Bó rau và bài học về lối ứng xử nhân văn

(Baohatinh.vn) - Mặc cả khi đi chợ là việc bình thường đối với các bà nội trợ. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh đã có nhiều trường hợp, việc kì kèo, trả giá lại phản ánh lối ứng xử thiếu nhân văn…

Bó rau và bài học về lối ứng xử nhân văn

Việc mặc cả bó rau, nhiều khi không đơn thuần chỉ là thói quen đi chợ mà còn phản ánh văn hóa ứng xử của mỗi người.

- Cô ơi, tôi còn 2 bó rau, cô mua nốt giúp tôi nhé! - bà cụ bán rau trong chợ T.Đ (TP Hà Tĩnh) nài nỉ những người đi ngang qua hàng của bà.

- Bao nhiêu? - một người phụ nữ trung niên hỏi.

- Tôi bán 1 bó 5 nghìn, còn 2 bó cô lấy nốt, tôi lấy 7 nghìn.

- 5 nghìn nhé - người phụ nữ mặc cả.

- Thôi, cô trả cho tôi 6 nghìn nhé - bà cụ xuống nước.

Người phụ nữ cầm bó rau lên rồi chê rau nát và quyết định không mua.

Chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối, một chị khác nhanh nhảu: “Bà ơi, bà đưa đây cháu lấy cho”. Nói rồi chị đỡ lấy túi rau từ tay bà cụ, trả cho bà 20 nghìn đồng và bảo cháu biếu bà chỗ tiền thừa. Bà cụ rối rít cảm ơn và nhất định không chịu nhận số tiền thừa.

Tôi cũng đã từng gặp rất nhiều tình huống mặc cả không đáng có như thế. Thậm chí, nó xuất phát từ những người phụ nữ khấm khá. Họ, có khi mua cả con cá dăm ba kilogam không cần mặc cả nhưng lại kì kèo từng nghìn với người bán rau.

Bó rau và bài học về lối ứng xử nhân văn

Nhiều người không tiếc tiền “bo” ở nhà hàng nhưng lại mặc cả từng đồng khi mua rau. Ảnh minh hoạ từ internet

Chị L.Đ.T ở phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) nhìn nhận: “Mặc cả là quyền của người mua nhưng trong các tình huống mà người bán là những cụ già nghèo khổ thì việc kì kèo phản ánh một lối ứng xử thiếu nhân văn. Nhiều lúc đi chợ, gặp những cụ già bán rau, tôi thường hay mua và trả thêm tiền dù có thể hôm ấy nhà tôi vẫn còn rau. Cũng chẳng đáng là bao nhưng đó là sự chia sẻ đối với những người khổ hơn mình”.

Chị L.Đ.T cũng chia sẻ thêm, chị từng chứng kiến một vài người bạn của mình, có thể “vung tay” mua rất nhiều hàng hóa trên mạng rồi không sử dụng hoặc sẵn sàng “bo” cho nhân viên khi đi ăn ở những nhà hàng sang trọng, nhưng khi đi chợ lại thường mặc cả từng nghìn lẻ. Chị không thể giải thích được vì sao, bạn của chị lại hành xử thiếu nhân văn như thế. Phải chăng, bạn chị đang học làm sang trước mặt bạn bè?

Trong cuộc sống, nhiều người thường phàn nàn, mình chưa đủ điều kiện, chưa có duyên để đi làm từ thiện nhưng họ không biết rằng, nở một nụ cười thân thiện với mọi người, nói một lời động viên tốt đẹp hay đơn giản là mua cho ai đó những mớ rau khi chợ đã vãn cũng là một cách để cho đi.

Bó rau và bài học về lối ứng xử nhân văn

Không nhất thiết phải đem của cải vật chất cho đi mới là từ thiện, đôi khi chỉ cần một lời nói ân cần cũng là cách mỗi người cho đi... Ảnh minh họa từ internet

Chị N.K ở phường Thạch Quý chia sẻ: “Gần nhà tôi ở, có một cụ bà sống cô đơn, cụ có một khoảnh đất nhỏ trồng một số loại rau. Do cụ không sử dụng các loại hóa chất nên rau thường không xanh non bằng các loại rau bán ở chợ, nhưng bất kỳ lúc nào thấy cụ đi qua ngõ, tôi cũng gọi mua. Nhiều lần con gái nhỏ của tôi hỏi: “Sao rau già thế mà mẹ cũng mua?”. Tôi nói, đó cũng là một cách mình giúp đỡ người già con ạ. Tôi tin rằng, con gái tôi sẽ học được những bài học quý giá về tình thương yêu thông qua việc làm nhỏ của mình”.

Đối với nhiều người, việc mặc cả khi đi chợ là một thói quen, thậm chí họ còn coi đó là một thú vui bởi có khi mặc cả xong rồi, họ lại vẫn trả nguyên giá cho người bán. Tuy nhiên, một số người lại mặc cả với thái độ rất khó chịu. Họ không hề ý thức được, hành động đó chính là tấm gương phản chiếu văn hóa ứng xử của họ.

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast