Buổi đầu tái lập tỉnh Hà Tĩnh - những năm tháng không thể nào quên

(Baohatinh.vn) - Ba mươi năm trôi qua. Nhớ lại những năm tháng đầu tiên trở về tỉnh mới với bộn bề thiếu thốn, khó khăn, càng thêm trân trọng công lao to lớn của đội ngũ những người “đứng mũi chịu sào” lúc bấy giờ của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh.

Với 39 đại biểu HĐND Nghệ Tĩnh khóa XIII là người của Hà Tĩnh được chuyển về sau tách tỉnh, HĐND tỉnh đã họp kỳ đầu tiên trong 2 ngày 29 và 30/8/1991, tiến hành bầu cử các chức danh chủ chốt của bộ máy chính quyền cấp tỉnh.

Các đồng chí: Trần Quốc Thại - Bí thư Tỉnh ủy (lâm thời) được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Ký - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí Nguyễn Quốc Lựu, Trần Quốc Ban, Nguyễn Hoàng Trạch được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Buổi đầu tái lập tỉnh Hà Tĩnh - những năm tháng không thể nào quên

Đường Phan Đình Phùng - TX Hà Tĩnh năm 1993. Ảnh: Sỹ Ngọ

Từ 1/9/1991, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh chính thức đi vào hoạt động tại TX Hà Tĩnh, đánh dấu sự cố gắng cao độ nhằm hoàn tất việc tái lập tỉnh của ban lãnh đạo mới. Đúng ngày 2/9/1991, số Báo Hà Tĩnh đầu tiên được khôi phục sau 15 năm nhập tỉnh, kịp thời ra mắt bạn đọc vào dịp Quốc khánh lần thứ 46 của đất nước. Đài PT-TH tỉnh cũng lên sóng vào những ngày này. Cuối năm 1991, đã có 73 cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị về làm việc tại TX Hà Tĩnh. 21/37 đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng hoàn thành việc chia tách.

Trong niềm vui của tỉnh mới, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Nhà thơ Lê Duy Phương - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh (tức Sở KH&ĐT ngày nay), kể lại trong cuốn “Xứ Nghệ trong tôi’: “Tôi được trở về Hà Tĩnh trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cơ sở vật chất nghèo nàn, thị xã “rách nát”, kinh tế chậm phát triển...

Nền nông nghiệp bấp bênh, lương thực chưa đủ ăn, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 69 USD/năm...”. Đã thế, trên địa bàn tỉnh xẩy ra nhiều sự kiện, “điểm nóng” nối tiếp nhau như: Trung Lương, Cẩm Nhượng, Minh Lộc, Thanh Lộc, cháy chợ thị xã, sập cầu Đò Hà, gây mất ổn định xã hội, bất ổn lòng dân. Tất cả trách nhiệm dồn lên đôi vai của 17 ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh lâm thời, mà nặng nề nhất vẫn là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Trước những khó khăn, thử thách trên, Đảng bộ tỉnh sớm có chủ trương, giải pháp ổn định tình hình, làm tốt công tác tư tưởng trong Đảng và trong Nhân dân, đồng thời với nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Buổi đầu tái lập tỉnh Hà Tĩnh - những năm tháng không thể nào quên

Hà Tĩnh tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 1995). Ảnh Sỹ Ngọ

Một vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này là bố trí nơi ăn, chốn ở cho hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên và lực lượng vũ trang về làm việc tại TX Hà Tĩnh. Không biết bao ngày đêm, các đồng chí Trần Quốc Thại, Nguyễn Ký, Đặng Duy Báu, Đặng Đình Tứ (Ủy viên BTV Tỉnh ủy) Trần Quốc Ban, Nguyễn Hoàng Trạch, Nguyễn Quốc Lựu... cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan phải ngồi với nhau họp bàn chủ trương cấp đất ở cho các trường hợp. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, TX Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà nhanh chóng cắt chuyển 25 ha đất thuộc một số phường, xã chuyển giao cho công đoàn tỉnh chủ trì thực hiện nhiệm vụ phân chia đất ở cho đội ngũ cán bộ để ổn định cuộc sống.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XIII (vòng 2) diễn ra trong 3 ngày (20 - 22/11/1992). Một BCH mới được đại hội bầu ra gồm 42 đồng chí. Các đồng chí: Trần Quốc Thại, Nguyễn Ký, Đặng Duy Báu được BCH Đảng bộ tỉnh bầu giữ chức Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Nhớ lại những ngày này, lớp cán bộ đầu tiên trở về tỉnh mới như chúng tôi có biết bao nhiêu cảm xúc buồn vui. TX Hà Tĩnh và các trung tâm huyện lỵ hầu như bị “bỏ quên” quá lâu, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, điện, nước phập phù. Cả thị xã lúc bấy giờ chỉ có đường Phan Đình Phùng là trục chính nối quốc lộ 1 với trung tâm hành chính tỉnh là nhìn tạm được, nhưng vừa hẹp lại vừa hư hỏng gần hết.

Đồng chí Nguyễn Ký - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh những năm 1991 - 1995 kể lại trong cuốn hồi ký: “Góp nhặt lai rai”, đại ý, sau ngày tái lập tỉnh, rất nhiều việc phải làm, trong đó có 2 việc rất cơ bản là mở rộng, nâng cấp đường Phan Đình Phùng và xây dựng Cảng Xuân Hải để tìm lối ra cho hàng hóa liên doanh, liên kết sau này. Nhưng vì tỉnh không có kinh phí nên lãnh đạo bàn với nhau vừa báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, vừa tiến hành làm. Sau khi 2 dự án hoàn thành, tỉnh làm văn bản xin Thủ tướng cho được thanh toán.

Kết cục, sau chuyến trực tiếp vào kiểm tra, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý cấp ngân sách vì xét thấy nhu cầu cấp bách và công trình rất hiệu quả, song ông vẫn không quên nhắc nhở tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, không được đặt Thủ tướng trước việc đã rồi.

Buổi đầu tái lập tỉnh Hà Tĩnh - những năm tháng không thể nào quên

Quốc lộ 1 đoạn qua TX Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh), năm 1994. Ảnh Sỹ Ngọ

Nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, tranh thủ được sự đầu tư lớn của Trung ương, từ cuối năm 1991 đến đầu năm 1992, cơ sở vật chất của tỉnh, nhất là TX Hà Tĩnh - trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh đã được tăng cường. Nhiều tuyến đường, cầu cống quan trọng như đường 22/12 phía Đông Thạch Hà đi Nghi Xuân, cầu Hộ Độ, cầu Phủ, cầu Đò Hà, chợ thị xã... được xây dựng, nâng cấp. Các công sở của cơ quan tỉnh được khẩn trương xây dựng. Đường dây tải điện 110 kV từ TP Vinh vào thị xã được hoàn thành. Theo đề nghị của tỉnh, ngày 2/3/1992, Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính phủ) ra quyết định thành lập TX Hồng Lĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Những năm đầu tách tỉnh, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh ra Hà Nội như con thoi, nhằm tranh thủ tối đa sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ngành. Được sự gợi ý, chắp nối, hướng dẫn của các đồng chí Trương Tấn Sang, Lê Minh Hương, Đậu Ngọc Xuân, Nguyễn Mại, Võ Hồng Phúc, Phan Đình Diệu... là con em Hà Tĩnh công tác ở các cơ quan Trung ương và TP Hồ Chí Minh, bước đầu chúng ta đã tiếp cận được vào lĩnh vực kêu gọi đầu tư, liên doanh làm ăn với một số công ty trong nước và nước ngoài. Đó là Xí nghiệp may Hikosen (Nhật Bản); khai thác và chế biến nhựa thông của Trung Quốc; thu mua và chế biến gỗ của Chenlin - Đài Loan; khai thác, chế biến nước khoáng Sơn Kim của Singapore; liên doanh khai thác, chế biến ilmenite với Công ty Austing của Australia.

Ngày 5/4/1994, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý đề xuất, kiến nghị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh những vấn đề trọng điểm về phát triển kinh tế cho tỉnh Hà Tĩnh. Đó là: khai thác mỏ sắt Thạch Khê; xây dựng Cảng Vũng Áng, đường 18 và Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du; đập sông Tiêm; đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là những tiền đề quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH sau này của Hà Tĩnh.

Từ những nỗ lực của toàn Đảng bộ, quân và dân, sự cống hiến hết mình của lãnh đạo các cấp, trong 2 năm 1992-1993, tình hình KT-XH có những chuyển biến tích cực, QP-AN được củng cố, mở ra triển vọng tốt đẹp trong tiến trình đổi mới về sau của Hà Tĩnh.

Buổi đầu tái lập tỉnh Hà Tĩnh - những năm tháng không thể nào quên

Thành phố Hà Tĩnh ngày nay. Ảnh Huy Tùng

Qua 3 thập kỷ, quê hương giờ đây đã có sự đổi thay kỳ diệu về mọi mặt. Song hình ảnh các đồng chí lãnh đạo chủ trì của tỉnh những năm tháng gian khó ấy với những cuộc họp thâu đêm suốt sáng, những chuyến đi vất vả nối tiếp nhau xuống cơ sở, ra Hà Nội... để lo cái ăn, cái mặc, cuộc sống yên hàn cho hơn 1,2 triệu dân Hà Tĩnh đọng mãi trong tâm trí lớp cán bộ cùng thời như chúng tôi. Nhiều người trong số các anh chị đã ra đi hoặc đang phải chống chọi với tuổi già, bệnh tật, không thể góp mặt trong ngày vui tái lập ba chục năm tròn này.

Viết lại không thể đầy đủ những sự kiện đáng nhớ này, thêm một lần, tôi muốn nói lên lòng biết ơn chân thành, sự trân trọng sâu sắc về những gì mà các anh, chị đã làm cho quê hương Hà Tĩnh.

Chủ đề KỶ NIỆM 190 NĂM THÀNH LẬP

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống