Khi niềm tin bị “bắt cóc”!

(Baohatinh.vn) - Gần đây liên tiếp xẩy ra nhiều vụ đám đông hành hung, hủy hoại tài sản của người khác vì nghi ngờ họ bắt cóc trẻ em, thôi miên cướp của. Các vụ việc đã được cơ quan chức năng làm rõ là do đám đông người dân… hiểu lầm và bị hại giờ có “ăn được vạ” thì “má cũng đã sưng”.

Đương nhiên là những hành vi vô pháp kia sẽ được xử lý theo quy định, nhưng đằng sau những sự việc trên ẩn chứa nhiều điều đáng bàn…

khi niem tin bi bat coc

Minh họa của Huy Tùng

Điều đáng bàn nhất là vì sao lại xẩy ra những chuyện như thế? Vì sao chỉ nghe tiếng kêu vu vơ rằng: Bị thôi miên của chị chủ cửa hàng, mà không cần kiểm chứng, đám đông ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà, Hải Dương) đã lao vào “hóa” chiếc xe ô tô Fortuner của khách hàng chỉ còn trơ khung? Vì sao 2 người phụ nữ nghèo khổ, yếu đuối đi bán tăm qua xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) chỉ vì đứng nói chuyện với một cháu bé mà bị đánh hội đồng đến “thập tử, nhất sinh” vì… nghi bắt cóc trẻ em?

Câu trả lời là do cảm thấy bất an. Cảm giác bất an đó một mặt được hình thành từ thực tế cuộc sống (có nơi, có lúc, công tác đảm bảo an ninh trật tự còn chưa hữu hiệu) và phần nhiều là do sự đồn thổi, bị kích động bởi tâm lý đám đông “ném đá hội đồng” trên mạng xã hội mang lại.

Mạng xã hội đầy rẫy những thông tin tiêu cực giả thật lẫn lộn. Hiện là một cái chợ trời rộng lớn trôi nổi khắp bàn dân thiên hạ mà mọi cư dân từ nam phụ lão ấu, từ miền ngược đến miền xuôi, nông thôn và thị thành đều một vé đồng hạng, vào ra thoải mái. Trong cái chợ trời hỗn tạp ấy, những kẻ gieo tin thất thiệt đã dắt mũi được một số lượng không ít “người bán, kẻ mua” ở những khu vực dân trí chưa cao, những kẻ thường có động cơ thiếu lành mạnh… bằng việc kích động, hướng họ bấm like, share (chia sẻ).

Và từ những cú like, share như vậy, những kẻ đưa tin thất thiệt đã mượn tay của chính chúng ta gieo rắc những thông tin thất thiệt, độc hại tới đám đông, gieo rắc cảm giác bất an. Và không chỉ có những người bị kích động bởi tâm lý đám đông trên mạng xã hội mà ngay cả bản thân chúng ta cũng đã bị “bắt cóc” niềm tin vào cuộc sống, con người và luật pháp.

Không ai có thể ép buộc ta phải tin, phải chia sẻ những thông tin được đưa lên mạng xã hội mà chưa rõ thực hư cũng như không ai có quyền định đoạt mạng sống của người khác ngoài pháp luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast