Xã hội hóa đầu tư - nỗ lực lớn từ doanh nghiệp
Sau 20 năm đưa vào khai thác, Bến xe Hà Tĩnh cũ (tại phường Trần Phú) với quy mô nhỏ, lạc hậu đã không theo kịp thực tiễn phát triển của dịch vụ vận tải, trở thành nỗi trăn trở của các cấp, ngành và cũng là nỗi lo về trật tự, mỹ quan đô thị của TP Hà Tĩnh trong tiến trình xây dựng đô thị văn minh. Đến năm 2014, lời giải cho bài toán nguồn lực và mô hình quản lý bến xe mới, hiện đại, rộng mở với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư của tỉnh và sự nỗ lực, nhanh nhạy của doanh nghiệp (DN) tiên phong trên lĩnh vực này là Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh.
Bến xe Hà Tĩnh - công trình có kiến trúc đẹp, hiện đại, được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa. |
Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh - Phạm Anh Tuấn cho biết: “Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn, trong khi đó, nguồn thu chủ yếu là phí bến bãi với mức phí do Nhà nước quy định nên thời gian thu hồi vốn kéo dài. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rõ hiệu quả bền vững mà dự án mang lại không chỉ cho nhà đầu tư mà còn tạo động lực phát triển KT-XH trên địa bàn. Từ quyết tâm của DN cùng với hỗ trợ của các sở, ngành, vượt qua rất nhiều khó khăn trong thực hiện quy trình thủ tục và huy động nguồn vốn, đầu năm 2014, dự án chính thức được triển khai”.
Điểm thuận lợi lớn là dự án đã được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ tín dụng thông qua sự quản lý của Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh. Số vốn vay khá lớn (51 tỷ đồng), lãi suất 8%/năm với thời hạn khá dài (25 năm) đã giúp DN giảm gánh nặng đầu tư, đẩy nhanh tiến độ. Chỉ sau hơn 10 tháng tập trung thi công, Bến xe Hà Tĩnh đã hoàn thành với chất lượng công trình đảm bảo.
Khách hàng hài lòng
Khu đô thị phía Tây TP Hà Tĩnh từ ngày có sự hiện diện của bến xe loại 1 hiện đại nhất miền Trung (cả nước mới chỉ có 3 bến xe đạt tiêu chí loại 1) dường như đang khoác lên mình chiếc áo mới. Đặc biệt, vào buổi tối, khi xe cộ, hành khách tập trung đông trong bến xe bề thế, hiện đại, sáng rực ánh đèn, thành phố có thêm một không gian sôi động. Với tổng diện tích trên 15.000 m2, Bến xe Hà Tĩnh được đầu tư đồng bộ các hạng mục: nhà khách chính - văn phòng làm việc và cung cấp dịch vụ; kho hàng và dịch vụ ăn nghỉ; cửa hàng xăng dầu; bãi đỗ xe; nhà để xe máy cùng các hạng mục phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật (đường, điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy và cây xăng...).
Ngoài sự ưu việt của “bến xe thông minh” với hệ thống camera điện tử cùng các thiết bị thông tin hiện đại để thực hiện điều hành tập trung, tăng chất lượng quản lý và rút ngắn thời gian, giảm thủ tục cho khách hàng, bến xe còn trang bị đầy đủ các dịch vụ đi kèm như rửa xe, thay dầu, vệ sinh xe; nhà nghỉ, các điểm thương mại, dịch vụ... Anh Nguyễn Thế Anh công tác ở Hà Nội về thăm quê, cho biết: “Lâu rồi mới có dịp về quê, tôi rất ngạc nhiên vì Hà Tĩnh có được một bến xe còn hiện đại hơn cả ở thủ đô. Với điểm dịch vụ vận tải như thế này, hành khách có thể thư giãn, nghỉ ngơi thoải mái và được phục vụ một cách văn minh, lịch sự. Tôi nghĩ đây cũng là một lợi thế trong thu hút du khách đến với Hà Tĩnh”.
Hệ thống bãi đỗ xe rộng rãi với 50 chỗ đón, trả khách, công suất phục vụ 800 xe/ngày đêm và dịch vụ vệ sinh, rửa xe. |
Thành công lớn nhất được ghi nhận sau gần 1 tháng Bến xe Hà Tĩnh vận hành đó là sự hưởng ứng, đón nhận của các DN vận tải hành khách. Bến xe ở địa điểm mới cách xa vùng tập trung dân cư nên chấm dứt được tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị như trước đây. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành Công an, Bến xe Hà Tĩnh đi vào hoạt động góp phần đưa hoạt động vận tải hành khách vào nền nếp. Hiện nay, có 34 DN với 152 đầu xe hoạt động trên 24 tuyến đang sử dụng các dịch vụ của Bến xe Hà Tĩnh. Chị Trần Thị Hương - đại diện Công ty CP Du lịch Văn Minh, cho biết: “Ngay khi có thông tin TP Hà Tĩnh có bến xe mới hiện đại, chúng tôi đã chủ động đăng ký tham gia. Hiện nay, công ty chúng tôi có 10 đầu xe, hoạt động tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội. Công ty Văn Minh rất cần sự đầu tư hạ tầng bến xe đồng bộ, chuyên nghiệp như Bến xe Hà Tĩnh để hỗ trợ phục vụ khách hàng đúng với tôn chỉ: văn minh, bền vững”.
Ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh: Việc đầu tư xã hội hóa xây dựng hệ thống bến xe trên toàn tỉnh đang gặp khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 bến xe đang khai thác, hầu hết ra đời từ thời điểm tách tỉnh, diện tích nhỏ, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, điều kiện phục vụ hành khách và lái xe không đảm bảo. Các đơn vị chủ yếu mới chỉ khai thác nguồn thu từ phí, lệ phí dịch vụ bến xe, còn kinh doanh nganh nghề khác chưa được mở rộng đầu tư nên nguồn thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động. Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, sở đã phối hợp với Bộ GTVT công bố luồng tuyến ngoại tỉnh đến năm 2030 để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa đầu tư các bến xe trong tỉnh đang gặp khó khăn do Hà Tĩnh có số tuyến vận tải và số lượng phương tiện khai thác tuyến cố định không nhiều, dịch vụ kinh doanh trong bến xe chưa được đầu tư, khai thác nên nguồn thu ít, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. |