Hà bá "nuốt chửng" 20 ha đất nông nghiệp vùng thượng Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Mỗi năm, 2 con sông Rào Trổ và Rào Mốc đoạn qua xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp khiến hàng trăm hộ dân địa phương lo lắng.

Hà bá “nuốt chửng” 20 ha đất nông nghiệp vùng thượng Kỳ Anh

Ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn cho biết, nhiều khu vực đã bị sông "nuốt" sâu đến hơn 10m

Dẫn chúng tôi ra tận bờ sông, ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng thôn Mỹ Thuận, cho hay: Thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn nằm sát sông Rào Trổ. Địa phương có hơn 270 hộ dân thì có đến 60 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở bờ sông.

"Tính ra, mỗi năm con sông Rào Trổ “nuốt” gọn gần 5 sào đất nông nghiệp của người dân. Năm nay, dù thời tiết thuận lợi, không có lũ lụt lớn nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn ra. Có những nơi đã bị sông lấn sâu đến hơn 10 mét. Có trường hợp gia đình ông Mai Văn Tám đã phải di dời đến nơi ở mới do tình trạng sạt lở và nguy cơ ngập lụt thường xuyên", ông Tuấn buồn nói.

Hà bá “nuốt chửng” 20 ha đất nông nghiệp vùng thượng Kỳ Anh

Năm 2018, dù không có những trận lũ lớn nhưng tình trạng sạt lở đất vẫn diễn ra.

Cũng theo ông Tuấn, do chất đất của địa phương có độ cứng kém, khu vực hạ lưu mới đắp đập nên nước dâng cao hơn trước; nước ngày càng ngấm vào chân bờ, dần dần khiến bờ sông suy yếu và gây ra sạt lở.

Bà Hà Thị Hữu (thôn Mỹ Thuận) tâm sự, tình trạng sạt lở đất ven sông diễn ra nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Riêng gia đình ông bà đã thiệt hại khoảng 1 sào đất nông nghiệp, kinh tế gia đình theo đó cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Hà bá “nuốt chửng” 20 ha đất nông nghiệp vùng thượng Kỳ Anh

Nước ngày càng ngấm vào chân bờ, dần dần khiến bờ sông suy yếu và gây ra sạt lở.

Không chỉ thôn Mỹ Thuận, nhiều thôn khác thuộc xã Kỳ Sơn cũng rơi vào tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đơn cử như ở thôn Mỹ Lợi, hộ gia đình ông Dương Văn Thám bị sông Rào Mốc “ngoạm” hơn 6 sào đất nông nghiệp.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc các con sông chảy qua địa phận xã Kỳ Sơn đều xảy ra tình trạng sạt lở. Một số khu vực trước đây là đất nông nghiệp nhưng đã bị bồi lấp bởi cát, sỏi. Theo nhiều người dân địa phương, một phần nguyên nhân là tình trạng phá rừng trước đây diễn ra phức tạp nên lũ lụt xảy ra thường xuyên, bất thường dẫn đến hiện tượng xỏi lở hàng năm.

Hà bá “nuốt chửng” 20 ha đất nông nghiệp vùng thượng Kỳ Anh

Mặc dù người dân và chính quyền địa phương đã tổ chức trồng cây ven bờ sông nhưng tình trạng chưa được cải thiện.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn Nguyễn Anh Ngọc cho biết, xã có 2 con sông Rào Trổ và Rào Mốc chảy qua địa bàn với tổng chiều dài khoảng hơn 20 km. Toàn xã có 9 thôn thì có đến 6 thôn bị thiệt hại đất đai nông nghiệp do sạt lở đất. Trung bình, mỗi năm Kỳ Sơn bị nước sông cuốn trôi khoảng 2 - 3 ha đất nông nghiệp. Đến nay, diện tích đất nông nghiệp của xã đã giảm khoảng 20 ha. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế địa phương phát triển chậm. Mặc dù chính quyền và nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp như trồng tre ven sông, xây dựng kè đá nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện nhiều.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast