Bị cáo Nguyễn Ngọc Nhung tại phiên toà sơ thẩm.
Thời gian trôi qua khá lâu, song, người dân xã Sơn Lâm vẫn không khỏi ám ảnh khi nhớ lại vụ việc dẫn đến cái chết oan uổng của anh Nguyễn Tiến S. (SN 1985, trú xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An) xảy ra trên địa bàn.
Cuối năm 2022, anh S. trở về thăm mẹ ruột tại thôn Lâm Bình (xã Sơn Lâm). Do quen biết từ trước nên chiều tối hôm đó, anh S. đã mời Nguyễn Ngọc Nhung (SN 1968, trú xã Sơn Lâm, Hương Sơn) qua nhà mẹ mình uống rượu.
Đến 23h30’ cùng ngày, sau khi chén chú chén anh, giữa Nhung và anh S. xảy ra mâu thuẫn. Để giải quyết cơn giận, anh S. đã lấy 2 con dao ở bếp để đánh nhau với Nhung.
Thấy vậy, Nhung rút dao từ trong túi quần của mình rồi cả 2 cứ thế đâm, chém nhau. Cuộc ẩu đả của 2 “ma men” đã để lại hậu quả kinh hoàng. Anh Nguyễn Tiến S. bị Nhung dùng dao đâm 13 nhát tại vùng ngực, bụng, lưng và tay dẫn đến tử vong do mất máu cấp. Nguyễn Ngọc Nhung bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 6%.
Hiện trường vụ án mạng.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Ngọc Nhung về tội “Giết người” của Tòa án nhân dân tỉnh, trái với suy nghĩ của nhiều người, rằng, kẻ phạm tội danh này có phần hung hãn, lì lợm nhưng ra trước tòa, bị cáo Nhung lại đượm vẻ chất phác, thật thà và dáng vẻ có phần chậm chạp.
Khi được hội đồng xét xử hỏi về động cơ gây án, Nhung thành khẩn, xuất phát từ việc bị cáo chê bai rượu và đồ ăn của nhà anh S. nên khiến chủ nhà phật ý. Sẵn hơi men nên “rượu vào lời ra”, cả chủ lẫn khách đều không giữ được bình tĩnh. Thấy anh S. cầm dao chém mình nên bị cáo đã phản kháng lại. “Vì rượu, bị cáo đã không còn là chính mình” - Nhung tự nhận lỗi về mình.
Tại tòa, Nguyễn Ngọc Nhung bày tỏ ân hận, gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại, mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về chuộc lỗi lầm. Theo tìm hiểu từ những người có mặt tại phiên xử, hoàn cảnh của Nguyễn Ngọc Nhung vô cùng đáng thương. Nhà Nhung thuộc diện hộ nghèo, vợ mất đã lâu, mình bị cáo sống cảnh “gà trống nuôi con”.
Bình thường, Nhung là người hiền lành, sống hòa nhã với làng xóm, không để xảy ra điều tiếng tại địa phương. Tuy vậy, tại thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo được xác định bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu.
Trong quá trình điều tra và tại phiên xử sơ thẩm, Nguyễn Ngọc Nhung thành khẩn khai báo, thừa nhận về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo cũng đã tác động gia đình vay mượn, bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại. Ngoài ra, người thân của anh S. cũng đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Chủ tọa phiên tòa nhận định, thời gian qua, đã có rất nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra ngay trên bàn nhậu, chủ yếu rơi vào đối tượng trong độ tuổi thanh niên, trung niên. Nguyên nhân dẫn đến bi kịch sau cuộc nhậu có thể do mâu thuẫn từ trước hoặc chỉ đơn giản là câu nói đùa, khích bác. Người có sử dụng chất kích thích (rượu, bia) thường dễ mất khả năng kiểm soát, dẫn đến hành vi phạm tội.
Mâu thuẫn trên bàn rượu đã để lại hậu quả đau lòng (Ảnh minh hoạ).
Trong vụ án này, hội đồng xét xử xác định, lỗi xảy ra một phần xuất phát từ bị hại. Tuy nhiên, hành vi của Nguyễn Ngọc Nhung là nguy hiểm cho xã hội, cần tuyên bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung. Sau khi cân nhắc, xem xét, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 10 năm tù về tội “Giết người”.
Chỉ vì “rượu vào lời ra”, không kiềm chế được bản thân mà người mất mạng, kẻ vào tù. Gia đình tan nát, người thân bơ vơ, làng xóm mất đi sự thanh bình vốn có, vụ án khiến người ta phải suy ngẫm về hậu quả đắng lòng sau cuộc nhậu.