Gánh nặng kinh tế
Bệnh đái tháo đường không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là gánh nặng kinh tế đối với bệnh nhân. Bà Nguyễn Thị Lan (thị trấn Cẩm Xuyên) đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chia sẻ: “Tui mắc bệnh đái tháo đường gần 10 năm rồi. Những năm đầu, lâu lâu mới đi viện một đợt, nhưng càng về sau phải vào viện nhiều hơn. Riêng 2 năm trở lại đây, ở viện là chủ yếu. Tốn kém lắm! Riêng 2 lần phẫu thuật mạch máu ở chân và nong mạch vành do biến chứng đã hết hơn 100 triệu đồng. Tiền lương hưu không đủ chi, con cái phải lo hết…”.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường.
Cũng mắc bệnh đái tháo đường, bà Dương Thị Hà (TP Hà Tĩnh) chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã phải xin về sớm để chữa bệnh. Bà Hà buồn bã: “Đi chữa thường xuyên nhưng có bao giờ hết bệnh đâu. Chữa được cái này nó lại sinh cái kia. Bắt đầu là mắt cứ mờ dần, rồi đến tai bị ù. Phải ra tận Hà Nội để phẫu thuật mắt nhưng cũng không sáng lại được. Rồi đến tim. Nong mạch vành vừa tạm ổn thì các bác sỹ lại cho biết là thận đã bị suy… Giờ chẳng biết làm sao, cứ “đuổi” theo bệnh suốt vậy”.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết: Bệnh tiểu đường luôn gây ra các biến chứng cấp tính cũng như mãn tính. Về cấp tính, bao gồm biến chứng hạ đường huyết và hôn mê nhiễm Cetonalid. Những biến chứng này nguy hiểm đến tính mạng. Còn các biến chứng mãn tính rất đa dạng, bao gồm biến chứng mạch máu, thần kinh, ở da, xương khớp, nhiễm khuẩn…
Tại Khoa Nội tiết BVĐK tỉnh, bệnh nhân tiểu đường ngày càng gia tăng, trong đó, tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng khá cao. Có những bệnh nhân biến chứng hoại chi, suy tim đến viện mới biết bị tiểu đường.
Kiểm soát và dự phòng bệnh đái tháo đường
Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương công bố cách đây chưa lâu, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường sau 10 năm tại Việt Nam đã tăng từ 2,7% lên gần 6%, trong khi đó, trên thế giới, cứ 15 năm thì tỷ lệ này mới tăng gấp đôi. Đây là con số đáng báo động. Tại Hà Tĩnh, tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo dự đoán của ngành Y tế thì con số này cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Bệnh nhân tiểu đường được theo dõi, quản lý theo hồ sơ tại các BVĐK các tuyến trong tỉnh
Những năm qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tăng cường các hoạt động dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường. Cùng với các hoạt động của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến nay, tất cả các BVĐK từ tuyến huyện trở lên đã thành lập đơn vị tăng huyết áp và đái tháo đường để tư vấn và điều trị dự phòng cấp II cho nhóm bệnh nhân này.
Bác sỹ Dương Chí Lực - Phòng tư vấn, điều trị ngoại trú tăng huyết áp, đái tháo đường BVĐK thành phố Hà Tĩnh cho biết: Đến nay, phòng đã có hơn 15.000 bệnh nhân tiểu đường được theo dõi, quản lý sức khỏe theo hồ sơ. Bệnh nhân mỗi tháng đến khám, tư vấn và cấp thuốc 1 lần. Đối với các bệnh nhân có những biểu hiện khác thường thì gọi điện tư vấn, hướng dẫn kịp thời. Mô hình này rất thuận lợi và tiết kiệm cho bệnh nhân trong theo dõi và điều trị, đạt hiệu quả cao trong dự phòng cấp II. Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay là, sau khi thông tuyến BHYT, số bệnh nhân đái tháo đường đến với phòng tăng khoảng 30%. Đối với số bệnh nhân này, phòng chưa quản lý được theo mô hình vì lý do quá tải.
Để dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Về phía ngành, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai theo từng năm. Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết: Với mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó, bệnh đái tháo đường thuộc nhóm ưu tiên, trong năm 2016, ngành sẽ triển khai thí điểm “Mô hình phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng” tại 13 xã/phường/thị trấn (mỗi huyện, thành phố, thị xã chọn 1 xã/phường/thị trấn tham gia mô hình).
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các BVĐK tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình, đơn vị tư vấn, khám, điều trị bệnh đái tháo đường, kịp thời phát hiện, giúp người tiền tiểu đường tránh được bệnh tiểu đường. Đối với người đã mắc bệnh, làm chậm xuất hiện các biến chứng hoặc làm giảm mức độ nặng khi đã có các biến chứng, đáp ứng mong muốn của bệnh nhân về sức khỏe và giảm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân.
TS. Nguyễn Vinh Quang - PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Nguyên nhân gia tăng bệnh đái tháo đường là do sự thay đổi về lối sống dẫn đến thay đổi về dinh dưỡng, thu nhập năng lượng dư thừa và cơ cấu bữa ăn thay đổi với tỷ lệ protein, lipid chiếm ưu thế, rau xanh và khoáng chất ít đi. Bên cạnh đó, phải kể đến lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực do sử dụng các phương tiện cơ giới thay cho hoạt động thể lực trong sinh hoạt và công việc. |