Thật ra, bàn chân lạnh không phải là một nguyên nhân quá lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài liên tục nhiều tháng có thể cho thấy một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, và rõ ràng chúng ta không nên chủ quan. Dưới đây có mấy nguyên nhân hay gặp của chứng bàn chân lạnh.
- Do bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường là tình trạng lượng đường trong máu cao. Những người mắc bệnh đái tháo đường có thể bị lạnh bàn chân, vì bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương dây thần kinh, đặc biệt là ở bàn chân. Người bệnh cũng có thể bị mất cảm giác ở bàn chân, thay đổi tính chất da chẳng hạn như khô da quá mức, vết chai các mảng da cứng và loét da.
Hướng xử trí: Nếu bàn chân bạn lạnh kéo dài trong điều kiện thời tiết bình thường, chúng ta cần kiểm tra ngay đường máu và xét nghiệm HbA1C để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và can thiệp kịp thời.
Nếu bàn chân bạn lạnh kéo dài trong điều kiện thời tiết bình thường, chúng ta cần kiểm tra ngay.
- Do thiếu máu
Thiếu máu cũng có thể khiến bị lạnh chân. Trong bệnh thiếu máu, có số lượng hồng cầu thấp hoặc có vấn đề với hemoglobin chứa trong hồng cầu – là thành phần chính chịu trách nhiệm vận chuyển oxy. Thiếu máu kéo dài có thể gây ra mệt mỏi, khó thở, đau đầu, chóng mặt, bàn chân và bàn tay lạnh.
Thiếu máu do thiếu sắt là một dạng thiếu máu phổ biến. Điều này xảy ra do cơ thể chúng ta không có đủ sắt, chất này sử dụng để tạo ra hemoglobin và hồng cầu.
Hướng xử trí: Nếu bàn chân lạnh kéo dài trong điều kiện thời tiết bình thường, kèm theo các triệu chứng thiếu máu như đã nêu trên. Cần đi làm xét nghiệm huyết đồ để xác định có thiếu máu không.
- Do tuần hoàn máu kém
Lưu thông máu kém, là biến chứng của nhiều bệnh lý, có thể khiến bàn chân bị lạnh. Do máu lưu thông kém nên việc làm ấm bàn chân trở nên khó khăn hơn.
Các triệu chứng khác của tuần hoàn kém bao gồm: Tê hoặc ngứa ran bàn chân; Đau đớn bàn chân và không thoải mái.
Trong một số trường hợp, thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc và tăng vận động xoa bóp có thể cải thiện các triệu chứng.
Hướng xử trí: Do tuần hoàn kém ở bàn chân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tốt nhất, nếu chân bạn lạnh kéo dài trong điều kiện thời tiết bình thường và có các triệu chứng gợi ý nêu trên, cần đi khám để xác định bệnh tiềm ẩn trong cơ thể.
- Do suy giáp
Suy giáp là một bệnh tuyến giáp phổ biến xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, làm chậm nhiều quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Suy giáp có thể xảy ra do bệnh tự miễn, đang điều trị cường giáp hoặc khi tuyến yên giảm hoạt động.
Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng có thể bao gồm: Mệt mỏi; Nhạy cảm với lạnh; Mặt sưng húp; Tăng cân; Táo bón; Mạch chậm; Tay ngứa ran; Chuột rút cơ.
Hướng xử trí: Nếu bàn chân lạnh kéo dài trong điều kiện thời tiết bình thường, kèm theo các triệu chứng nghi suy giáp như đã nêu trên. Thì cần đi làm xét nghiệm máu để đo lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể giúp chẩn đoán chứng suy giáp.
- Do bệnh Raynaud
Bệnh Raynaud hay hiện tượng Raynaud là một rối loạn liên quan mạch máu ở chi, đi kèm sự thay đổi màu sắc ở các chi để phản ứng với các tác nhân như lạnh hoặc căng thẳng.
Ở bàn chân, các triệu chứng có thể bao gồm: ngón chân chuyển sang màu trắng, xanh hoặc đỏ; không thoải mái; cảm giác kim châm; tê; cảm giác lạnh bàn chân.
Các triệu chứng này thường đến và đi. Trong một số trường hợp, bệnh Raynaud là triệu chứng của một bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp. Các rối loạn khác có thể gây ra Raynaud thứ phát bao gồm: Xơ vữa động mạch; Bệnh Buerger: Viêm các mạch máu vừa và nhỏ của bàn tay và bàn chân; Hội chứng Sjögren: Một bệnh tự miễn dịch gây đau khớp, khô miệng, khô mắt và các triệu chứng khác; Bệnh tuyến giáp; Tăng áp động mạch phổi…
Hướng xử trí: Do bệnh Raynaud ở bàn chân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tốt nhất, nếu bàn chân bạn lạnh kéo dài trong điều kiện thời tiết bình thường và có các triệu chứng gợi ý nêu trên, cần đi khám để xác định bệnh.
Tóm lại: Lạnh bàn chân là vấn đề thường gặp, nhưng thời tiết bình thường, không lạnh mà tình trạng bàn chân vẫn bị lạnh thì cần xem xét lại. Nhất là bàn chân lạnh có thêm các biểu hiện bất thường khác thì tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.