Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới đã xác định: “Nghề y là một nghề đặc biệt”. Vì vậy, cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để tập hợp, phát huy trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ y, bác sĩ; nâng cao hơn nữa năng lực các tuyến y tế. Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức đã chia sẻ với PV Báo Hà Tĩnh về những nội dung này.
• P.V: Xin ông cho biết, các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế và nâng cao năng lực các tuyến y tế đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
• Ông Nguyễn Minh Đức: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 3/11/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe (CSSK) Nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo đã được cụ thể hóa với nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ...
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII (tháng 12/2023). Ảnh: Đình Nhất
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 và Nghị quyết số 144/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 quy định một số cơ chế, chính sách đối với công tác bảo vệ, CSSK Nhân dân trên địa bàn tỉnh tạo động lực mới trong phát triển nhân lực. Trong đó, chính sách thu hút đối với: giáo sư - tiến sĩ là 1 tỷ đồng; phó giáo sư - tiến sĩ là 800 triệu đồng; tiến sĩ 500 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú là 300 triệu đồng; thạc sĩ - bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa I có mức hỗ trợ từ 100-190 triệu đồng. Đặc biệt, đối với các bác sĩ đa khoa - bác sĩ y khoa xung phong về công tác tại trạm y tế tuyến xã được hỗ trợ từ 180-330 triệu đồng. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã tuyển dụng theo chính sách thu hút được 354 cán bộ chất lượng cao, trong đó có 328 bác sĩ, 26 dược sĩ có trình độ đại học trở lên; giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh thu hút thêm 227 bác sĩ về công tác trên địa bàn.
Năm 2022, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 71/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 về một số cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025. Chính sách mới đã hỗ trợ các bác sĩ làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế và một số bệnh viện đặc thù, những lĩnh vực có môi trường độc hại; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lĩnh vực y tế dự phòng thuộc các trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã; bác sĩ làm việc tại bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn với mức 750 nghìn đến 2 triệu đồng/người/ tháng.
Ngành Y tế chú trọng triển khai Đề án 06 tại các cơ sở khám chữa bệnh, tạo thuận lợi trong công tác quản lý và giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Ngoài chính sách thu hút của tỉnh, một số địa phương như: Hương Sơn, Thạch Hà, Nghi Xuân, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh đã ban hành cơ chế thu hút bác sĩ về công tác trên địa bàn và hỗ trợ đào tạo cán bộ, viên chức y tế...
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở được chú trọng. Số lượng bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học, bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập ngày càng tăng; nhiều cán bộ, bác sĩ tuyến xã được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các nhân viên y tế hoạt động tại thôn, xóm được đào tạo theo chương trình do Bộ Y tế quy định.
Quan tâm công tác huy động các nguồn lực tài chính đầu tư cho y tế, tỉnh đã tranh thủ tốt các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, trái phiếu Chính phủ, các nguồn viện trợ, đồng thời ưu tiên nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế; phát huy nguồn lực xã hội hóa để trang bị, mua sắm nhiều máy móc, thiết bị, vật tư y tế, phương tiện vận chuyển bệnh nhân. Bên cạnh đó, phát huy trí tuệ, sự đóng góp của các thế hệ thầy thuốc quê Hà Tĩnh trong cả nước hỗ trợ khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng tỉnh nhà.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt nang ống mật chủ .
• P.V: Các cơ chế, chính sách phù hợp, cùng với nỗ lực của toàn ngành đã mang lại những kết quả như thế nào trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, thưa ông?
• Ông Nguyễn Minh Đức: Mặc dù gặp nhiều khó khăn như nguồn thu của các bệnh viện tự chủ bị giảm sút sau đại dịch COVID-19; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm xét nghiệm, hệ thống mạng lưới y tế cơ sở còn nhiều bất cập; dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng được sự quan tâm, đồng hành của các cấp, ngành, ngành y tế đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động triển khai các kế hoạch, chiến lược quốc gia về công tác y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Thời gian qua, các bệnh viện đã tích cực triển khai nhiều kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng KCB, phục hồi chức năng, giảm dần tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Giai đoạn 2015-2023, đã có trên 400 lượt chuyên gia của các bệnh viện tuyến Trung ương, trường đại học y, dược về hỗ trợ; có hơn 600 dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật tuyến trên được chuyển giao tại các bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện/trung tâm y tế có giường bệnh tuyến huyện. Có 6 bệnh viện/trung tâm y tế là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Tim Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Trung ương Huế và Bệnh viện E.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành Y tế Hà Tĩnh thực hiện kịp thời và hiệu quả. Trong đó, công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 được triển khai tích cực, đồng bộ và hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu về CSSK ban đầu cho Nhân dân.
