Xin đừng chữa bệnh theo “bí kíp” của bà!

(Baohatinh.vn) - Cháu bé 23 tháng tuổi (huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) khóc ngằn ngặt trong vòng tay bà nội. Bà nội thất thần, ôm chặt cháu không ngừng xúy xoa “Bà xin lỗi! Bà xin lỗi! Vì bà, tại bà, cháu ơi!...

Thấy cháu cứ lấy tay bứt, gãi tai và kêu đau, bà nội theo kinh nghiệm của mình “tự chế” đơn thuốc đặc biệt bằng nước vôi sống. Bà thật thà: Mọi hôm tôi cũng bị côn trùng chui vào tai, đổ nước vôi vào tai thấy khỏi nên khi cháu bị như vậy tôi cũng áp dụng. Ai ngờ…

Xin đừng chữa bệnh theo “bí kíp” của bà!

Việc tự lấy ráy tai cho con là điều tuyệt đối không nên làm.

Khi thấy cháu không đỡ, lại đau đớn và quấy khóc nhiều hơn, bà nội và bố mới tất tả bắt xe buýt từ huyện Kỳ Anh ra TP Hà Tĩnh để khám. Khi đến phòng khám chuyên khoa Tai –Mũi – Họng, bác sĩ phải vất vả mới rửa sạch được lớp vôi bột đóng kín nơi ống tai. Sau khi soi tai, thăm khám, cháu bé bị viêm ống tai ngoài và viêm màng nhĩ; phải uống và bôi thuốc dài ngày, cứ 2 ngày phải đến làm sạch tai một lần.

Trường hợp khác, bố mẹ, ông bà tự lấy ráy tai ở nhà cho con là việc làm hoàn toàn không tốt mà hầu hết mọi người không hề hay biết. Được biết, ráy tai sinh ra là để bảo vệ ống tai, lót bên trong lòng ống tai giúp duy trì độ ẩm, ngăn ngừa vi khuẩn và vi nấm phát triển. Nếu lấy đi ráy tai sẽ làm mất hàng rào bảo vệ, làm trầy xước ống tai, thủng màng nhĩ, dễ khiến vi trùng, nấm mốc xâm nhập gây viêm ống tai.

Hơn nữa, khi tự lấy ráy tai không đúng cách ở nhà, bố mẹ vô tình gây tổn thương tai cho con. Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Bá Sang – Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thông tin: “Trung bình mỗi tháng có ít nhất 4 bé bị thủng màng nhĩ khi đến khám tại phòng khám do lấy ráy tai không đúng cách.”

Xin đừng chữa bệnh theo “bí kíp” của bà!

Cần đưa trẻ đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa nếu trẻ có dấu hiệu bất thường. Ảnh minh họa Internet

Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Bá Sang khuyến cáo: “Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng khó hợp tác tác trong điều trị các bệnh nói chung và tai mũi họng nói riêng. Nên khi bé có dấu hiệu bất thường, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế, cơ sở chuyên khoa tuyến huyện trở lên để thăm khám và điều trị, tránh những trường hợp đáng tiếc.

Đặc biệt, riêng đối với tai trẻ em, người lớn không nên tự ý đổ nước, dung dịch lạ vào tai khi trẻ kêu đau vì dễ gây bội nhiễm, nhiễm trùng; không nên lấy ráy tai vì dễ gây trầy xước, chảy mủ, rách màng nhỉ.”

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast