Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

(Baohatinh.vn) - Việc tài xế ở Hà Tĩnh lạm dụng còi hơi gắn trên xe tải, xe ben, xe đầu kéo khiến người tham gia giao thông dễ bị giật mình, có thể ngã ra đường, dẫn tới những sự cố đáng tiếc...

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

Theo quy định, còi xe là thiết bị bắt buộc lắp đặt trên các phương tiện cơ giới khi lưu thông trên đường với mục đích thông báo cho người tham gia giao thông về sự có mặt hay hướng dịch chuyển của phương tiện để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, một số loại phương tiện sử dụng còi hơi, còi không đúng thiết kế, có âm lượng lớn gây ảnh hưởng tới người tham gia giao thông. Trong ảnh: Xe đầu kéo lắp đặt 2 còi hơi di chuyển trên tuyến đường tỉnh 550, đoạn qua xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà.

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

Ghi nhận cho thấy, ô tô gắn còi hơi chủ yếu là xe tải đường dài, xe ben chở vật liệu xây dựng, xe đầu kéo, container. Còi hơi được gắn trên phần đầu, dưới gầm, bên cạnh thùng hơi hoặc hộp chứa phụ tùng nhưng phổ biến nhất là ở trên phần đầu của phương tiện cơ giới. Trong ảnh: Xe ben chở vật liệu xây dựng lắp đặt còi hơi trên tuyến đường Mai Thúc Loan, đoạn qua xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

Việc các tài xế lắp đặt còi hơi nhằm thuận tiện hơn khi lưu thông trên đường, nhất là với các tuyến trong khu dân cư hoặc có nhiều người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, âm lượng lớn cộng thêm ý thức sử dụng của một bộ phận tài xế chưa tốt - lạm dụng việc bấm còi - khiến còi hơi trở thành nỗi ám ảnh cho người đi đường. Trong ảnh: Xe ben lắp đặt còi hơi đang đậu trên tuyến đường ở thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà.

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

“Mình là đàn ông, cứng tay lái mà nhiều khi nghe tiếng còi hơi từ các loại xe tải, xe ben cũng phải giật mình thì đối với chị em phụ nữ, học sinh hay người già sẽ bị ảnh hưởng không biết như thế nào nữa. Đặc biệt, có nhiều tài xế ý thức rất kém, xe chạy vào tuyến đường có khu dân cư vẫn bấm còi inh ỏi” - anh Nguyễn Văn Hoàng (SN 1985, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) phản ánh. Trong ảnh: Xe tải lắp đặt còi hơi di chuyển trên tuyến QL 15B, đoạn qua xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà.

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

Trên thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước, đã có không ít vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ việc ô tô bấm còi hơi khiến người đi đường giật mình té ngã. Việc xe sử dụng còi hơi còn gây tiếng ồn lớn khi lưu thông trong các khu dân cư sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Trong ảnh: Xe ben lắp đặt còi hơi lưu thông trên tuyến đường tỉnh 553, đoạn qua xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên.

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

Pháp luật đã có quy định trong việc lắp đặt và sử dụng còi xe, trong đó âm lượng còi xe phải nằm trong giới hạn từ 90 đề-xi-ben (dB) đến 115 dB. Trường hợp, người chạy xe lắp còi vượt quá âm lượng 115 dB bị phạt 2 - 3 triệu đồng. Trong ảnh: Xe tải lắp đặt còi hơi trong một gara ở đường tỉnh 550, đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà.

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

Bên cạnh đó, khi điều khiển ôtô mà bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng; bấm còi liên tục, bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm nêu trên nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Trong ảnh: Xe ben chở vật liệu xây dựng gắn còi hơi lưu thông trên đường Mai Thúc Loan, đoạn qua xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

Thiếu tá Nguyễn Thành Chung - Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Đức Thọ cho hay: Dù quy định là vậy, song trong nhiều trường hợp, việc thực thi lại không đơn giản. Đối với hành vi này, để xử phạt được người vi phạm, phải xác định được âm lượng của còi để đưa ra được bằng chứng, số liệu cụ thể. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc trang bị máy đo tiếng ồn cho lực lượng CSGT còn rất hạn chế khiến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Xe ben lắp đặt còi hơi di chuyển trên QL15B đoạn qua xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà.

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

Lực lượng chức năng trong cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng hiện mới dừng lại ở việc nhắc nhở và yêu cầu các tài xế, chủ phương tiện chấp hành việc tháo bỏ còi hơi cũng như sử dụng còi xe đúng quy định, đảm bảo an toàn giao thông. Trong ảnh: Xe đầu kéo lắp đặt 2 còi hơi dừng trong gara trên đường tỉnh 550, đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà.

Hà Tĩnh: Ra đường sợ nhất... còi hơi!

Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng trong việc đảm bảo an toàn giao thông thì các tài xế, chủ phương tiện cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, trong đó có việc chỉ nên sử dụng loại còi nguyên bản của xe và không lặp đặt còi hơi, bộ kích âm thanh dẫn tới mối nguy tai nạn cho người tham gia giao thông cũng không gây ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của người dân. Trong ảnh: Xe ben lắp đặt còi hơi di chuyển trên QL 15B đoạn qua xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên.

Đối với những phương tiện cơ giới đường bộ có hành vi lắp đặt, sử dụng còi không đúng thiết kế của nhà sản xuất hay sử dụng thiết bị để kích âm thanh còi gây mất an toàn giao thông, đơn vị từ chối đăng kiểm và yêu cầu tài xế, chủ xe khôi phục nguyên trạng của phương tiện thì mới tiến hành làm thủ tục kiểm định.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm Hà Tĩnh

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast