Một trong những lễ tế dịp Rằm tháng Giêng được tổ chức lớn là lễ báo ân của dòng họ Bùi ở phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh). Đã thành thông lệ, trung tuần tháng Giêng hằng năm, người dân các địa phương cùng con cháu lại tề tựu tại nhà thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ (1390-1483) để dự lễ báo ân. Ông làm quan Ngự sử dưới 3 triều vua Lê (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông).
Đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ luôn được con cháu quản lý, thờ phụng chu đáo, thành kính.
Hiện nay, dòng họ Bùi có khoảng 600 đinh. Họ Bùi ở đây thuộc cộng đồng họ Bùi Việt Nam. Hằng năm, lễ giỗ tổ vào ngày 20/9 âm lịch cũng như lễ báo ân vào ngày 12 tháng Giêng của dòng họ đều được tổ chức trang trọng, quy mô tại Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Lễ hội báo ân được địa phương tổ chức nhằm tri ân danh thần Bùi Cầm Hổ - người có công lao đối với đất nước và Nhân dân thời Lê sơ.
Việc dòng họ tổ chức lễ báo ân vào dịp tháng Giêng là để con cháu muôn phương đều hướng về tổ tiên, dù bận việc vẫn thu xếp để về lễ tạ ơn đức của tổ tiên. Lễ báo ân được gia tộc, địa phương tổ chức một cách trang trọng với đủ các lễ nghi truyền thống như dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế… Lễ có sự tham gia của các cụ cao niên trong họ. Các cụ mặc áo dài, đội khăn xếp, có chủ tế, xướng lễ, hành lễ trong tiếng trống chiêng phụ họa trang nghiêm.
Không gian thờ cúng trang nghiêm, cổ kính ở đền Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ.
“Trước đây không có dịch COVID-19, con cháu dòng họ khắp cả nước về dự lễ dâng hương. Sau khi lễ xong, người dân tổ chức liên hoan với gần 200 mâm cỗ. Bên cạnh phần lễ còn có hội vật, kéo co… được tổ chức thường niên. Năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ giảm lượng khách mời nhưng vẫn tổ chức đúng lễ nghi truyền thống.
Thời gian này, để đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, người dân, con cháu về dâng hương sẽ phải đeo khẩu trang, thực hiện 5K...” - ông Vượng cho hay.
Những ngày này, con cháu dòng họ Trần Hữu sửa soạn chuẩn bị cho lễ tế tổ vào Rằm tháng Giêng.
Tại huyện Lộc Hà, các dòng họ cũng thực hiện tế tổ ở mức tối giản nhất. Tại dòng họ Trần Hữu ở xã Thạch Châu - dòng họ có gần 200 năm hình thành và phát triển, 2022 được xem là năm chẵn của dòng họ nhưng ban tổ chức xác định chỉ tổ chức gọn nhẹ, ấm áp và tiết kiệm.
“Hiện, dòng họ Trần Hữu có hàng nghìn người khắp cả nước, riêng ở Thạch Châu dòng họ chúng tôi có khoảng 170 nhân khẩu, nhiều năm vinh dự được chính quyền tặng bằng khen về dòng họ tiêu biểu. Dòng họ có nhiều người thành đạt, giữ các chức danh quan trọng của địa phương, đặc biệt còn có khoảng 10 người được công nhận tiến sỹ, thạc sỹ… Hàng chục năm nay, chúng tôi luôn duy trì chế độ khuyến học của dòng họ”, ông Trần Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần Hữu chia sẻ.
Năm 2022 được xem là năm chẵn của dòng họ Trần Hữu nhưng ban tổ chức xác định chỉ tổ chức gọn nhẹ, ấm áp và tiết kiệm.
Được xem là dòng họ có tiếng tăm ở địa phương nên nhà thờ họ Trần Hữu được con cháu xây dựng quy mô lớn, khang trang, sạch đẹp. Họ Trần Hữu lập ra quy ước với 20 chương. Theo đó, 10 chương đầu con cháu thực hiện các chủ trương, chính sách, đường lối pháp luật của Đảng, Nhà nước, quan hệ xóm làng, gia đình, họ hàng; 10 chương sau là quy định nghi lễ của dòng họ.
Hằng năm, dòng họ tổ chức đánh giá, tuyên dương con cháu thực hiện tốt các điều khoản trong quy ước. Riêng năm nay năm chẵn, họ Trần Hữu dự định đón 2 phái ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) và xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) tề tựu về tế tổ.
Năm nay, Hội đồng gia tộc dòng họ Trần Hữu quán triệt các hoạt động tế tổ đầm ấm, tối giản, đảm bảo an toàn phòng dịch.
“Trước đây, con cháu về đông đủ, số lượng 1-2 người/gia đình. Giờ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi tuân thủ quy định của Nhà nước về phòng dịch nên sẽ thông báo các phái họ ở ngoài huyện, ngoài tỉnh hoãn về tế họ.
Năm nay, chúng tôi cũng tổ chức theo truyền thống hằng năm của địa phương, song quán triệt tinh thần hướng về tổ tiên, truyền thống là chính. Trong thời gian tổ chức, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, ban tổ chức đã chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang, sổ ghi chép… nhằm đảm bảo lễ tế họ diễn ra an toàn, tiết kiệm và kiểm soát tốt dịch bệnh” - ông Trần Hữu Thắng nhấn mạnh.
Ban tổ chức dòng họ Trần Hữu chuẩn bị khẩu trang, nước sát trùng...cho con cháu về dự lễ tế tổ an toàn, kiểm soát tốt phòng dịch.
Thời điểm này, tại dòng họ có truyền thống văn hóa và khoa bảng Nguyễn Huy ở Trường Lưu (nay thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc) với những danh nhân nổi tiếng như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự; Nguyễn Huy Hổ… đang đón con cháu về thăm quê.
Tuy lễ tế tổ vào Rằm tháng hai âm lịch, nhưng con cháu ở khắp cả nước, thậm chí nước ngoài cũng về dâng hương tiên tổ dịp tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng. Nhà thơ, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng đang sống và làm việc tại Nga nhưng vẫn tìm về nguồn cội để dâng nén tâm hương, hướng về tổ tiên.
Nhà thơ, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng từ Nga về dâng hương tại đền thờ tổ Nguyễn Huy.
Nhà thơ xúc động tâm sự: “Tôi ở cách xa quê 10.000 km nên mỗi lần về quê đối với tôi là sự kiện rất lớn. Riêng lần này về tết, tôi thấy bà con dòng họ Nguyễn Huy nói riêng và người dân Kim Song Trường nói chung, đặc biệt lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, giữ gìn tất cả những di sản văn hóa của Trường Lưu.
Dòng họ Nguyễn Huy nói riêng và cha ông đời trước đã để lại di sản văn hóa rất lớn, đó là quá trình sáng tạo, tích lũy trí tuệ, tình cảm rất nhiều năm, trở thành niềm tự hào cho con cháu. Hà Tĩnh là một trong những vùng đất có rất nhiều trầm tích văn hóa, chúng tôi mong rằng, không chỉ Trường Lưu mà các nơi khác cũng tiếp tục phát huy việc bảo tồn, xây dựng Hà Tĩnh thành điểm mạnh nhất so với cả nước về văn hóa. Trở về lần này, tôi cảm thấy rất thiêng liêng, xúc động và rất tự hào”.
Tâm sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cũng là tâm sự của hàng triệu người con ở khắp 4 phương trời luôn hướng lòng về quê cha đất tổ. Đó là nét đẹp của tâm hồn người Việt Nam, góp phần tô đậm bản sắc văn hóa Việt.