Nâng cao ý thức, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội

(Baohatinh.vn) - Mỗi dịp xuân về cũng là lúc nhiều lễ hội lớn được khai hội. Từ chùa Hương Tích, đền Chợ Củi đến đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là đền Bà Hải)... đều thu hút đông đảo du khách thập phương. Và năm nào cũng vậy, vấn đề dư luận quan tâm là làm sao để lễ hội giữ được bản sắc, nơi thờ tự tôn nghiêm, văn minh, văn hóa…

Vẫn còn một số hình ảnh chưa đẹp mắt tại đền Củi khi lư hương bố trí tùy tiện, thiếu trang nghiêm và tình trạng đốt vàng mã quá nhiều.

Vẫn còn một số hình ảnh chưa đẹp mắt tại đền Củi khi lư hương bố trí tùy tiện, thiếu trang nghiêm và tình trạng đốt vàng mã quá nhiều.

Những năm qua, ngành văn hóa và các địa phương có nhiều nỗ lực trong việc nâng cấp, sửa chữa các di tích, cụm di tích; đồng thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ để phục vụ tốt nhất nhu cầu tâm linh của bà con nhân dân. Tuy nhiên, đến mùa lễ hội là các hình ảnh nhếch nhác lại tái diễn. Tại đền Bà Hải, tình trạng cắm hương tùy tiện vẫn tồn tại suốt thời gian qua; người đi lễ cắm hương vào cây cảnh, chậu hoa...

Tại đền Chợ Củi (Nghi Xuân), người khấn lễ mua nhà giấy, xe giấy và những con ngựa giấy khổng lồ để đốt, tốn kém hàng triệu đồng. Nan giải nhất vẫn là tình trạng vứt rác bừa bãi tại chùa Hương Tích. Dù BQL khu di tích đã tăng cường đội vệ sinh môi trường, thường xuyên ra quân thu dọn, đặt hệ thống giỏ rác, bảng kêu gọi du khách bỏ đúng nơi quy định, thế nhưng, rác vẫn ngổn ngang, nhất là trong các lùm cây, khe suối...

Ngoài ra, tình trạng du khách đến hành lễ đặt tiền lẻ tràn lan ở các ban thờ, ăn mặc phản cảm, văng tục vẫn diễn ra ở nhiều đền, chùa vào mỗi dịp khai hội. Điều đáng nói là năm nào các phương tiện thông tin đại chúng cũng lên tiếng phản ánh và cơ quan quản lý đều ra quân chấn chỉnh nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. Vấn đề đặt ra không chỉ là trách nhiệm của đơn vị quản lý mà cốt lõi là ý thức người đi lễ.

Bởi hầu hết tại các đền, chùa đều có bảng hướng dẫn, nội quy, quy định rõ ràng và khuyến cáo người đi lễ thực hiện nếp văn minh nơi thờ tự nhưng nhiều người vẫn phớt lờ. Mặt khác, do lượng người đi lễ hội và các di tích, đền chùa ngày càng đông, gây quá tải, trong khi lực lượng quản lý mỏng nên nếu người đi lễ không có tính tự giác, thiếu văn hóa ứng xử thì việc di tích bị xâm hại, lễ hội nhếch nhác là điều không thể tránh khỏi.

Chỉ khi nào người đi lễ có ý thức trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường thì lễ hội mới thực sự phát huy hết các giá trị vốn có.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast