Hà Tĩnh

Cùng với tích cực quảng bá online các chủ hộ trồng cam cũng tiến hành xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã... Ảnh: Trang trại Hà Huy thiết kế thùng đóng cam mang nhãn hiệu của mình.

Song song với việc quảng bá online, thời gian qua, trang trại của anh Hà Huy Thành đã tiến hành xây dựng thương hiệu VietGAP và sản xuất cam theo phương pháp hữu cơ. Vì vậy, sản phẩm cam Hà Huy đã tạo được uy tín đối với nhiều khách hàng. Dù tình hình khó khăn, nhưng hiện tại, việc tiêu thụ cam của trang trại này khá thuận lợi.

Sau 1 tuần tiến hành cắt bán, trang trại đã xuất ra thị trường được 2 tấn cam với giá bán sỉ là 18.000 đồng/kg và bán lẻ là 20.000 - 22.000 đồng/kg.

Bán cam online vượt “chướng ngại” dịch ở Hà Tĩnh

Sau 1 tuần cắt bán, trang trại Hà Huy đã xuất ra thị trường 2 tấn cam với giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg.

Tương tự, việc quảng bá trên intenet và mạng xã hội về sản phẩm cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, phương thức sản xuất hữu cơ cũng đã giúp anh Nguyễn Viết Hạnh ở thôn Sơn Bình (xã Thượng Lộc, Can Lộc) thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ nông sản.

Với diện tích 7 ha, dự kiến vụ cam năm 2021 của anh Hạnh đạt sản lượng 65 tấn. Hiện, mới bắt đầu cắt bán được gần 1 tuần, nhưng gia đình đã xuất ra thị trường 3 tấn cam. Anh Hạnh cho biết, nhờ uy tín, chất lượng đã được khách hàng kiểm chứng từ những năm trước nên anh vẫn bán được từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Khách hàng của anh Hạnh chủ yếu là các đầu mối phân phối cam, cửa hàng hoa quả ở một số tỉnh, thành trong nước.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có trên 7.700 ha cam, trong đó cam chanh 6.257 ha, còn lại là cam bù. Sản lượng cam chanh toàn tỉnh năm 2021 ước đạt gần 58.000 tấn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Sở Công thương cùng các địa phương khuyến khích, hỗ trợ người dân áp dụng các hình thức bán hàng trực tuyến để tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, từ thành công của lễ hội cam những năm trước và hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch vừa tổ chức trong năm nay, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và sẽ tổ chức lễ hội cam trực tuyến nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.