Lãnh đạo Sở Y tế và CDC Hà Tĩnh giát sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại huyện Lộc Hà.
Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở cơ bản được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động; thực hiện tốt chủ trương phân cấp quản lý y tế cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển các bệnh viện, phòng khám, các loại hình dịch vụ CSSK Nhân dân trên địa bàn, góp phần giảm tải và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng KCB cho Nhân dân.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, thời gian qua, công tác xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp - an toàn được quan tâm và duy trì bền vững; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh được nâng cao. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ.
Nhờ huy động tốt các nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất của hệ thống y tế tuyến huyện ngày càng được củng cố, nâng cao.
Đến thời điểm này, ngành Y tế Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả khá ấn tượng trong công tác CSSK cho Nhân dân. Trong đó, đạt 31,5 giường bệnh/10.000 dân; 11,5 bác sĩ/10.000 dân; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống còn 7,8%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 13,7%; tỷ lệ dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt và giữ vững tiêu chí quốc gia về y tế 99%; mức độ hài lòng của người bệnh đối với các cơ sở y tế đạt trên 90%...
• P.V: Xin ông chia sẻ về những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đang được ngành y tế tỉnh nhà tập trung triển khai để tiếp tục đạt được những kết quả mới trong công tác CSSK Nhân dân?
• Ông Nguyễn Minh Đức: Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và địa phương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân; tập trung nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng dịch vụ KCB. Trong đó, triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2025. Thực hiện các giải pháp phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB tại các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đẩy mạnh hoạt động KCB từ xa gắn với đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cao, chuyên sâu. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xẩy ra. Khuyến khích phát triển y tế tư nhân, thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế; tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ, đồng hành hiệu quả hơn nữa của các thầy thuốc người Hà Tĩnh thành đạt ở mọi miền đất nước hướng về bà con quê hương, chung sức phát triển nền y tế tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu mới.
Các chương trình về chăm sóc, phòng bệnh cho trẻ em ngày càng được quan tâm, triển khai hiệu quả.
Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, phát triển, thu hút nhân lực y tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế; xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại cơ sở y tế, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới và trong các lĩnh vực đặc thù... Nâng cao y đức, trách nhiệm và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát, lấy ý kiến của người dân về sự hài lòng đối với chất lượng cung ứng dịch vụ y tế và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, các quy chế, quy định làm việc trong môi trường y tế...
Tiếp tục thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện việc chuyển giao và thành lập trung tâm y tế cấp huyện, thuộc UBND huyện quản lý; phê duyệt Đề án và hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy của bệnh viện đa khoa khu vực Nam Hà Tĩnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý, cung cấp dịch vụ, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược phát triển ngành dược giai đoạn 2025-2045 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất có chất lượng, an toàn, hiệu quả. Quan tâm thực hiện các chính sách dân số và phát triển.
Để công tác bảo vệ, CSSK cho Nhân dân đạt được những kết quả mới, thời gian tới, ngành y tế tỉnh nhà mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương trên toàn tỉnh; sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của ngành. Tôi cũng mong muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đoàn kết, đồng lòng, vượt qua khó khăn, nâng cao y đức, kiến thức chuyên môn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
• P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
BÀI, ẢNH: NHÓM P.V-C.T.V
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
(CÒN NỮA)
>> Bài 1: Phòng tuyến quan trọng ở địa phương, cơ sở
>> Bài 2: Nỗ lực rút ngắn khoảng cách với tuyến Trung ương
>> Bài 3: “Ngoại lực” quý giá của ngành Y tế Hà Tĩnh