Điều này đang đặt ra những vấn đề bức thiết trong việc đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) tại các làng nghề cơ khí, cụm công nghiệp tập trung.
Có mặt tại một doanh nghiệp (DN) chuyên gia công cơ khí của Cụm CN-TTCN làng nghề Trung Lương, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của những người lao động (NLĐ). Người hàn, người tiện, người mài, người đánh nguội sản phẩm… trong môi trường đầy bụi bặm với mùi cháy khét của kim loại cùng âm thanh inh ỏi liên hồi.
Làm việc trong môi trường độc hại, nhiều bụi bặm, song NLĐ tại các cơ sở sản xuất Cụm làng nghề Trung Lương chưa tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động.
Anh Trần Văn Dũng (phường Trung Lương) đã gắn bó khá lâu với công việc gia công cơ khí nơi đây. Hơn 10 năm làm việc cũng là chừng ấy thời gian anh tiếp xúc trực tiếp với môi trường độc hại, nhiều bụi bặm, lắm tiếng ồn. Anh Dũng chia sẻ: “Thợ gia công cơ khí rất vất vả, môi trường làm việc không đảm bảo nên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ho hen, viêm phổi, khó thở, đau mắt, bỏng da… là những tác hại mà chúng tôi phải gánh chịu. Đó là chưa nói đến hậu quả lúc về già. Có những người do sức khỏe giảm sút, cơ thể suy yếu trầm trọng nên đành bỏ cuộc giữa chừng”.
Trên thực tế không chỉ anh Dũng mà những NLĐ trong các DN, cơ sở tại Cụm CN-TTCN làng nghề Trung Lương đang thường xuyên đối mặt với những bất an về môi trường làm việc.
Anh Lưu Văn Long - một thợ tiện quê ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho hay: “Tuy bản thân đã trang bị đồ bảo hộ như khẩu trang, tất tay… khi làm việc nhưng những dụng cụ thô sơ đó không ngăn ngừa được hết độc hại”.
Hiện nay, NLĐ tại các cơ sở gia công cơ khí đã có máy móc hỗ trợ nhưng đi kèm với đó là sự mất an toàn khi sử dụng máy móc, thiết bị điện... Chỉ một chút sơ sẩy, thiếu tập trung thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho NLĐ chưa được DN đặc biệt chú trọng, thêm vào đó là ý thức bảo vệ sức khỏe của công nhân còn hạn chế chính là nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn lao động. Theo chia sẻ của những người trong cuộc, những tai nạn lao động khi gia công cơ khí như: đứt tay, bỏng da, bị dị vật bay vào mắt t… là chuyện thường tình. Thậm chí, nhiều người còn rơi vào tình trạng giảm khả năng nghe, đau đầu, choáng váng…
Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố khách quan, tai nạn do sự cố của máy móc thì yếu tố chủ quan là ý thức tự bảo vệ mình của những người hoạt động trong nghề chưa cao. Điều đáng ngại là làm việc trong môi trường độc hại, nhiều lao động vẫn chủ quan không sử dụng đồ bảo hộ như: bao tay, giày, mũ, khẩu trang… hoặc nếu có cũng vẫn sơ sài. Thậm chí, nhiều người thợ khi được sắm khẩu trang còn không dùng đến, khi được hỏi họ chỉ cười: “Bụi thì bụi nhưng đeo khẩu trang vướng víu lắm”.
Bên cạnh đó, nhận thức của chủ DN cũng như NLĐ về vấn đề ATLĐ còn rất mơ hồ. Nhiều DN chưa chú trọng đóng bảo hiểm cho người lao động và thậm chí NLĐ còn không muốn đóng...
Để bảo vệ quyền lợi, đảm bảo an toàn cho NLĐ, hạn chế các vụ việc lao động đáng tiếc xảy ra, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATLĐ cho các cơ sở sản xuất cũng như kiên quyết xử lý những cơ sở không đủ điều kiện an toàn, vi phạm pháp luật về ATLĐ. Mặt khác, có biện pháp để chủ sử dụng lao động tham gia đóng nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho NLĐ.
Và, điều quan trọng hơn cả là người làm nghề phải chủ động nâng cao ý thức bảo vệ mình. Hơn ai hết, bản thân NLĐ phải sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động cũng như tự trang bị đầy đủ các biện pháp làm việc an toàn, tuân thủ nghiêm túc các quy định về ATLĐ.