Nỗi niềm... ở rể!

(Baohatinh.vn) - Không chỉ “sống chung với mẹ chồng” mới là vấn đề lớn trong cuộc sống của mỗi gia đình, mối quan hệ giữa con rể và gia đình nhà vợ đôi khi cũng là điều đáng bàn, nhất là khi người chồng ở rể.

noi niem o re

Quan niệm truyền thống vẫn rất coi trọng vai trò của người đàn ông, coi họ là trụ cột trong gia đình và "thuyền theo lái, gái theo chồng" là điều đương nhiên. Chính vì vậy, phải ở rể với bất cứ lý do gì thì đều khiến cho tâm lý họ không thoải mái.

Ngày nay, quan niệm xã hội đã thay đổi nhiều và chuyện vợ chồng trẻ ở cùng nhà nội hay nhà ngoại không còn quá quan trọng như trước đây, nhưng tâm lý e ngại của nhiều ông chồng khi ở rể thì vẫn tồn tại.

Thường thì vì lý do tài chính eo hẹp, vợ chồng không có điều kiện mua nhà ở riêng, trong khi gia đình bên nội ở xa nên phải chọn giải pháp ở rể. Để người chồng chấp nhận sống cùng gia đình mình, người vợ phải biết thuyết phục một cách tinh tế để tránh cho chồng cảm giác mặc cảm, tự ti.

Chị Mai Thu (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Chồng tôi quê ở Nghệ An nhưng làm việc ở thành phố, hai vợ chồng cưới nhau xong đi thuê trọ một thời gian. Nhưng khi có con thì phòng trọ quá chật chội, cuộc sống chật vật, trong khi nhà bố mẹ tôi rộng rãi. Đề xuất về nhà ngoại ở mà chồng “giãy nảy”, nhất quyết không chịu, phải một thời gian dài thuyết phục, làm “công tác tư tưởng” anh mới đồng ý. Cũng may là bố mẹ tôi hiểu được cái khó của con rể nên rất tâm lý, lời ăn tiếng nói, giao tiếp hằng ngày đều chuẩn mực và đặc biệt là tôn trọng mọi ý kiến, quyết định của con rể. Thấy ông bà thương mình như con đẻ nên sống chung 2 năm rồi nhưng chưa lần nào chồng tôi phàn nàn điều gì”.

Tất nhiên không phải ai cũng có được cuộc sống chung với nhà vợ hòa hợp như thế vì dù ít, dù nhiều, người đàn ông vẫn phải phụ thuộc vào gia đình vợ. Sự khác biệt về thế hệ gây ra sự khác biệt trong suy nghĩ, tính cách, do đó, không thể nào tránh khỏi va chạm. Nhưng nếu người phụ nữ làm dâu thì họ nín nhịn, cam chịu, còn đa phần đàn ông sẽ không có được tính cách đó. Sự xung đột vẫn xảy ra và việc ra ở riêng không phải bao giờ cũng dễ dàng, bởi một khi đã lựa chọn ở rể là họ đã có những lý do bất đắc dĩ ngay từ đầu.

Ví dụ như câu chuyện của anh họ tôi. Vợ anh là con một trong một gia đình khá giả, bố mẹ chị quê tận miền Nam, sinh sống ngoài này nên họ hàng không có ai. Lấy chị là anh xác định phải ở cùng để chăm sóc ông bà, dù điều kiện của anh có thể ở riêng. Ông bà đã già nên cũng không tránh khỏi những lúc “trở tính”, làm anh không thoải mái. Nhiều lúc anh muốn làm theo ý mình nhưng vẫn phải giữ kẽ vì sợ ông bà phật lòng, vợ chồng cũng chẳng dám to tiếng mỗi khi bất đồng quan điểm. Lâu dần, mối quan hệ giữa chàng rể và bố mẹ vợ trở nên xa cách nhưng anh biết, chuyển ra ở riêng là điều không thể vì ông bà chỉ có mỗi vợ chồng anh là chỗ dựa tinh thần duy nhất.

Xét cho cùng, ở rể hay làm dâu cũng đều giống nhau ở việc phải học cách sống chung. Cuộc sống gia đình hạnh phúc hay không phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân? Nếu con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình; người vợ và những người thân trong gia đình ứng xử khéo léo thì sẽ dung hòa được mối quan hệ nhạy cảm này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast